1. Giới thiệu:

    Huyết cầu tố, Hb, chỉ có trong tế bào hồng cầu. Nhiệm vụ chính của Hb là mang O2 từ phổi đến tế bào cơ thể và mang CO2 từ tế bào về phổi để thải ra ngoài.  Trong khi lưu hành làm chức năng hô hấp  có một tỷ lệ nhỏ Hb này sẽ gắn kết với glucose máu (glycate hóa) để tạo nên phân tử HbA1C (A1C, huyết cầu tố glycate hóa). 

   Do đó, nồng độ HbA1C tỷ lệ thuận với nồng độ Glucose  máu. Đo tỷ lệ % HbA1C cũng là cách đánh giá nồng độ Glucose máu. HbA1C thực chất cũng là một Hb đặc biệt, được glycated. Chuyển hóa (sinh tổng hợp và thoái biến) của HbA1C hoàn toàn như Hb bình thường.

   Hb tổng hợp đồng bộ với sự sinh và thoái hóa cùng lúc với sự chết đi của hồng cầu.
Hồng cầu từ lúc sinh đến khi chết trung bình 100-120 ngày. HbA1C cũng thay đổi (renew) trong khoảng thời gian đó. Thường tỷ lệ % HbA1C được đo 2 tháng 1 lần. 

2. Mục đích và ý nghĩa của xét nghiệm định lượng HbA1C

   Xét nghiệm HbA1c là một trong những xét nghiệm dùng để chẩn đoán bệnh lý đái tháo đường khi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc nghi ngờ có bệnh đái tháo đường khi gặp các biểu hiện sau: Khát nước; Đi tiểu nhiều; Ăn nhiều; Mệt mỏi, mờ mắt; Gầy sút cân; Bệnh nhiễm trùng lâu khỏi.

  Xét nghiệm HbA1c cũng có thể được xem xét ở người lớn thừa cân với các yếu tố nguy cơ như: Hoạt động thể chất kém; Tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường; Chủng tộc/ dân tộc có nguy cơ cao; Huyết áp cao; Bất thường chuyển hóa Lipid; Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang, phụ nữ có thai; Tiền sử bệnh tim mạch; Điều kiện lâm sàng khác liên quan đến tim mạch.

   Trong quá trình điều trị, HbA1c được chỉ định để theo dõi sự kiểm soát đường huyết, giúp bác sĩ điều trị đánh giá được đường huyết có kiểm soát tốt hay không trong thời gian 2-3 tháng vừa qua. HbA1c giúp tiên lượng sự xuất hiện và tiến triển của các biến chứng  vi mạch do đái tháo đường

3. Kết quả và ứng dụng lâm sàng

   Bình thường HbA1c chiếm 4 – 5,6% trong toàn bộ hemoglobin. Tăng nguy cơ bị tiểu đường khi chỉ số này từ 5,7 – 6.4%. Bị bệnh tiểu đường khi chỉ số này tăng >6,5%

   HbA1c tăng cao trong trường hợp: Tăng nồng độ Glucose máu; Bệnh nhân bị bệnh tiểu đường, Bệnh nhân bị bệnh tiểu đường được kiểm soát kém; Bệnh nhân suy thận mạn, thiếu máu, thiếu sắt, nghiện rượu; Ngộ độc chì và opi.

   HbA1c giảm trong trường hợp: Mất máu mạn tính; Thời gian sống của hồng cầu bị rút ngắn như thiếu máu tan máu, hồng cầu hình cầu; hồng cầu hình liềm, bệnh Thalassemia; Sau truyền máu; Sau cắt lách; Sau dùng liều lớn vitamin C hoặc vitamin E; Có Thai

Lưu ý: Cần kiểm soát chỉ số HbA1c và đường huyết để theo dõi, phòng tránh bệnh tiểu đường và những biến chứng của bệnh.

BsCKI. Hồ Thị Phi Nga – Khoa Hóa sinh – Vi sinh

Chia sẻ ngay