- Chỉ số ROMA(Roma test) là gì?
Chỉ số ROMA là viết tắt của từ Risk of Ovarian Malignancy Algorithm, đây là sự kết hợp của 2 xét nghiệm, đó là nồng độ của HE4 và nồng độ của CA 125, cùng với chu kỳ kinh nguyệt, từ đó người ta có thể ước tính hoặc đánh giá được nguy cơ mắc ung thư buồng trứng ở phụ nữ.
Ngày nay, tỷ lệ phụ nữ mắc ung thư buồng trứng ngày càng tăng cao. Việc phát hiện ra bệnh ngay từ giai đoạn sớm giúp cho người bệnh cho thể kéo dài được tuổi thọ, nâng cao sức khỏe, ngăn ngừa được sự phát triển của khối u. Chỉ số Roma là một trong những chỉ số xét nghiệm quan trọng giúp tầm soát ung thư buồng trứng ở phụ nữ, cho độ chính xác cao.
- Ý nghĩa và ứng dụng của chỉ số ROMA
– Các xét nghiệm CA125 và HE4 được chỉ định phổ biến trong chẩn đoán ung thư buồng trứng, mỗi xét nghiệm có vai trò khác nhau trong chẩn đoán và theo dõi điều trị.
– Chỉ số ROMA có khả năng phát hiện nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn so với các xét nghiệm dấu ấn đơn như trước đây.
– Sự kết hợp giữa xét nghiệm CA 125 và HE4 trong chỉ số ROMA làm tăng độ nhạy và độ đặc hiệu của các phản ứng, nhờ đó việc tầm soát ung thư buồng trứng ở bệnh nhân được chính xác và nhanh chóng nhất.
– Chỉ số ROMA có khả năng phân loại bệnh nhân có nguy cơ cao lên đến 83,3% trong khi nếu chỉ sử dụng xét nghiệm CA125 là 66,6% hay HE4 là 45,84%
Đây là gợi ý cho bác sỹ lâm sàng khi chỉ định xét nghiệm trong chẩn đoán ung thư buồng trứng với độ nhạy chỉ số ROMA trong chẩn đoán là 76,7%. Độ đặc hiệu chỉ số ROMA trong chẩn đoán là 96,6%. Giá trị tiên đoán dương chỉ số ROMA là 79,3%. Giá trị tiên đoán âm chỉ số ROMA là 96,1%.
- 3. Giá trị bình thường của chỉ số ROMA.
Chỉ số ROMA: Kết hợp hai xét nghiệm CA125, HE4 và tình trạng kinh nguyệt của bệnh nhân được dùng để đánh giá nguy cơ ung thư buồng trứng ở phụ nữ có biểu hiện khối u vùng chậu. Tùy theo phương pháp xét nghiệm và tình trạng kinh nguyệt sẽ có điểm cắt khác nhau, hai xét nghiệm này được thực hiện trên hệ thống Cobas của Roche(được tính trên phần mền excel) có điểm cắt như sau:
Tiền mãn kinh (còn kinh nguyệt)
ROMA < 11.4% Nguy cơ thấp
ROMA ≥ 11.4% Nguy cơ cao
Mãn kinh (hết kinh nguyệt)
ROMA < 29.9% Nguy cơ thấp
ROMA ≥ 29.9% Nguy cơ cao
Chỉ số ROMA (Risk of Ovarian Malignancy Algorithm) là một chỉ số xét nghiệm dựa trên thuật toán kết hợp kết quả của CA125 và HE4, đi kèm với tình trạng kinh nguyệt, để từ đó đánh giá khả năng mắc ung thư buồng trứng.
Sơ đồ đánh giá chỉ số ROMA ở bệnh nhân có khối u vùng chậu
Lưu ý:
Chỉ số ROMA là chỉ số để đánh giá nguy cơ ung thư buồng trứng ở phụ nữ có biểu hiện khối u vùng chậu chứ không có ý nghĩa chẩn đoán xác định. Để chẩn đoán xác định cần kết hợp triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh,… và được kết luận bởi bác sĩ chuyên khoa ung bướu.
Chỉ số ROMA Là một chỉ số xét nghiệm dựa trên thuật toán kết hợp kết quả của CA125 và HE4, đi kèm với tình trạng kinh nguyệt. Hai xét nghiệm này thực hiện trên hệ thống Cobas của Roche được tính trên phần mền excel(có phần mền excel đính kèm). Do vậy giá trị bình thường của chỉ số ROMA trên chỉ có giá trị khi xét nghiệm CA125 và HE4 được thực hiện trên hệ thống Cobas của Roche và được tính trên phần mền excel của Roche.
- Các yếu tố ảnh hưởng tới kết quả chỉ số Roma.
– Khi thực hiện xét nghiệm, cần phải lưu ý với các bệnh nhân mãn kinh hoặc trong giai đoạn tiền mãn kinh do nồng độ HE4 trong huyết thanh ở người mãn kinh cao hơn ở bệnh nhân chưa mãn kinh. Vì vậy, yếu tố về chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể làm ảnh hưởng đến nồng độ HE4 huyết thanh, từ đó làm cho xét nghiệm chỉ số Roma kém chính xác.
– Đối với ung thư buồng trứng ở thể biểu mô, thì nồng độ CA 125 tăng 80%, còn 20% thì không tăng, tức là không thể phát hiện được bằng xét nghiệm CA 125.
– Đối với ung thư buồng trứng ở các giai đoạn sớm (I, II), thì chỉ có thể phát hiện được 50%, còn 50% còn lại cũng không xác định được bằng xét nghiệm CA 125.
– Ngoài ra, nồng độ CA 125 cũng có thể tăng đối với bệnh nhân bị u phụ khoa lành tính.
– Đối với kết quả HE4 tăng cao không phải là bằng chứng tuyệt đối về sự hiện diện của bệnh ung thư buồng trứng ác tính, bởi vì HE4 cũng tăng ở những người mắc bệnh phụ khoa lành tính (u nang buồng trứng, u nang, u xơ và lạc nội mạc tử cung), tăng huyết áp, suy tim sung huyết và bệnh thận hoặc gan.
BSCKI Hồ Thị Phi Nga.