Viêm kết mạc dịch do virus

TSuckhoedoisong.vn – Viêm kết mạc cấp do virus (đau mắt đỏ) là bệnh lý hay gặp ở nước ta cũng như ở các nước có cùng đặc điểm địa lý khí hậu nhiệt đới như nóng ẩm, mưa nhiều.

Viêm  kết mạc cấp do virus có thể xảy ra rải rác quanh năm, nhưng thường xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn trên một số lượng bệnh nhân lớn thành dịch đau mắt đỏ. Đây là bệnh có khả năng lây lan mạnh trong cộng đồng nếu như không có biện pháp điều trị và phòng ngừa thích hợp.

Con đường lây truyền

Nguyên nhân gây bệnh từ trước đến nay được xác định chủ yếu là do Adenovirus (70%) với nhiều type huyết thanh khác nhau. Tuy nhiên có thể gặp các loại virus khác như nhóm Picornavirus (Entero virus, Coxakivirus…), virus Herpes simplex type I.

Bệnh lây truyền qua dịch tiết của mắt người bệnh hoặc dịch tiết từ đường hô hấp nhiễm vào mắt người lành. Khi người bệnh đưa tay dụi mắt, tiết tố chứa yếu tố gây bệnh sẽ nhiễm vào tay và lây cho người khác trong gia đình qua các vật dụng dùng chung (điều khiển từ xa, tay nắm cửa, khăn và chậu rửa mặt,…). Virus gây viêm kết mạc cấp có thể nhiễm vào dịch tiết đường hô hấp và khi người bệnh nói, ho hoặc hắt hơi, nước bọt có chứa yếu tố gây bệnh sẽ bắn ra ngoài và nhiễm vào mắt người khác, đây là con đường lây lan chính trong cộng đồng.

viem-ket-mac-dich-do-virus-1

Mắt bị viêm kết mạc dịch do virus.

Dấu hiệu nhận biết

Sau khi mắt tiếp xúc với nguồn bệnh vài ngày, bệnh nhân sẽ thấy đỏ mắt, cộm như có dị vật trong mắt, có thể chảy nước mắt. Xuất tiết (rử mắt) nước trong, dính làm cho bệnh nhân khó mở mắt nhất là buổi sáng ngủ dậy. Khám sẽ thấy mi và kết mạc cương tụ phù nề, giác mạc thường không bị tổn thương. Lúc đầu bệnh xuất hiện ở một mắt sau lan ra hai mắt. Một số trường hợp nặng hơn có thể có màng giả (còn gọi là giả mạc) bao bọc mặt trong mi mắt, mi sưng nề nhiều, đau nhức, khó mở mắt. Bình thường bệnh không ảnh hưởng đến thị lực nhưng trong trường hợp nặng có viêm giác mạc kèm theo thị lực bệnh nhân sẽ bị giảm kèm theo chói sáng. Bệnh nhân có thể có sốt, viêm đường hô hấp trên, rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy), có hạch trước tai.

Tuân thủ điều trị

Khi bị bệnh người bệnh nên đến các cơ sở nhãn khoa để được khám, có chẩn đoán và điều trị đúng vì có nhiều bệnh mắt nguy hiểm cũng có triệu chứng tương tự như viêm kết mạc cấp do virus như bệnh viêm loét giác mạc, glocom, viêm màng bồ đào,… bệnh nhân không tự mua thuốc tra vì có thể gây biến chứng nguy hiểm.

viem-ket-mac-dich-do-virus-2

Adenovirus gây đau mắt.

Đối với bệnh viêm kết mạc do virus cần điều trị toàn thân và điều trị tại mắt. Bệnh nhân cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng: tinh bột, chất xơ, chất đạm, chất béo. Không nên kiêng khem quá mức dẫn đến suy nhược cơ thể khiến bệnh lâu khỏi. Cần nâng cao thể trạng, miễn dịch cơ thể: có thể uống bổ sung vitamin tổng hợp hoặc các loại sinh tố trái cây cam, chanh, bưởi… trừ những thức ăn cơ thể người bệnh có tiền sử dị ứng. Nên đeo khẩu trang y tế. Nên cách ly hợp lý vì bệnh lây qua đường tiếp xúc. Ngủ đủ giấc để mắt có đủ thời gian nghỉ ngơi giúp bệnh mau lành. Hạn chế tối đa các thiết bị điện tử trong thời gian bị bệnh. Nên đeo kính chắn gió, bụi. Tránh tiếp xúc với các loại khói: khói hương, khói bếp, khói than củi, khói xe vì dễ gây kích thích cho mắt… Tránh bơi hoặc dây nước bẩn vào mắt bị bệnh. Không day, dụi mắt vì sẽ làm tổn thương giác mạc (tròng đen) sẽ ảnh hưởng đến thị lực và bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

viem-ket-mac-dich-do-virus-3

Khám mắt cho bệnh nhân tại BV Mắt Trung ương.

Việc điều trị tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, cụ thể dùng thuốc điều trị theo đơn đã kê của bác sĩ mắt, tùy tình trạng bệnh và các tổn thương tại mắt mà bác sĩ sẽ kê đơn phù hợp đối với từng bệnh nhân như kháng sinh, kháng viêm, nước mắt nhân tạo… Thuốc tra mắt có thể là dạng nước, dạng hỗn dịch, dạng mỡ, hoặc gel. Cần tuân thủ thời gian, liều lượng, số lần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuân thủ đúng cách tra thuốc: không chạm đầu thuốc vào mắt. Đối với thuốc nước nhỏ từ 1-2 giọt; thuốc mỡ, gel khoảng 1cm vào cùng đồ mi dưới. Tránh tra ra ngoài mắt gây lèm nhèm, khó chịu.

Luôn khám lại theo lịch hẹn của bác sĩ để kiểm soát tiến triển của bệnh. Nếu có những bất thường như các triệu chứng mắt nặng hơn, đau hơn, sưng hơn, chảy nước hồng, chảy máu hoặc dùng thuốc thấy có bất thường cần phải khám lại ngay hoặc gọi điện thoại cho bác sĩ của bạn để được tư vấn kịp thời.

Lời khuyên thầy thuốc

Viêm kết mạc cấp là một bệnh lành tính, nếu được khám và điều trị đúng bệnh sẽ khỏi trong vòng 1 – 2 tuần, một số trường hợp có kèm theo viêm giác mạc bệnh có thể kéo dài hàng tháng đến hàng năm.

Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh, phòng bệnh chủ yếu là giữ vệ sinh tránh lây lan bệnh. Khi tay tiếp xúc với dịch tiết từ mắt bị bệnh (sau khi tra thuốc, dụi mắt,..) cần phải rửa tay xà phòng, người bệnh cần đeo khẩu trang nhất là khi đến nơi công cộng để tránh lây nhiễm ra cộng đồng. Tăng cường tập luyện, chế độ dinh dưỡng và lao động lành mạnh giúp tăng cường thể trạng sẽ giúp hạn chế nguy cơ bị bệnh.

TS.BS. Lê Xuân Cung -Bệnh viện Mắt Trung ương.

Chia sẻ ngay