Tiểu đường là bệnh lý rối loạn chuyển hóa insulin rất dễ gặp, là nguyên nhân của hàng loạt bệnh lý về tim mạch, thận, mắt, thần kinh,… Trang bị kiến thức về nguyên nhân bị tiểu đường là hành trang cần thiết để mỗi người biết cách chủ động phòng ngừa trước bệnh lý này.

1. Bệnh tiểu đường và quá trình chuyển hóa glucose của cơ thể

1.1. Tiểu đường là bệnh gì?

Bệnh tiểu đường thuộc dạng rối loạn chuyển hóa mạn tính xảy ra khi cơ thể giảm khả năng sản xuất hormone insulin hoặc sinh ra kháng thể kháng insulin khiến cho lượng đường trong máu tăng cao.

Chỉ số đường huyết của người bị tiền tiểu đường

Chỉ số đường huyết của người bị tiền tiểu đường

Tiểu đường được phân thành 3 dạng:

– Tiểu đường type 1

Đây là bệnh xảy ra do cơ thể phát sinh phản ứng tự miễn ngừng sản xuất insulin. Do đó, người mắc bệnh lý này chỉ có một cách điều trị duy nhất là dùng insulin ngoại sinh trong cả phần đời còn lại của họ.

– Tiểu đường type 2

Ở bệnh lý này cơ thể sinh ra các kháng thể kháng insulin hay nói dễ hiểu hơn là mặc dù cơ thể vẫn tạo ra insulin nhưng kháng thể kháng insulin sẽ làm giảm đi lượng insulin được tiết vào máu, dẫn đến thiếu hụt insulin.

– Tiểu đường thai kỳ

Bệnh tiểu đường thai kỳ chỉ xảy ra vào thời điểm phụ nữ mang thai nhưng không xảy ra với mọi thai phụ. Đây là tình trạng cơ thể ít nhạy cảm trước insulin và có thể khỏi bệnh ngay sau sinh.

– Tiền tiểu đường

Bình thường, lượng đường huyết của cơ thể trong khoảng dưới 99 mg/dL (<5.6 mmol/l), nếu lượng đường huyết trên 126 mg/dL (7 mmol/l) là mắc bệnh tiểu đường. Khi chỉ số đường huyết khoảng 100 – 125 mg/dL (5.6 – 6.9 mmol/l) thì gọi là tiền tiểu đường.

Bệnh tiền tiểu đường dễ phát triển thành tiểu đường type 2 dù cả khi không gây ra biểu hiện rõ ràng nào.

1.2. Quá trình chuyển hóa glucose của cơ thể

Muốn hiểu được nguyên nhân bị tiểu đường thì điều đầu tiên cần nắm được là quá trình chuyển hóa glucose của cơ thể. Trong cơ thể, glucose có vai trò là nguồn năng lượng cho các tế bào hoạt động, nhất là neuron thần kinh (hay tế bào thần kinh). Glucose vào cơ thể qua thực phẩm mà cơ thể dung nạp sau đó được dự trữ trong gan (dưới dạng glycogen).

Mô phỏng quá trình tạo glucose của cơ thể

Mô phỏng quá trình tạo glucose của cơ thể

Nếu vì lý do nào đó khiến lượng glucose trong máu giảm thấp thì gan sẽ ly giải glycogen thành glucose rồi tự cân bằng lượng đường trong máu. Glucose được máu hấp thụ rồi cung cấp đến các tế bào của cơ thể.

Điều đáng nói là những tế bào này không thể dùng glucose trực tiếp mà cần có sự hỗ trợ của hormone insulin (do tuyến tụy sản xuất ra). Insulin cho phép glucose hấp thu vào tế bào đồng thời làm giảm nồng độ glucose huyết. Khi đường huyết đã giảm thì đồng thời tuyến tụy cũng giảm sản xuất insulin.

Nếu quá trình trao đổi chất này có bất cứ sự bất thường nào thì glucose sẽ không thể đi vào tế bào để đảm nhận vai trò cung cấp năng lượng được. Chính điều đó khiến cho đường vẫn còn tồn đọng trong máu. Theo thời gian, đường huyết tích lũy và làm tăng lượng đường trong máu ở mức đáng kể. Đây chính là tăng đường huyết.

2. Nguyên nhân bị tiểu đường là gì?

2.1. Nguyên nhân bị tiểu đường type 1

Hiện vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân tiểu đường type 1. Các chuyên gia cho rằng bệnh có thể là kết quả của việc hệ miễn dịch tấn công và phá hủy tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy. Chính điều đó đã làm cơ thể có ít hoặc không có insulin nên thay vì chuyển đến tế bào thì glucose lại tích lũy trong máu và sinh ra tiểu đường type 1.

Về cơ bản, dù chưa xác định rõ yếu tố chính xác gây ra bệnh nhưng có thể xem nguyên nhân của bệnh tiểu đường type 1 là do các yếu tố môi trường và tính nhạy cảm di truyền.

2.2. Nguyên nhân bị tiểu đường type 2 và tiền tiểu đường

Đối với người bị tiền tiểu đường và tiểu đường type 2 thì tế bào đề kháng với insulin và tuyến tụy không tạo ra đủ insulin để vượt qua sự đề kháng của tế bào. Kết quả là đường không đến được tế bào mà tích tụ lại trong máu.

Nguyên nhân bị tiểu đường type 2

Nguyên nhân bị tiểu đường type 2

Vẫn chưa rõ nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường type 2 và tiền tiểu đường là gì nhưng nhiều chuyên gia cho rằng yếu tố di truyền và môi trường đóng một vai trò quan trọng để bệnh xuất hiện. Ngoài ra, thừa cân có mối liên hệ chặt chẽ với bệnh lý này nhưng điều đó không có nghĩa là mọi trường hợp mắc bệnh tiểu đường type 2 và tiền tiểu đường đều thừa cân.

2.3. Nguyên nhân bị tiểu đường thai kỳ

Sự duy trì của thai kỳ là do kích thích tố do nhau thai tạo ra. Chính kích thích tố đó làm tế bào có khả năng kháng insulin tốt. Bình thường, tuyến tụy sẽ sản xuất đủ insulin để vượt qua khả năng kháng của tế bào nhưng cũng có khi tuyến tụy không thể sản xuất ra đủ insulin nên giảm lượng đường vào gan và tăng lượng đường trong máu. Kết quả chính là sự xuất hiện của bệnh tiểu đường thai kỳ.

3. Khuyến cáo

Bệnh tiểu đường nếu không được điều trị sớm sẽ làm tổn thương hàng loạt hệ cơ quan. Nguy cơ mắc biến chứng nguy hiểm tỉ lệ thuận với thời gian mắc bệnh. Các biến chứng nguy hiểm cần lưu ý là:

– Mạch máu: tai biến mạch máu não, tổn thương thành mạch, nhồi máu cơ tim, hoại tử chi, suy thận,…

– Hô hấp: viêm phổi, viêm phế quản do bội nhiễm vi khuẩn.

– Tiêu hóa: viêm quanh nướu răng, tiêu chảy, viêm loét dạ dày, rối loạn chức năng gan,…

– Da: ngứa, mụn nhọt ngoài da; có u màu vàng gây ngứa ở bàn tay, bàn chân; viêm mủ da;…

– Bệnh Alzheimer: nguy cơ cao ở người bị tiểu đường type 2.

– Sản phụ: tiền sản giật, tái phát tiểu đường trong lần mang thai kế tiếp, tiến triển tiểu đường type khi về già.

– Thai nhi: phát triển quá nhanh so với độ tuổi, sau khi sinh ra có thể bị tiểu đường type 2, thai lưu,…

Để ngăn ngừa hệ lụy nguy hiểm do bệnh tiểu đường, những người thuộc nhóm có nguy cơ cao đối với nguyên nhân bị tiểu đường nên tầm soát tiểu đường định kỳ 1 – 3 năm hoặc khi phát hiện triệu chứng bất thường. Những người đã được chẩn đoán tiền tiểu đường nên tầm soát tối thiểu 1 lần/năm. Thai phụ nên làm xét nghiệm tiểu đường vào tuần thai thứ 24 – 28.

Bệnh tiểu đường có thể được chẩn đoán bằng cách thực hiện 1 trong các xét nghiệm sau:

– Xét nghiệm FPG (xét nghiệm đường huyết lúc đói): người làm xét nghiệm cần nhịn ăn sau 21 giờ, kể từ 21 giờ đến khi kết thúc xét nghiệm vào ngày hôm sau chỉ được uống nước lọc.

– Xét nghiệm OGTT (dung nạp glucose đường uống): kiểm tra đường huyết ở 2 mốc 2 giờ sau khi đã dùng 75g glucose.

– HbA1c: kiểm tra glucose gắn với hemoglobin ở tế bào hồng cầu.

– Xét nghiệm đường huyết vào một thời điểm bất kỳ với người có triệu chứng tăng đường huyết kinh điển.

Sau khi có kết quả xét nghiệm, dựa trên tình trạng thực tế của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra mục tiêu điều trị phù hợp.

Đỗ Thị Thu Phượng – Nội hô hấp

Chia sẻ ngay