TSuckhoedoisong.vn – Ngày 28/11 tại Ninh Bình, Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với UBND huyện Kim Sơn tổ chức vinh danh những người đã hiến giác mạc giúp cho những người bị mù do bệnh lý giác mạc có cơ hội tìm lại ánh sáng.

Đây là buổi lễ tri ân của xã hội đối với những người đã khuất cũng như thân nhân của họ khi đã gửi tặng lại cho cuộc sống những món quà quý giá giúp cho những người bị mù do bệnh lý giác mạc có cơ hội tìm lại ánh sáng.

Phát biểu tại buổi lễ,  TS.BS.Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, hiện nay ở nước ta đang có hàng chục nghìn người còn phải sống trong cảnh mù loà do các bệnh lý giác mạc gây ra. Những người không may mắn đó sẽ phải sống trong cảnh mù lòa như vậy nếu không có giác mạc để thay thế khi đó họ sẽ phải sống trong cảnh tăm tối không nhìn thấy ánh sáng và vô tình trở thành gánh nặng cho gia đình cũng như xã hội. Giải pháp cho những người bị bệnh này có thể tìm lại được ánh sáng đó là phải có giác mạc từ những người hiến để các bác sĩ tiến hành phẫu thuật ghép.

vinh-danh-668-nguoi-hien-giac-mac-1

TS.BS.Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương phát biểu tại buổi lễ

Tính đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện tuyên truyền vận động hiến tặng giác mạc Ngân hàng Mắt – Bệnh viện Mắt Trung ương đã thu nhận dược 668 người hiến giác mạc từ 16 tỉnh thành trong cả nước, trong đó, tỉnh Ninh Bình số lượng người hiến vẫn đang dẫn đầu trong cả nước với số lượng 342 người đã hiến, chỉ riêng huyện Kim Sơn đã có 330 người hiến giác mạc. Tính từ đầu năm 2019 đến nay Ngân hàng Mắt đã thu nhận được 148 giác mạc từ người hiến trong đó riêng Ninh Bình đã có 45 người hiến giác mạc, đây là số lượng người hiến của tỉnh nhà đạt được nhiều nhất trong những năm qua.

Cũng tại buổi lễ, chị Tô Thị Thắm (31 tuổi, trú tại Yên Khánh, Ninh Bình) xúc động chia sẻ niềm hạnh phúc khi tìm lại được ánh sáng sau khi được ghép giác mạc cho mắt trái. Theo lời chị Thắm, sau lớp 7 chị buộc phải thôi học vì cả hai mặt bỗng dần mất thị lực. Sau nhiều lần thăm khám với chẩn đoán giác mạc chóp, chị phải dần chấp nhận thực tại hai mắt mờ chỉ có khả năng nhìn gần cách mắt chỉ gang tay. May mắn đã đến khi cách đây chừng 1 tháng chị được các bác sĩ BV Mắt TW gọi điện báo có giác mạc hiến phù hợp để ghép. Và chị là bệnh nhân rất đặc biệt do cả hai mắt cùng hỏng nên được ưu tiên lựa chọn.

vinh-danh-668-nguoi-hien-giac-mac-2

Trao tặng kỷ niệm chương cho các gia đình có người thân hiến giác mạc sau khi mất

Chị Thắm cũng tâm sự, sau ca phẫu thuật lần đầu mở băng con số giường bệnh 26 được chị nhìn rất rõ trong khi trước đó 1 ngày chị chỉ nhìn thấy mờ mờ hai màu xanh trắng. Điều này cũng thật thiêng liêng với chị, bởi từ đó lần đầu chị được nhìn rõ khuôn mặt của hai đứa con và người bạn đời của mình. “Không có lời nào diễn đạt được niềm hạnh phúc lớn lao đó. Tôi vô cùng cảm ơn người đã hiến giác mạc sau mất cùng các y bác sĩ đã ghép thành công để những bệnh nhân mù lòa như chúng tôi đc thấy lại ánh sáng”, chị Thắm bộc bệch. Và, trong niềm vui hạnh phúc ấy, tại đây chị Thắm được hội ngộ cùng gia đình người đã hiến giác mạc. Níu chặt tay người con của người hiến giác mạc chị Thắm dưng dưng “tôi như được tái sinh vì thấy được ánh sáng và thêm cơ hội sống thật ý nghĩa. Cảm ơn hành động đầy nhân văn đó”.

Được biết, kỹ thuật ghép giác mạc giúp cho những người không may bị mù do các bệnh lý giác mạc tìm lại được ánh sáng đã được thực hiện từ rất lâu trên thế giới cũng như Việt Nam, tuy nhiên vấn đề gặp nhiều khó khăn nhất đó là nguồn giác mạc để phẫu thuật. Số lượng giác mạc hàng năm Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận được vẫn không đủ nhu cầu so với số lượng bệnh nhân chờ ghép . Đó cũng là khó khăn chung trên thế giới và đặc biệt là tại Việt Nam – nơi từ ngàn đời nay tư tưởng định kiến chết toàn thây đã ăn sâu vào tiềm thức, tư tưởng.

Cũng trong lễ tôn vinh Nghĩa cử cao đẹp của người hiến giác mạc, BV mắt TW đã trao tặng kỷ niệm chương cho 53 gia đình đã có người hiến giác mạc trong năm 2019.

Khánh Mai

Chia sẻ ngay