Bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng là bệnh phổ biến hiện nay, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính. Trong giai đoạn mới phát hiện, bệnh có thể chữa trị được hoàn toàn, tuy nhiên khi để sang giai đoạn mạn tính, điều trị bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ phát sinh các biến chứng nặng nề. Căn bệnh này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:Biểu hiện đặc trưng của bệnh là hiện tượng đau bụng dữ dội đột ngột.Xuất huyết tiêu hóa trên: là biến chứng nặng hay gặp, người bệnh sẽ mất nhiều máu, nguy hiểm đến tính mạng. Người bệnh sẽ có các triệu chứng như chóng mặt, choáng váng, nôn ra máu đỏ hay phân có màu đen, khẳn.

Hẹp môn vị: Là biến chứng thường xuất hiện muộn, khi bệnh nhân bị viêm loét dạ dày – tá tràng kéo dài không được điều trị. Các dấu hiệu của hẹp môn vị như là nôn mửa, có thể nôn ra thức ăn mới lẫn thức ăn cũ, luôn luôn có cảm giác đầy bụng óc ách khó chịu và đặc biệt sút cân nhanh.

Ung thư dạ dày là biến chứng rất đáng lo lắng của viêm loét dạ dày đặc biệt là do nhiễm khuẩn HP.

Các biến chứng kể trên đều rất nghiêm trọng và có thể cần phẫu thuật. Người bệnh nên đến bệnh viện gần nhất để khám và điều trị ngay.

Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày – tá tràng:

Hai nguyên nhân thường gặp gây loét dạ dày-tá tràng là nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Vi khuẩn HP) hay dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) thường dùng để trị đau khớp.

– Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp): Hp là một loại xoắn khuẩn có khả năng sinh sống trong môi trường acid cao. Khi xâm nhập vào dạ dày người, vi khuẩn tiết enzyme urease nhằm trung hòa axit dạ dày, sau đó sinh sống và phát triển trong niêm mạc. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày cấp và mạn, ung thư dạ dày.

– Thường xuyên sử dụng các loại thuốc giảm đau và kháng viêm: Việc sử dụng lâu dài thuốc kháng viêm, giảm đau ở người lớn tuổi gây viêm loét dạ dày- tá tràng.

Yếu tố nguy cơ của bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng

– Căng thẳng kéo dài: Căng thẳng kéo dài, lo lắng sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng nhiều hơn so với người bình thường, đồng thời căng thẳng kéo dài có ảnh hưởng lớn đến quá trình bài tiết acid trong dạ dày làm ảnh hưởng tới quá trình điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng.

– Liên quan đến thói quen, tập tục ăn uống: Hút thuốc lá, thuốc lào, thức khuya, uống quá nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ viêm dạ dày và làm tăng nguy cơ phát triển thành vết loét. Trong  khói thuốc lá có chứa hơn 200 loại chất gây hại cho sức khỏe của con người, trong đó đặc biệt là chất nicotine. Chất nicotine sẽ gây kích thích cơ chế để tiết ra nhiều cortisol – đây là tác nhân chính làm tăng nguy cơ loét dạ dày. Thuốc lá còn làm chậm sự lành sẹo và gây đề kháng với điều trị. Việc ăn uống không đúng bữa, không điều độ, ăn quá no hoặc quá đói dẫn đến hoạt động co bóp của dạ dày bị ảnh hưởng, dịch vị dạ dày tăng tiết, lớp bảo vệ niêm mạc bị tổn thương. Thói quen thích ăn các món chua, cay, nóng, lạnh, cứng, khó tiêu… cũng làm tăng nguy cơ.

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh viêm loét dạ dày:

Các loại thực phẩm trước khi nấu nên thái nhỏ, nghiền nát, hoặc là nấu mềm. Người bệnh nên được ăn thức ăn ngay sau khi nấu xong.

Một số thực phẩm khuyên khích người bệnh nên sử dụng:      

– Sữa, trứng sẽ có tác dụng làm đệm trung hòa lượng axit có trong dạ dày. Sữa thì chúng ta nên uống sữa nóng; trứng nên ăn dưới dạng hấp hoặc là cho vào cháo, một tuần chỉ nên ăn từ 2-3 lần mỗi lần ăn khoảng 1-2 quả.

– Các thực phẩm có chứa nhiều đạm dễ tiêu: thịt lợn nạc, cá nạc, đặc biệt chúng ta nên dùng dưới dạng chế biến là luộc, hấp, kho để dễ hấp thu.

– Rau củ quả tươi: chọn các loại rau củ non, nên sử dụng cải bắp, củ cải, hoặc rau cải vì rau họ này có chứa nhiều vitamin cho việc nhanh chóng liền các vết thương của đường tiêu hóa.- Các loại thức ăn có chứa tinh bột ít mùi vị và dễ tiêu như là cơm, bánh mì, hoặc là các loại cháo, khoai củ nấu, hoặc luộc chín kỹ.

– Các loại dầu thực vật được chế biến từ các loại hạt như là dầu từ hạt hướng dương, dầu vừng, hay là dầu hạt cải, hoặc dầu đậu nành…

Những thức ăn người bệnh không nên ăn:

– Các loại thịt nguội đã chế biến sẵn như dăm bông, lạp sườn, xúc xích.

– Những loại thức ăn cứng, dai như thịt nhiều gân, sụn, hay là rau có nhiều xơ (rau già, rau cần…) quả xanh sống…

– Gia vị, dấm tỏi, tiêu ớt, hoặc các loại dưa cà muối, hành muối.

– Các loại quả chua như chanh, cóc, xoài xanh, sấu ….

– Chè, cà phê đậm đặc.

– Ngừng những loại nước uống có cồn như bia, rượu, các loại nước có gas.. Nếu chúng ta bỏ được thói quen này không chỉ tốt cho dạ dày mà còn tốt cho tim mạch và gan.

– Bỏ thuốc lá ngay lập tức, điều này không chỉ giúp cho bạn cải thiện bệnh viêm dạ dày-tá tràng mà còn giúp bạn sẽ tránh khỏi nguy cơ mắc phải nhiều bệnh về phổi và các bệnh có liên quan tới đường hô hấp.

Nguyễn Thị Nga – Khoa Nội tổng hợp

Chia sẻ ngay