Thường Thức  Được viết: 12 Tháng 12 2019  Lượt xem: 41 Các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp trẻ sơ sinh vài ngày tuổi bị bỏng, nhiễm trùng máu, áp – xe do nằm than.

Bệnh nhi là bé Nguyễn Hoàng M.N, sinh ngày 27/11/2019, ngụ tỉnh Bình Phước được chuyển vào Khoa Cấp cứu, sau đó là Khoa Sơ Sinh – BV Nhi Đồng 2 trong tình trạng sốt cao, lừ đừ,  bụng chướng, lưng bị sưng nề, đỏ.

Sau khi thăm khám và làm xét nghiệm cần thiết, bé được chẩn đoán bị bỏng độ 2, áp xe, nhiễm trùng máu, hậu quả của việc gia đình cho bé nằm hơ than cùng với mẹ.

Chị Nguyễn Thị. B, mẹ của bệnh bé cho biết, sau sinh, người nhà thấy trời lạnh nên đốt than để dưới giường cho 2 mẹ con chị sưởi ấm. Ngày đầu tiên nằm than, bé khóc, sốt nhẹ nhưng bế lên lại nín. Người nhà cứ nghĩ bé đòi mẹ ẵm bồng.

Sang ngày thứ hai, bé sốt cao hơn, sốt liên tục không giảm, bụng chướng, sờ vùng da lưng thấy cứng, bé khóc nhiều hơn.

Đến ngày thứ ba, bé khóc dữ đội, bỏ bú, gia đình không cho bé nằm than  nữa và đem bé vào Bệnh viện thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước để khám và điều trị. Các bác sĩ ở đây nhận định bé có khả năng bị viêm ruột, sưng mô và chuyển bé lên tuyến trên.

nam-than-suoi-am-mot-tre-so-sinh-bi-bong-nang-nhiem-trung-mau-1

Vùng lưng của bé nổi bóng nước, da phập phều, vùng trung tâm bị hoại tử. 

Tại khoa Sơ sinh – BV Nhi Đồng 2, sau vài ngày điều trị bằng kháng sinh, tình trạng sốt của bé có giảm nhưng tổn thương ở lưng không đỡ mà còn diễn tiến nặng hơn. Vùng lưng của bé nổi bóng nước, da phập phều, vùng trung tâm bị hoại tử. Các bác sĩ khoa Sơ Sinh hội chẩn với bác sĩ khoa Ngoại để tiến hành rạch dẫn lưu mủ, điều trị chỗ áp xe cho bé, đồng thời tiếp tục điều trị kháng sinh. Dự kiến, bé sẽ mất 20-30 ngày mới có thể lành thương và hồi phục.ThS.BS. Nguyễn Thị Kim Anh, Quyền Trưởng khoa Sơ sinh cho biết, thỉnh thoảng khoa có nhận các bé bị bỏng do nằm than nhưng mức độ tổn thương không nặng như ca này.

Qua trường hợp này, BS. Kim Anh khuyến cáo, người nhà không nên thực hiện sưởi ấm cho bé bằng cách này do da trẻ sơ sinh rất mỏng, dễ bị tổn thương. Trẻ lại quá nhỏ, không biết nói nên phụ huynh sẽ không thể biết được tình trạng bỏng của trẻ. Ngoài ra, khí CO khi đốt than có thể gây ngạt nếu nằm trong phòng kín.

Khi trời lạnh, phụ huynh có thể giữ ấm cho trẻ bằng cách cho trẻ mặc quần áo ấm, đội nón, đeo vớ. Tuyệt đối không để trẻ nằm than.

Theo quan niệm trước đây, khi sinh, sản phụ bị mất một lượng khá nhiều máu. Do vậy, cơ thể của sản phụ sẽ yếu và lạnh hơn so với bình thường. Mặt khác, khi mang thai, tim, mạch máu, cơ, phổi… của sản phụ phải tăng cường hoạt động để nuôi thai nhi. Sau sinh, các trạng thái này bị “cắt” đột ngột làm cơ thể của người mẹ có sự dao động và thân nhiệt hạ xuống. Do đó, sản phụ phải nằm than để cơ thể ấm lại, máu huyết lưu thông, tuần hoàn máu tốt hơn. Cũng có quan niệm cho rằng nằm than sẽ giúp sản phụ và trẻ cứng cáp hơn. Lâu dài về sau, sản phụ không bị đau nhức mình mẩy, không bị lạnh run…

Thế nhưng các chuyên gia y tế hiện nay đều cho rằng đây là một trong những thói quen sai lầm nghiêm trọng, có thể dẫn đến nguy cơ cao nhất là tử vong.

Theo các bác sĩ, thì việc nằm than sau khi sinh lợi ít mà hại thì nhiều, bởi vì than khi đốt cháy sinh ra khí CO2. Đây là khí độc không tốt cho mẹ, đặc biệt là con nhỏ. Hệ hô hấp của bé còn yếu mà lại được đặt trong căn phòng “ngập tràn” CO2 khiến bé hít thở khó khăn, có trường hợp dẫn tới ngạt thở tử vong. CO2 cũng khiến cho bé mắc các bệnh về phổi sau này.

Nhiệt độ của bếp than không phải lúc nào cũng giống nhau. Có lúc nóng hừng hực, có lúc tắt ngấm. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột làm cơ thể yếu và mệt mỏi hơn. Hằng năm, có vài vụ trẻ sơ sinh bị bỏng do nằm than. Lửa than bén lên giường, nệm gây cháy và làm bỏng bé. Sự bí bách do nằm than cũng là nguyên nhân khiến hai mẹ con bị nổi mẩn đỏ. Phòng bà đẻ ngày nay chủ yếu là phòng kín, phòng có máy lạnh. Phòng kín khiến CO2 không thoát ra ngoài dẫn tới làm ngạt thở.

Suy cho cùng mục đích nằm than sau khi sinh là để sưởi ấm cho hai mẹ con, bởi vậy thay vì nằm than có thể dùng những biện pháp khác để duy trì sự ấm áp như giữ ấm cơ thể bằng cách mặc áo ấm, khăn choàng cổ, đi tất, mang bao tay. Phụ nữ trong tháng không được đụng nước lạnh nhưng vẫn phải tắm, vệ sinh thân thể bằng nước ấm.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn

Chia sẻ ngay