Suckhoedoisong.vn – Viêm phế quản là một bệnh lý đường hô hấp, trong đó, niêm mạc của phế quản trong phổi bị viêm.

Niêm mạc phế quản bị kích thích sẽ phồng và dày lên, làm hẹp hoặc tắc các phế quản, gây ra ho và có thể kèm theo đờm… Người lớn và trẻ em đều có thể bị viêm phế quản cấp tính hoặc mạn tính. Cần chú ý cách điều trị để không làm bệnh chuyển biến nặng.

Viêm phế quản cấp tính

Virut là nguyên nhân chính gây nên bệnh ở giai đoạn đầu, nhất là ở trẻ em. Bệnh thường xuất hiện sau khi bị cảm lạnh, ho, sổ mũi, cúm hay viêm xoang bởi sự tấn công của các loại siêu vi (virut) hoặc vi khuẩn có hại. Sau đó, nếu không được điều trị và sức đề kháng yếu thì virut có thể lây lan tới hai cuống phổi, làm cho khí quản sưng phồng, tấy đỏ, tiết dịch nhầy trong phổi, gây kích thích khiến người bệnh ho nhiều và thở mệt do đường thở bị viêm và bị lấp kín do dịch.

Viêm phế quản cấp tính thường được cải thiện trong vòng vài ngày, mặc dù có thể tiếp tục ho tới cả tuần nhưng thông thường chỉ kéo dài ngắn hơn 6 tuần. Ngoài ra, viêm phế quản cấp còn là hệ quả của việc tiếp xúc với các chất khí có hại như acid, amoniac, clo, các khí thải động cơ hoặc dung môi công nghiệp như xăng, dầu…, thậm chí là khói từ các đám cháy. Các chất ngoại lai này gây kích thích lớp niêm mạc của phế quản khiến chúng bị phù nề, thậm chí hủy hoại bề mặt phế quản gây nên các vết loét…

Viêm phế quản là một điều kiện đưa đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Viêm phế quản mạn tính

Khi một người bị bệnh viêm phế quản tái phát thường xuyên, lặp lại hoặc kéo dài thì được xem là viêm phế quản mạn tính.

Ô nhiễm môi trường cũng là một nguyên nhân khá phổ biến gây viêm phế quản mạn tính. Với những người nghiện thuốc lá hoặc người thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi (do trong khói bụi có thành phần chủ yếu là khí sulphur dioxide (SO2) sinh ra khi các nguyên liệu bị đốt cháy (than đá, khí, gỗ và các chất hữu cơ khác như phân khô, rơm rác…), các hạt bụi li ti ngoại lai này sẽ xâm nhập theo đường khí thở, bám vào thành phế quản, kích thích và khiến chúng tiết ra quá nhiều chất đờm nhầy gây viêm nhiễm.

Viêm phế quản mạn tính là một điều kiện đưa đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Phân biệt hen phế quản và viêm phế quản phổi

Hen phế quản là quá trình viêm mạn tính ở đường hô hấp (đáp ứng miễn dịch dị ứng). Hen có thể khởi bệnh ở nhiều giai đoạn trong cuộc đời con người, cơn hen có thể khởi phát khi trẻ mới 1 tuổi nhưng cũng có thể khởi phát ở người cao tuổi. Những trẻ được sinh ra trong gia đình có người mắc bệnh hen hoặc có bố hay mẹ mắc hen sẽ có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn so với những trẻ được sinh ra trong gia đình không có người mắc hen.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, những trẻ này có thể đã mang sẵn một loại gene gây dị ứng khi kết hợp với môi trường thuận lợi sẽ dễ dàng khởi phát cơn hen. Đây là phản ứng quá mẫn của cơ thể với một số tác nhân nhất định, có thể là phấn hoa, bụi nhà, khói thuốc lá, một loại thức ăn đặc biệt, thời tiết lạnh hoặc cũng có thể do tập thể dục, do tâm lý hay virut. Xác định chính xác hen phế quản ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi chủ yếu dựa vào các biểu hiện bên ngoài, tiền sử gia đình do không đo được chức năng hô hấp của trẻ, các xét nghiệm khác lại bị giao thoa với bệnh dị ứng khác như viêm mũi dị ứng, chàm… nên rất khó khăn. Điều trị hen phế quản không sử dụng kháng sinh mà chỉ dùng các loại thuốc làm giãn phế quản giúp trẻ dễ thở, các thuốc chống viêm mạn tính đường hô hấp và quan trọng nhất là tránh để trẻ tiếp xúc với dị nguyên và các yếu tố gây khởi phát cơn hen khác.

Trong khi đó, viêm phế quản phổi có thể gặp ở bất kỳ trẻ nhỏ nào, có thể tái đi tái lại nhiều lần chủ yếu do nguyên nhân vi khuẩn và thường phải sử dụng kháng sinh để điều trị. Đối với trẻ bị viêm phế quản phổi tái lại nhiều lần, nếu không có nguyên nhân chính khác như suy dinh dưỡng, còi xương, dị dạng lồng ngực… thì biện pháp dự phòng chính là cần tạo cho trẻ có môi trường trong lành, thoáng khí, tránh ô nhiễm và tăng cường sức đề kháng, cho trẻ ăn uống đủ chất.

Làm gì để phòng ngừa?

Về cơ bản, phương thức hiệu quả nhất để phòng bệnh các đường hô hấp là tránh tiếp xúc với nguồn bệnh. Với người khỏe mạnh, cần phải đeo khẩu trang y tế khi vào khu vực có nguy cơ như những nơi có môi trường khói bụi độc hại, môi trường lạnh, ẩm hoặc các khu điều trị hay khi cần tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh.

Chủ động phòng ngừa viêm phế quản bằng các biện pháp: uống nhiều nước và ăn nhiều rau xanh. Nâng sức đề kháng bằng việc ăn đầy đủ các chất đạm, đường, mỡ, uống sữa, bổ sung vào chế độ ăn uống giàu vitamin và khoáng chất như vitamin A, B12, C, D, folate, canxi, sắt, magiê. Giữ ấm vùng hầu, cổ khi thời tiết lạnh với khăn choàng cổ, khẩu trang. Với trẻ em, tránh cho bé tiếp xúc với trẻ đang bị nhiễm siêu vi. Không để bé dầm mưa, chơi ngoài nắng hay đi bơi quá nhiều… Rửa tay bé thường xuyên với xà bông diệt khuẩn đối với các bé đi nhà trẻ hoặc đến các khu vui chơi đông người. Bảo đảm vệ sinh ăn uống cho trẻ, môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ, sát trùng cổ họng cho bé mỗi ngày bằng nước muối.

Với người mắc viêm phế quản mạn tính, cần chủ động bỏ hút thuốc, tránh lạnh, tránh bụi, phòng chống nhiễm khuẩn đường hô hấp trên bằng nước súc miệng, dung dịch nhỏ mũi. Nên tiêm vắc-xin phòng chống bệnh cúm.

Điều trị triệt để bệnh tai mũi họng. Nâng cao thể trạng bằng tập thể dục đều đặn hàng ngày ở nơi thoáng khí; dùng vitamin A, C, E. Ăn uống đầy đủ, tránh các loại thức ăn gây dị ứng.

Bệnh viêm phế quản có lây không?

Viêm phế quản là hậu quả của những đợt tấn công bởi vi khuẩn gây hại khiến đường hô hấp bị tổn thương. Căn bệnh này thường xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng chiếm tỷ lệ nhiều nhất là ở trẻ em do sức đề kháng còn yếu. Cũng như các bệnh lý viêm nhiễm hô hấp phổ biến nhất, viêm phế quản lây qua đường hô hấp thông qua các giọt dịch tiết (nước mũi, nước miếng, đờm…) mà người bệnh thải ra, người khác hít vào hoặc chạm vào rồi đưa lên miệng mũi.

Khi tiếp xúc với người bệnh viêm phế quản, người bình thường có nguy cơ hít phải những vi khuẩn gây bệnh được phát tán qua đường thở, qua hắt hơi hoặc các dịch hô hấp như đờm, nước bọt…, từ đó sẽ hình thành ổ bệnh và gây ra tình trạng viêm nhiễm.

Theo Sức khỏe đời sống.

Chia sẻ ngay