Chọc hút dịch khớp là thủ thuật được chỉ định trong các trường hợp tràn dịch khớp nhằm hút dịch khớp giảm áp lực – giảm đau cho bệnh nhân, xét nghiệm dịch khớp (tế bào, sinh hóa hoặc vi khuẩn học) để chẩn đoán và điều trị bệnh. Ngoài ra, sau khi chọc hút dịch khớp, có thể tiêm nội khớp để đưa thuốc vào khớp.
Chọc hút dịch khớp có thể thực hiện mù với những khớp lớn. Tuy nhiên, phương cách này còn nhiều hạn chế như tỷ lệ thành công thấp, tỷ lệ tai biến cao do cấu trúc giải phẫu của khớp phức tạp. Vì vậy, hiện nay, các bác sĩ đã ứng dụng thủ thuật chọc hút dịch khớp dưới hướng dẫn siêu âm vì có độ chính xác cao, an toàn và dễ thành công hơn.
Chỉ định:
– Chọc hút dịch để xét nghiệm dịch phục vụ cho chẩn đoán bệnh;
– Chọc tháo dịch khớp nhằm mục đích điều trị;
– Phối hợp tiêm nội khớp (đưa thuốc vào khớp), rửa khớp.
Chống chỉ định:
– Người bị rối loạn đông máu;
– Người bị nhiễm khuẩn ngoài da tại vị trí khớp cần chọc hút hoặc nhiễm khuẩn toàn thân;
– Không đủ điều kiện vô trùng để thực hiện thủ thuật.
Chọc hút dịch ổ khớp dưới hướng dẫn siêu âm là thủ thuật có độ chính xác, an toàn và thành công cao. Tuy nhiên, phương pháp này phải được thực hiện vô trùng và ở các cơ sở y tế đáng tin cậy để tránh tai biến nhiễm khuẩn và chảy máu.
Hiện nay kỹ thuật này đã được triển khai tại khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai, thực hiện bởi các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh.
Đây là một kỹ thuật mới giúp khắc phục những hạn chế của phương pháp chọc hút dịch khớp thông thường trước đây, giúp người bệnh được tiếp cận với kỹ thuật hiện đại nhưng không tốn kém chi phí, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai./.
BS. Phạm Thị Khánh Hòa – Khoa Chẩn đoán hình ảnh