Xét nghiệm D-dimer là xét nghiệm được dùng để chẩn đoán huyết khối trong máu. Xét nghiệm có độ nhạy cao và thường dùng kết hợp với phương pháp khác.

1. Xét nghiệm D-dimer dùng để làm gì?

Bình thường trong cơ thể người, quá trình hình thành cục máu đông và quá trình tan cục đông (tạo Fibrin và tiêu Fibrin) luôn cân bằng với nhau. Khi quá trình này mất cân bằng sẽ gây ra nhiều nguy cơ, như bệnh lý huyết khối nếu tạo fibrin quá mức, hay biến chứng chảy máu khi tiêu fibrin.

D-dimer huyết tương là sản phẩm thoái giáng của các fibrin được hình thành dưới tác động của Plasmin. Sản phẩm này xuất hiện trong huyết tương, chỉ dẫn cơ chế tạo cục đông được hoạt hóa và thrombin tạo ra.

Mặc dù D-dimer chỉ là chỉ dấu gián tiếp của quá trình tiêu fibrin được hoạt hóa nhưng rất hữu ích với quá trình đông máu xảy ra. Trong khi đó, sản phẩm thoái giáng của fibrin và fibrinogen đều không cho biết nguồn gốc của nó thoái giáng chính xác từ fibrin hay fibrinogen.

Thời gian gần đây, y học đã sử dụng đo D-dimer sử dụng các kháng thể đơn dòng để xác định đặc hiệu sản phẩm thoái giáng của fibrin.

2. Kỹ thuật xét nghiệm D-dimer

Xét nghiệm kỹ thuật này có độ nhạy không cao, do Test chỉ phát hiện khi có nhiều cục đông hình thành, nếu chỉ có một cục động thì kết quả vẫn âm tính. Do đó, xét nghiệm này được coi như Test nhạy và đặc hiệu để chẩn đoán tình trạng đông máu rải rác trong lòng mạch.

3. Thực hiện xét nghiệm D-dimer khi nào?

D-dimer là yếu tố chứng minh sự hiện diện của các fibrin trong tuần hoàn, thường được sử dụng để:

Chẩn đoán bệnh lý huyết khối: Trong 90% trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu và 95% các trường hợp tắc mạch phổi, giá trị D-dimer đề tăng. Chỉ ở 5% những người không có bệnh huyết khối ghi nhận D-dimer tăng.

Phát hiện bệnh nhân bị tăng đông máu: Với 1 bệnh nhân nằm liệt giường, kết quả xét nghiệm thấy xuất hiện D-dimer có thể gợi ý khả năng huyết khối mới hình thành, là bằng chứng để thăm dò, xác định huyết khối. Bác sỹ sẽ cần dự phòng chống đông cho bệnh nhân để phòng ngừa biến chứng.

Theo dõi bệnh lý huyết khối theo thời gian: Sự trở lại bình thường của D-dimer ở bệnh nhân mắc bệnh lý huyết khối đánh giá hiệu quả điều trị tiến triển tốt, quá trình hình thành Fibrin đã cân bằng trở lại. Nhưng nếu xuất hiện trở lại các D-dimer trong thời gian theo dõi thì khả năng bệnh lý huyết khối tắc mạch tái phát.

Theo đó, xét nghiệm này được chỉ định để:

– Giúp chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch đã được hình thành.

– Chẩn đoán tình trạng đông máu rải rác trong lòng mạch.

4. Quy trình thực hiện xét nghiệm D-dimer và cách đọc kết quả

Cách thực hiện xét nghiệm khá đơn giản, ống nghiệm chứa chất chống đông Citrat 3.8% được chuẩn bị, huyết tương được lấy để làm mẫu bệnh phẩm phân tích.

Bệnh nhân không nhất thiết phải nhịn ăn trước khi lấy máu xét nghiệm.

Kết quả xét nghiệm là bình thường nếu: Giá trị bình thường 0.0mg /L – 0,5 mg/L

Cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu
  • Nồng độ D-dimer tăng bất thường gợi ý nguyên nhân do một trong các nguyên nhân:

1. Tắc mạch phổi.

2. Huyết khối động mạch.

3. Huyết khối các tĩnh mạch sâu.

4. Tình trạng tăng đông máu: có thể do bệnh lý ác tính, chấn thương, các tháng cuối của thời kỳ mang thai, nhiễm trùng hoặc giai đoạn hậu phẫu.

5. Giai đoạn sau mổ.

6. Xơ gan.

7. Nhồi máu cơ tim.

8. Làm cầu nối tĩnh mạch-phúc mạc (shunt péritonéoveineux).

9. Đông máu rải rác trong lòng mạch (DIC).

10. Chấn thương.

11. Sản giật.

12. Sau điều trị tiêu fibrin (fibrinolysis).

Cũng cần lưu ý đến một số yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm:

  • Hiệu giá yếu tố dạng thấp cao trong huyết thanh gây dương tính giả.
  • Thuốc tiêu fibrin làm tăng kết quả xét nghiệm.
  • Xét nghiệm D-dimer siêu nhạy tăng cao hoặc hạ thấp giả do tình trạng tăng lipid máu.

Kết quả xét nghiệm này có giá trị chẩn đoán các bệnh lý huyết khối tắc mạch với độ nhạy đạt 95%, độ đặc hiệu đạt 90%.

5. Ý nghĩa kết quả xét nghiệm D-dimer

Kết quả D-dimer âm tính hoặc bình thường: Nghĩa là người bệnh không bị tình trạng cấp tính hay mắc bệnh gây ra sự hình thành – vỡ cục máu đông bất thường. Xét nghiệm âm tính hữu ích khi đối tượng có nguy cơ huyết khối trung bình – thấp. Các triệu chứng gây ra có thể loại trừ nguyên nhân là do đông máu với kết quả xét nghiệm âm tính.

Kết quả D-dimer dương tính: Kết quả dương tính cho thấy, sản phẩm thoái hóa Fibrin trong huyết tương ở mức độ cao bất thường. Nguyên nhân có thể do sự hình thành và tan cục máu đông đáng kể bất thường. Tuy nhiên, xét nghiệm không chỉ ra nguyên nhân hay vị trí chính xác.

Tuy nhiên, không phải lúc nào kết quả D-dimer dương tính cũng do sự xuất hiện của cục máu đông. Một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng làm tăng D-dimer trong máu như: chấn thương, đau tim, nhiễm trùng, mới phẫu thuật gần đây, mắc bệnh ung thư, do tình trạng fibrin chuyển hóa bất thường.

Trong thai kỳ, Fibrin cũng hình thành và vỡ nhiều hơn, vì thế D-dimer trong máu cũng tăng cao. Bác sỹ có thể kết hợp xét nghiệm D-dimer với APTT, PT, Fibrinogen, xét nghiệm đo lượng tiểu cầu,… để loại trừ nguy cơ ở phụ nữ mang thai.

Ngoài ra, xét nghiệm này cũng được sử dụng như một xét nghiệm bổ trợ. Bởi xét nó cho kết quả có độ nhạy cao, nhưng độ đặc hiệu không tốt nên chỉ dùng để loại trừ huyết khối tĩnh mạch sâu.

Tùy vào tình trạng bệnh cụ thể, bác sỹ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm D-dimer kết hợp với các xét nghiệm khác để đánh giá nguy cơ bệnh toàn diện.

BsCKI. Trần Thị Hảo – Khoa Huyết học truyền máu

Chia sẻ ngay