Bộ Y tế vừa có công văn số 862/CĐ-BYT gửi  Sở Y tế các tỉnh/thành phố: Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu về việc triển khai công tác y tế ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Theo đó, công văn của Bộ Y tế cho biết, trong 2 ngày 02-03/8/2017, tại các tỉnh miền núi Bắc Bộ đã xảy ra mưa lớn kéo dài trên diện rộng, gây gập lụt cục bộ, sạt lở đất, sập đổ nhà, tắc nghẽn, chia cắt giao thông tại một số khu vực, ảnh hưởng nhất là các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, lũ ông và lũ quét đã xảy ra cục bộ ở những địa bàn thuộc huyện Mù Căng Chải tỉnh Yên Bái và huyện Mường La, tỉnh Sơn La, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề về người và cơ sở vất chất.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TW, trong những ngày tới mưa lũ còn có thể xảy ra và có những diễn biến phức tạp. Để chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của mưa lũ Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố: Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, tập trung cùng các cấp, ban ngành tổ chức tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ bị thiếu đói, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, tuyệt đối không để người dân bị đói bị thiếu thuốc khi ốm đau.

Các y bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ lên huyện Mù Cang Chải để trực tiếp phối hợp với Trung tâm Y tế Mù Cang Chải cấp cứu cho các nạn nhân.

Sở Y tế các địa phương trên cũng cần củng cố lại những cơ sở y tế bị ảnh hưởng do mưa lũ, đảm bảo lại cơ sở vật chất để nhanh chóng phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong vùng ảnh hưởng.

Đồng thời Sở Y tế các tỉnh cần tiếp tục triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng trũng, thấp và vùng có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất.

Chỉ đạo các cơ sở y tế triển khai ngay công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại những nơi mưa lũ đã rút, đề phòng dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ như: sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ…

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng cách vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày, ăn chín uống sôi, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và  phát sinh mầm bệnh.

Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ khu vực phía Bắc, Bộ Y tế yêu cầu chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa,lũ gây ra.

Báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo TW về phòng, chống thiên tai và tổng hợp từ các địa phương chịu ảnh hưởng thiệt hại nặng nề do mưa lũ, đặc biệt là lũ ống, lũ quét xảy ra tại Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn sáng ngày 4/8 cho biết, tổng thiệt hại về vật chất đã lên đến 538,2 tỷ đồng.
Cũng tính đến sáng 4-8, đã thống kê được có 9 người bị thiệt mạng (Yên Bái: 2 người, Sơn La: 6 người, Lai Châu: 1 người) và 24 người còn đang mất tích (Yên Bái: 12 người, Sơn La: 10 người, Lai Châu: 2 người). Có 12 người bị thương (Yên Bái: 9 người, Sơn La: 3 người) đang được phục hồi sức khỏe hoặc cấp cứu tại các bệnh viện, trung tâm y tế.
Tại Yên Bái, các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải đã huy động khoảng 1.000 người tham gia tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả. Trong đó, 400-500 người tập trung ở thị trấn Mù Cang Chải để tìm kiếm người mất tích. Các phương tiện máy xúc, máy ủi cũng đã được đem đến hiện trường để san gạt bùn đất, đá tìm các nạn nhân.
Thông tin từ BS Lê Thị Hồng Vân – Phó giám đốc Sở Y tế Yên Bái cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin lũ quét xảy ra gây thương vong lớn cho đồng bào huyện Mù Cang Chải; lãnh đạo Sở Y tế Yên Bái đã cử một đội cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ lên huyện Mù Cang Chải để trực tiếp và phối hợp với Trung tâm Y tế Mù Cang Chải cấp cứu cho các nạn nhân.
Ngay trong sáng ngày 3/8, kíp cấp cứu gồm 1 bác sỹ chấn thương, 2 hộ lý và một lái xe lên đường; trên xe cứu thương cùng nhiều thiết bị và thuốc men khác. Báo cáo ban đầu cho biết, thuốc và trang thiết bị, hóa chất sẵn sàng cho khắc phục hậu quả mưa lũ hiện có tại Trung tâm Y tế Mù Cang Chải (kể cả nguồn vừa hỗ trợ từ Sở Y tế) gồm 3 cơ số thuốc, 100 kg Cloramin B, 50.000 viên Aquatab; dung dịch sát khuẩn nhanh 50 lít, ủng cao su 6 đôi.
Sở Y tế Yên Bái cũng đã có công văn chỉ đạo Trung tâm Y tế Mù Cang Chải và các đơn vị khác trên địa bàn thường xuyên theo dõi tình hình mưa lũ, thường trực 24/24 giờ tại các cơ sở y tế và báo cáo kịp thời tình hình diễn biến mưa lũ về Sở Y tế; tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về vệ sinh phòng bệnh, giám sát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời và tổ chức điều trị, xử lý các dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo Báo SKĐS

Chia sẻ ngay