Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nữ giới đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên. Từ tuổi 21 chị em nên bắt đầu làm xét nghiệm sàng lọc bệnh.

Quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình, sinh đẻ nhiều lần, nhiễm virus HPV… đều là các yếu thuận lợi của bệnh. 

Đáng chú ý phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả tối đa. Phẫu thuật là phương pháp phổ biến đối với ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm. Bác sĩ có thể phẫu thuật khoét chóp cổ tử cung hoặc cắt tử cung toàn bộ, cắt tử cung triệt căn, vét hạch bằng mổ nội soi hoặc mổ mở.


Ung thư cổ tử cung là loại đứng thứ 2 trong số các loại ung thư phổ biến ở nữ giới (ảnh minh họa)

BS Nguyễn Duy Khoa, Đơn nguyên Nội Theo yêu cầu III, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội khuyên với ung thư cổ tử cung chị em nên:

– Xét nghiệm ung thư cổ tử cung nên bắt đầu từ tuổi 21.

– Phụ nữ trong độ tuổi từ 21 đến 29 nên làm xét nghiệm Pap 3 năm một lần. Không nên sử dụng xét nghiệm HPV ở nhóm tuổi này trừ khi cần thiết sau khi có kết quả xét nghiệm Pap bất thường.

– Phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 65 nên làm xét nghiệm Pap cộng với xét nghiệm HPV được thực hiện 5 năm một lần. Nhưng cứ sau 3 năm thì bạn nên làm xét nghiệm Pap một lần.

– Phụ nữ trên 65 tuổi đã được xét nghiệm ung thư cổ tử cung thường xuyên trong 10 năm qua với kết quả bình thường thì có thể ngừng sàng lọc.

– Tất cả phụ nữ đã được tiêm văcxin ngừa HPV vẫn nên tuân theo các khuyến nghị sàng lọc cho các nhóm tuổi của họ.

Bệnh ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi 100% khi tổn thương được phát hiện sớm (quan sát bằng kính hiển vi), chẩn đoán ở giai đoạn I thì tỷ lệ này còn 80-90%, ở giai đoạn II là 75%.

Nguồn: Dân trí

Chia sẻ ngay