Đột quỵ não là gì?
Đột quỵ não hay còn gọi là Tai biến mạch máu não là một bệnh khởi phát đột ngột cấp tính, có các triệu chứng thần kinh khu trú, tồn tại trên 24 giờ hoặc tử vong trước 24 giờ.
Đột quỵ xảy ra khi cung cấp máu cho một phần của bộ não bị gián đoạn hoặc bị giảm, làm mất oxy và dinh dưỡng cho mô não. Trong vòng vài phút, các tế bào não bắt đầu chết.
Có hai thể cơ bản: chảy máu não và nhồi máu não
Đột quỵ là một cấp cứu y tế nên cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất hoặc cơ sở chuyên khoa để được cấp cứu nhanh nhất có thể.
Các triệu chứng đột quỵ:
- Rối loạn ý thức, mê man
- Méo miệng
- Liệt nửa người
- Tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác
- Đột ngột nhìn không rõ, thị lực giảm dần
- Nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó
- Rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, tai ù
- Đột ngột tê cứng ở mặt, tay, chân
- Tê cứng nửa người
- Đau đầu dữ dội
- Cảm thấy buồn nôn
- Cảm thấy tức ngực và khó thở
Cách sơ cứu người bị đột quỵ:
Cách sơ cứu tại nhà
Trong khi chờ xe cấp cứu 115, càng nhanh càng tốt cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng cao đầu 30 – 45 độ, mặc quần áo thoáng.
Nếu bệnh nhân ngừng tim, cần cấp cứu ngừng tuần hoàn, kêu gọi người xung quanh hỗ trợ.
Trường hợp bệnh nhân bị nôn, cần xoay người bệnh nhân sang 1 bên, để tránh đờm, dãi chui vào mũi, phổi.
Nếu người bệnh bị co giật, phải lập tức dùng chiếc đũa bọc giẻ, đặt ngang miệng bệnh nhân để tránh cắn vào lưỡi.
Đặc biệt, trong thời điểm chờ nhân viên y tế 115, người nhà không nên cho người bệnh ăn hay uống bất cứ thứ gì vì nguy cơ cao bị sặc, gây nghẹt đường thở.
Yếu tố nguy cơ
- Tuổi cao
- Giới tính: Nam nhiều hơn nữ
- Tăng Huyết áp
- Rối loạn mỡ máu
- Bệnh tiểu đường
- Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc
- Bệnh tim mạch: rung nhĩ, nhồi máu cơ tim, bệnh van tim
- Béo phì
- Không hoạt động thể chất
- Uống rượu bia quá nhiều
Khi có các nguy cơ trên, bệnh nhân nên chủ động điều chỉnh thói quen sinh hoạt, và lên kế hoạch thăm khám với bác sĩ Thần kinh để điều trị cho các bệnh lý nguy cơ.
Các biến chứng:
- Tê liệt, mất vận động cơ bắp
- Khó nói chuyện hoặc nuốt
- Mất trí nhớ hoặc gặp rắc rối với sự hiểu biết
- Đau, di chứng nặng nề
Xét nghiệm chẩn đoán tại bệnh viện:
- Xét nghiệm máu
- Vi tính cắt lớp (CT)
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
- Siêu âm động mạch cảnh
- Thông động mạch.
- Siêu âm tim.
Phương pháp điều trị
Đối với đột quỵ thể nhồi máu:
Cấp cứu trong vòng 3 tiếng đồng hồ từ khi khởi phát triệu chứng: Tiêu cục máu đông
Cấp cứu trong vòng 8 giờ đồng hồ từ khi khởi phát: Lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học
Đối với đột quỵ thể xuất huyết:
Điều trị cấp cứu đột quỵ xuất huyết tập trung vào kiểm soát chảy máu và giảm áp suất trong não.
Phẫu thuật cũng có thể được sử dụng để giúp kiểm soát rủi ro trong tương lai.
Cách phòng chống đột quỵ:
Muốn phòng tránh bệnh đột quỵ, nên áp dụng những cách sau:
- Ăn uống lành mạnh
- Tập luyện vừa sức
- Lao động, nghỉ ngơi hợp lý
- Thăm khám và Điều trị các bệnh yếu tố nguy cơ: cao huyết áp, tiểu đường, giảm béo phì, tránh căng thẳng…
Một số quan điểm sai lầm trong cấp cứu đột quỵ
Chích máu ngón tay là kinh nghiệm hoàn toàn sai lầm: với cách xử trí tai biến bằng dùng kim chích máu 10 đầu ngón tay, thùy tai để bệnh nhân tỉnh rồi mới đưa đi cấp cứu là phản khoa học, làm mất “thời gian vàng” trong cấp cứu bệnh nhân.
Dùng thuốc “ An cung” không theo chỉ định: Đột quỵ có hai thể là thiếu máu và xuất huyết. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ chiếm khoảng 85% tổng số các ca đột quỵ hiện nay. Đây là tình trạng đột quỵ do các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch, cản trở quá trình máu lưu thông lên não. Đột quỵ do xuất huyết tỷ lệ 15% ca, là tình trạng mạch máu đến não bị vỡ khiến máu chảy ồ ạt gây xuất huyết não. Nguyên nhân khiến mạch máu vỡ là do thành động mạch mỏng yếu hoặc xuất hiện các vết nứt, rò rỉ.
“Thuốc An cung” chỉ có tác dụng đối với thể thiếu máu. Riêng thể đột quỵ chảy máu não tuyệt đối không được dùng An Cung, bởi chúng sẽ làm tình trạng xuất huyết của bệnh nhân trầm trọng hơn.
Sơ cứu không đúng cách: Nhiều người lúng túng khi chứng kiến người đột quỵ, nghĩ rằng không được di chuyển bệnh nhân đột quỵ vì sẽ gây nguy hiểm. Thực tế, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đột quỵ tới cơ sở y tế có khả năng chữa được và gần nơi mình nhất. Nếu bệnh nhân ở nhà, không đưa đi bệnh viện vô tình làm mất đi thời gian vàng có thể chữa được. Thời gian vàng là trong khoảng 3 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng đột quỵ. Bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm thì khả năng chữa khỏi và ít di chứng càng cao.
Khi di chuyển, nên để bệnh nhân trên mặt phẳng, nghiêng mặt sang một bên, nới bớt quần áo cho thoáng.
“Đấy là những biện pháp phản khoa học, vô tình trì hoãn đưa bệnh nhân đến bệnh viện và mất đi thời gian vàng”.
CNĐD Bùi Quang Huy – Khoa Thần Kinh