Vừa qua, các bác sỹ khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đã cứu sống một bệnh nhân nam viêm phổi nặng biến chứng ARDS, suy hô hấp, đái tháo đường, suy đa tạng thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.

Đó là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Thuận, 59 tuổi (phường Lào Cai, TP. Lào Cai) có tiền sử đái tháo đường, phẫu thuật thay van tim, nhập viện trong tình trạng sốt, khó thở… Qua phim chụp X-quang, CLVT cùng với các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy phổi của bệnh nhân tổn thương ở mức độ nặng, mờ toàn bộ nhu mô phổi hai bên dẫn đến khả năng trao đổi oxy tại phổi giảm trầm trọng, suy đa tạng do biến chứng của ARDS.

(Ảnh chụp cắt lớp vi tính cho thấy phổi của bệnh nhân tổn thương ở mức độ nặng)

Đánh giá đây là trường hợp bệnh lý cấp tính diễn biến phức tạp, tiên lượng nặng, đe dọa sự sống, kíp bác sĩ khoa Hồi sức tích cực quyết định điều trị cho bệnh nhân bằng các phương pháp: Đặt nội khí quản, thông khí nhân tạo theo chiến lược bảo vệ phổi (ARDSnet), lọc máu liên tục, sử dụng kháng sinh phối hợp. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân ngày càng nặng nề, đáp ứng kém với các phương pháp điều trị thông thường. Các bác sỹ ở khoa đã kết hợp lọc máu liên tục, thông khí nhân tạo ARDSnet với tư thế nằm sấp cho bệnh nhân (nằm sấp18 giờ/ ngày).

(Bệnh nhân được kết hợp phương pháp thông khí nhân tạo theo tư thế nằm sấp trong bệnh nhân viêm phổi nặng biến chứng ARDS)

ThS. Nguyễn Việt Hải, Phụ trách khoa Hồi sức tích cực cho biết: “Viêm phổi nặng biến chứng ARDS là tình trạng bệnh lý của cơ quan hô hấp, diễn biến rất nhanh nguy cơ tử vong cao. Đối với trường hợp của bệnh nhân Thuận, chúng tôi đã áp dụng những giải pháp tích cực nhất cho người bệnh như thở máy theo chiến lược bảo vệ phổi, huy động phế nang, lọc máu liên tục…Giải pháp thông khí nhân tạo nằm sấp trong bệnh nhân suy hô hấp cấp tiến triển đã được nhắc đến nhiều và áp dụng có hiệu quả ở nhiều cơ sở y tế lớn, tuy nhiên đây giải pháp này lần đầu áp dụng thành công tại BVĐK tỉnh Lào Cai. Việc thông khí nhân tạo cho bênh nhân ở tư thế nằm sấp giúp cho vùng phổi tổn thương phía sau được giải phóng khỏi áp lực, trao đổi oxy dễ dàng hơn. Nằm sấp cũng giúp tim đè lên xương ức, không đè lên phổi, giúp trao đổi oxy ở phổi tốt hơn”.

Sau hơn 1 tháng điều trị tại khoa Hồi sức tích cực với những phác đồ phù hợp với từng giai đoạn diễn biến của bệnh, bệnh nhân tự ăn uống sinh hoạt, đi lại bình thường và đã được xuất viện.

(Hiện tại, bệnh nhân tự ăn uống sinh hoạt, đi lại bình thường và đã được xuất viện)

Hàng ngày, chăm sóc chồng tại khoa, chứng kiến bệnh nhân phục hồi sau cơn thập tử nhất sinh, bà Ngô Thị Thư, vợ của bệnh nhân Thuận chia sẻ: “Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới bác sỹ Nguyễn Việt Hải – Phụ trách khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai về trí tuệ, sự tận tâm và chu đáo đối với người bệnh. Ngày đầu tiên khi chồng phải nhập viện điều trị, bác sỹ Hải đã giải thích rất cụ thể, rõ ràng bệnh tình cũng như nguy cơ của chồng tôi, động viên gia đình cùng với y, bác sỹ cố gắng bằng mọi cách cứu sống chồng tôi. Với cương vị phụ trách khoa, công việc rất bận rộn, vừa quản lý điều hành mọi hoạt động của khoa, vừa phải trực tiếp xử lý các ca bệnh nặng, phức tạp nhưng bác sỹ Hải đã không quản ngày đêm luôn theo dõi sát sao mọi diễn biến tình trạng bệnh của từng bệnh nhân, trong đó có chồng tôi. Sức trẻ, trí tuệ, sự tận tâm, chu đáo của bác sỹ Hải đã tạo niềm tin rất lớn trong tôi về vị thế, uy tín, chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai.”

Qua trường hợp bệnh nhân nặng được điều trị thành công tại khoa Hồi sức tích cực, các bác sỹ trong khoa khuyến cáo người bệnh khi có dấu hiệu bệnh bất thường như: khó thở, tức ngực, sốt cao … không nên chủ quan mà phải đến các cơ sở y tế để thăm khám và phát hiện và điều trị  kịp thời.

THANH HÀ

Chia sẻ ngay