Bộ Y tế vừa ban hành chỉ thị 04 về việc triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn trong Ngành y tế năm 2020.
Theo đó thực hiện Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 03/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016 –2020, trong những năm qua, Ngành y tế đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để ứng phó có hiệu quả trong các tình huống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, kịp thời cứu chữa những nạn nhân, không để dịch bệnh lớn xảy ra sau thiên tai, duy trì được các chỉ tiêu về y tế được Chính phủ giao hàng năm; Năm 2020, trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết, khí hậu dự báo sẽ có những diễn biến bất thường ảnh hưởng rất lớn đến nước ta. Để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong thiên tai và làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trước, trong và sau thiên tai; Bộ trưởng Bộ Y tế Chỉ thị cho Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục, Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện tốt những nội dung cụ thể như sau:
Tiếp tục quán triệt Luật Phòng, chống thiên tai; Nghị định 30/2017/NĐ-CP ngày 21/03/2017 quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Nghị định 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020;
Xây dựng kế hoạch, rà soát, bổ sung phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các đơn vị; kiện toàn các tổ y tế cơ động, lực lượng tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Ngành y tế các tỉnh, các đơn vị trực thuộc Bộ; rà soát, bổ sung dự trữ thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế đủ cho các vùng trọng điểm thiên tai; tu sửa, củng cố kho tàng bảo đảm an toàn trong thiên tai.
Thực hiện nghiêm chế độ trực ban, trực cấp cứu, trực phòng chống thiên tai; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong các tình huống thiên tai; đặc biệt trong mùa mưa, bão. Tăng cường kiểm tra toàn bộ hệ thống báo cháy, phương tiện PCCC, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn và những nơi có nguy cơ cháy nổ gây mất an toàn trong đơn vị.
Tăng cường các biện pháp vệ sinh phòng dịch, đặc biệt trong mùa mưa, bão, lũ, lụt; bảo đảm đủ nước sạch cho người dân vùng ven biển, đảo, vùng lũ, vùng bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, nhất là khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra dịch bệnh, đặc biệt là bệnh đường tiêu hóa do thiếu nước ngọt, nước sạch.
Triển khai các biện pháp kết hợp quân dân y trong ứng phó với sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phân công nhiệm vụ cụ thể trước, trong và sau thiên tai; tổ chức tập huấn, huấn luyện chỉ huy điều hành, phối hợp lực lượng trong các tình huống thiên tai; huấn luyện về y tế cho lực lượng Dân quân tự vệ, dự bị động viên, đặc biệt lực lượng xung kích và nhân dân biết sơ cứu, vận chuyển và chăm sóc sức khỏe nạn nhân trong thiên tai.
Xây dựng các phương án bảo đảm cấp cứu, vận chuyển, điều trị; phân tán, sơ tán cơ sở vật chất, cán bộ, nhân viên y tế và bệnh nhân đến nơi an toàn trong các trường hợp thiên tai thảm họa lớn, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân và cơ sở y tế; đặc biệt quan tâm các đối tượng dễ bị tổn thương (người già, phụ nữ có thai, trẻ em, người khuyết tật…). Tổ chức các phân đội y tế cơ động sẵn sàng chi viện cho các địa phương chịu tổn thất lớn do thiên tai, theo lĩnh vực chuyên môn được giao.
Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, báo cáo về Bộ Y tế (qua Vụ Kế hoạch Tài chính/Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn).
Nguồn: Bộ Y tế