Suckhoedoisong.vn – Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, BV Bạch Mai , PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng cho biết, đau thắt ngực có nguyên nhân chủ yếu là bệnh động mạch vành. Trước đây, nhiều người cao tuổi mắc bệnh động mạch vành, nhưng hiện nay, động mạch vành xuất hiện cả ở những người trẻ.

PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng – Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, BV Bạch Mai  nhận xét về sự thay đổi mô hình bệnh tật ở Việt Nam  hiện nay. Ông cho biết, cách đây 20 năm,  tại Viện tim mạch  Việt Nam,  tỉ lệ người mắc  bệnh động mạch vành, đau thắt ngực chỉ dưới 10%, nhưng thời gian  gần đây con số này đã  tăng lên,  có khoảng  40% số bệnh nhân đến khám có liên quan đến nhồi máu cơ tim, và bệnh động mạch vành.

Thanh niên 28 -29 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim

Theo PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng , bệnh động mạch vành gặp ở các đối tượng có nhiều yếu tố nguy cơ như người già, gia đình có người mắc bệnh đặc biệt ở  người có lối sống không lành mạnh, ít vận động, người  thừa cân béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá…  Bệnh động mạch vành được coi là bệnh của người cao tuổi, bởi hiện nay số người cao tuổi bị động mạch vành rất nhiều, nhiều người có bệnh mà không biết, chỉ đến khi xảy ra nhồi máu cơ tim mới biết mình mắc bệnh.

PGS Hùng cũng chia sẻ, hiện nay,  bệnh động mạch vành không chỉ gặp ở người có tuổi mà bệnh ngày càng  có xu hướng trẻ hóa. Nhiều thanh niên mắc động mạch vành từ sớm, có người 28-29 tuổi đã nhồi máu cơ tim.  Rất nhiều người trẻ mắc bệnh động mạch vành  có yếu tố nguy cơ như  có tiền sử hút thuốc lá, rối loạn lipid  máu, béo phì, …

PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng – Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, BV Bạch Mai

Các chuyên gia tim mạch cảnh báo, động mạch vành là nguyên nhân hàng đầu gây đau thắt ngực, và ai cũng có thể bị mắc bệnh động mạch vành , đặc biệt  người có yếu tố nguy cơ như kể trên thì càng dễ mắc bệnh.

Đau thắt ngực kéo dài hơn 20 phút  phải đi cấp cứu ngay

GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tim mạch học quốc gia Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, cần phải phân biệt giữa đau ngực và đau thắt ngực. Đau thắt ngực do nhiều bệnh trong đó hay gặp nhất là bệnh mạch vành.

Người dân thường nhầm lẫn tính chất đau ở vùng ngực. Theo GS Nguyễn Lân Việt,  đau ngực còn là biểu hiện của các bệnh lý  không phải là bệnh  tim mạch  như bệnh ở  hệ tiêu hóa, điển hình nhất là viêm loét dạ dày, trong đó có hội chứng trào ngược dạ dày thực quản khi đó cũng có triệu chứng đau ngực. Bệnh nhân thấy rất khó chịu, vã mồ hôi.   Các bệnh lý về phổi như nhồi máu phổi, tràn dịch màng phổi… cũng gây ra đau ngực.

GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tim mạch học quốc gia Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội

GS Việt lưu ý, đau thắt ngực do bệnh tim mạch  thường có  vị trí đau sau xương ức, tính chất đau thắt lại, có người có cảm giác đè ép lên, đau như  dao đâm, thời gian đau kéo dài  vài giây tới  vài phút. Hướng lan của cơn đau  là đau lan lên mặt trong cánh tay, cẳng tay, xuống tới ngón tay, hoặc cơn đau  lan lên cằm hoặc ra sau lưng, có khi lại đau xuống dưới , điều này khiến bệnh nhân dễ nhầm lẫn bị đau dạ dày.  Đặc biệt,  nếu cơn đau thắt ngực  kéo dài trên 20 phút thì có thể người bệnh  đã bị nhồi máu cơ tim.  Đây là trường hợp cấp cứu, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện để xử trí kịp thời.

Đồng tình với quan điểm này, PGS Phạm Mạnh Hùng lưu ý, người dân khi đau thắt ngực  kèm theo các triệu chứng lo sợ vã mồ hôi… cần gọi cấp cứu. Đối với những bệnh nhân   biết mình mắc bệnh động mạch vành rồi hoặc khi có các  cơn đau ngắn,  xuất hiện khi gắng sức và  nghỉ ngơi thì đỡ đau,  cũng cần tới cơ sở y tế chuyên sâu để được thăm khám,  tư vấn và điều trị cụ thể.  Hậu quả nguy hiểm nhất của một cơn nhồi máu cơ tim là khiến bệnh nhân tử vong nhanh.

Hiểu đúng nguyên nhân gây ra các cơn đau thắt ngực

Lý giải những cơn đau thắt ngực do bệnh mạch vành, GS Nguyễn Lân Việt cho biết,  quả tim được nuôi bởi hệ thống động mạch gọi là hệ thống động mạch  vành, khi động mạch vành bị hẹp, bít tắc,  lượng máu đến tim kém đi  lúc đó bệnh nhân sẽ  xuất hiện các cơn đau thắt ngực.

Đau thắt ngực  có các thể bệnh khác nhau, nặng nhất là nhồi máu cơ tim nhưng cũng có nhiều cơn đau thuộc các  bệnh tim mạch như  hở động mạch chủ, rối loạn nhịp tim, ngoại tâm thu ( nhịp không đều) hay bệnh phình động mạch chủ .  GS Việt cho biết, trước đây các bệnh mạch vành gặp rất ít, nhưng hiện nay khi tuổi thọ người dân ngày càng cao, số người  mắc căn bệnh này ngày càng nhiều.

Mảng xơ vữa làm tắc động mạch gây ra những cơn đau thắt ngực

Đau thắt ngực nói chung có 2 loại,  đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định.  Đau thắt ngực ổn định là  cơn đau xuất hiện  khi gắng sức, những trường hợp này thường  là bản thân bệnh nhân mạch vành đã hẹp, máu về tim  đã ít nên khi gắng sức nhu cầu ôxy nhiều lên trong khi lượng máu vẫn ít nên  xuất hiện cơn đau.  Trong khi đó, đau thắt  ngực không ổn định là do các mảng xơ vữa gây tắc hoặc hẹp động mạch vành. Cơn đau thắt ngực xuất hiện đột ngột,  kể cả khi không  gắng sức.

Theo GS Việt, có nhiều yếu tố  bùng phát cơn đau thắt ngực như  gắng sức, do xúc cảm quá mức (vui mừng, bực tức, buồn rầu  quá …) hoặc bị  lạnh đột ngột đều là yếu tố thuận lợi xuất hiện các cơn đau thắt ngực, ngoài ra những người có các bệnh mạn tính như rối loạn lipid máu, thừa cân, béo phì hoặc tăng huyết áp….  sẽ làm tăng nguy cơ bị đau thắt ngực.Để phòng các bệnh tim mạch, trong đó có bệnh động mạch vành, GS Nguyễn Lân Việt khuyên, người dân cần có thói quen khám sức khỏe định kỳ, làm điện tâm đồ, siêu âm tim, đo huyết áp…. thường 6 tháng một lần. Hoặc người có nguy cơ cao, hoặc có các dấu hiệu bệnh tim mạch cần đi khám sớm, để được xử trí kịp thời.

PGS TS Phạm Mạnh Hùng cho rằng, để có trái tim khỏe, cần có chế độ ăn uống khoa học, tránh xa mỡ động vật, hạn chế ăn mặn, không ăn nhiều đồ ngọt, nhiều tinh bột, đặc biệt đồ chiên rán sẵn. Nên ăn nhiều rau củ quả, chất xơ, ăn nhiều cá. Quan trọng nhất phải duy trì chế độ tập luyện hàng ngày theo ít nhất 30 phút mỗi ngày, không hút thuốc lá, không uống nhiều rượu bia.


Theo Báo Suckhoedoisong.vn

Chia sẻ ngay