Sáng 22/11/2019, Ban điều hành dự án Phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản Trung ương đã có cuộc làm việc với Sở Y tế tỉnh Lào Cai về kết quả hoạt động của chương trình này trên địa bàn tỉnh. 

Quang cảnh hội nghị

Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 800 bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản được phát hiện và điều trị. Đây là một trong những căn bệnh đang được y học quan tâm bởi gánh nặng về bệnh tật, kinh tế và tử vong do bệnh gây ra vẫn tiếp tục gia tăng. Tại Lào Cai, chương trình do BVĐK tỉnh thực hiện. Bệnh viện đã đẩy mạnh công tác truyền thông dưới nhiều hình thức như: tuyên truyền qua áp phích, tờ rơi, các buổi tư vấn sức khỏe trực tiếp; tin bài phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn bằng các buổi hội chẩn trực tiếp với các bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương.

 Đoàn kiểm tra hồ sơ bệnh án nội trú và thăm quan phòng đo chức năng hô hấp cho bệnh nhân

Từ tháng 6 năm 2019, chương trình được bàn giao từ BVĐK tỉnh sang Trung tâm Kiểm soát bệnh tật quản lý, chủ trì thực hiện, Trung tâm đã tham mưu Sở Y tế ban hành các kế hoạch thực hiện chiến lược phòng chống các bệnh không lây nhiễm trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2019; Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh ung thư, đái tháo đường, tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015 – 2020; Phối hợp với BVĐK tỉnh tổ chức khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú, phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản cho hơn 230 người tại 3 xã vùng cao của các huyện Bảo Thắng, Mường Khương và Bát Xát. Đối với những bệnh nhân được phát hiện, cán bộ y tế sẽ tư vấn người dân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, hoạt động của chương trình tại địa phương còn gặp không ít khó khăn do giai đoạn trước đơn vị chủ trì là Bệnh viện đa khoa tỉnh nên các hoạt động tập trung chủ yếu vào quản lý, điều trị bệnh nhân đến khám, điều trị; mạng lưới cán bộ phụ trách tại các tuyến còn thiếu và yếu, chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu; thiếu các trang thiết bị; kinh phí cho hoạt động còn hạn hẹp. Do vậy, Sở Y tế đề nghị Ban điều hành dự án xem xét, tăng cường đạo tạo cho cán bộ y tế tuyến cơ sở về hoạt động này; cung cấp trang thiết bị hỗ trợ công tác phát hiện sớm bệnh trong cộng đồng và hướng dẫn triển khai mô hình quản lý, chẩn đoán, điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản cho hệ thống dự phòng từ tỉnh, huyện, xã.

TT Kiểm soát bệnh tật

Chia sẻ ngay