Ngày 14 tháng 6 hàng năm – Ngày thế giới tôn vinh Người Hiến Máu

Máu là một loại thuốc đặc biệt mà hiện nay chưa có chế phẩm nào thay thế được.
Hàng năm, trên Thế giới cần khoảng 130 triệu đơn vị máu phục vụ cho điều trị, cấp cứu và dự phòng thảm hoạ.

Tuy nhiên, theo thông báo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), những năm gần đây, mỗi năm toàn thế giới thu được 81 triệu đơn vị máu (theo báo cáo từ 178 nước). Dựa vào Chỉ số phát triển con người (HDI – human Developmet Indicator) cho thấy: 54 nước có chỉ số HDI cao (chiếm 16% tổng dân số Thế giới) thu được lượng máu chiếm 61% toàn thế giới, trong khi ở 124 nước có HDI trung bình và thấp (chiếm 82% dân số Thế giới), lượng máu thu được chỉ chiếm 39% lượng máu toàn Thế giới. Đây là sự mất cân đối nghiêm trọng trong việc đảm bảo cung cấp máu cho người bệnh giữa các nước và các khu vực. Trong khi, điều đáng nói là tại các nước phát triển và có HDI cao, cũng mới đạt 94% lượng máu thu được là từ người hiến máu tình nguyện, chỉ mới 34 nước trên thế giới có tỷ lệ người hiến máu tình nguyện đạt 100%. (có phụ lục kèm theo)

Hai khó khăn lớn nhất đối với ngành y tế thế giới trong truyền máu hiện tại đó là: thiếu nguồn người hiến máu thường xuyên và an toàn truyền máu chưa được đảm bảo (do tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ngày càng tăng, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B rất cao…)

Chính vì thế, để giải quyết được 2 khó khăn trên, ở tất cả các nước trên Thế giới, vấn đề người hiến máu luôn được coi trọng và tập trung. Mục tiêu chung đặt ra là toàn bộ lượng máu thu được phải từ những người hiến máu tình nguyện, họ là những người tình nguyện hiến máu hoặc các thành phần máu mà không có bất kỳ đòi hỏi nào từ phía người nhận máu, không nhận tiền hoặc bất cứ hình thức quà tặng nào quy đổi ra tiền, hiến máu không vụ lợi, không có sức ép và sẵn sàng cộng tác với các trung tâm truyền máu để đảm bảo an toàn cho người nhận máu. Chỉ có người hiến máu tình nguyện mới là người hiến máu an toàn; và chỉ có người hiến máu an toàn mới có được những đơn vị máu có chất lượng, an toàn phục vụ cho công tác điều trị người bệnh.

Tuy nhiên, theo Thông báo của Tổ chức y tế Thế giới (WHO), mới chỉ có 34 nước mới đạt được tỷ lệ 100% số đơn vị máu thu được là từ người hiến máu tình nguyện. Phần lớn các nước khác chưa đáp ứng đủ nhu cầu máu phục vụ cho điều trị và lượng máu thu được vẫn phải trông đợi ở người cho máu lấy tiền (cho máu chuyên nghiệp) và người nhà cho máu hoặc người hiến máu thay thế (lấy người nào đó cho máu thay cho người nhà).

Năm 1975, Đại hội đồng sức khoẻ Thế giới đã ra Nghị quyết WHA 28.72trong đó kêu gọi tất cả các nước thành viên tập trung đầu tư phát triển dịch vụ máu quốc gia dựa trên cơ sở nền tảng là người hiến máu tình nguyện không nhận tiền bồi dưỡng. Để khẳng định quyết tâm trong việc tạo dựng được nguồn máu an toàn trên phạm vi toàn cầu, Tổ chức y tế Thế giới và Hiệp hội chữ thập đỏ, trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã có sự cộng tác trong rất nhiều năm cho Chương trình an toàn máu và chương trình về người hiến máu. Những điểm nổi bật đó là cam kết về những nguyên tắc đạo đức liên quan tới an toàn máu, phối hợp tổ chức Ngày sức khoẻ Thế giới dành cho an toàn truyền máu (07/4/2000), nhiều hội nghị quốc tế và khu vực về an toàn máu đã được tổ chức thường xuyên …

Nhằm ghi nhận, cảm ơn và khuyến khích những người đã hiến máu tiếp tục hiến máu nhắc lại, năm 2004, Tổ chức y tế thế giới, Hiệp hội chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hiệp hội truyền máu quốc tế và Hiệp hội người hiến máu thế giới đã thống nhất lấy ngày 14/6 là Ngày Thế giới dành cho người hiến máu (World Blood Donor Day).Ngày 14/6 được lưạ chọn để tưởng nhớ tới Giáo sư Karl Lendsteiner – người Áo, người đã phát minh ra nhóm máu ABO năm 1900 (đạt giải Nobel y học), mang lại bước tiến quan trọng cho lịch sử truyền máu thế giới (truyền máu phải hoà hợp nhóm máu); ông sinh ngày sinh 14/6/1868.  

Mục đích của Ngày thế giới dành cho người hiến máu không phải để vận động được nhiều người hiến máu vào dịp này mà là để kêu gọi các quốc gia, kêu gọi cộng đồng hãy ghi nhận và tổ chức các sự kiện nhằm tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của những người đã hiến máu, họ là những người bình thường, nhưng đối với người bệnh, họ là những NGƯỜI ANH HÙNG, họ đã hiến tặng cho người bệnh, cho cuộc sống hai món quà vô giá – đó là MÁU và THỜI GIAN dành để đi hiến máu. Chính nhờ những món quà này, chính nhờ những nghĩa cử này mà hằng năm trên thế giới có hàng trăm triệu lượt người được cứu sống nhờ có máu để truyền.

Sau thành công của Ngày Thế giới dành cho người hiến máu năm 2004, các tổ chức trên đã thống nhất lấy ngày 14/6 hằng năm là Ngày Thế giới dành cho người hiến máu. Một website chuyên đề về Ngày này đã được thiết lập và kết nối hoạt động của các nước, các khu vực và châu lục trên thế giới (www.wbdd.org). Chính phủ các nước trêm thế giới cũng đã dành sự quan tâm sâu sắc tới hoạt động này tại quốc gia mình.

Hãy dành cho người hiến máu những tình cảm tốt đẹp nhất.

Đó là vì sự sống, vì hạnh phúc trên trái đất này.

Theo BS Ngô Mạnh Quân, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương

Chia sẻ ngay