Ung thư vú là bệnh ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong do ung thư cao nhất ở phụ nữ Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới. Theo GLOBOCAN năm 2020, trên toàn thế giới có 2.261.419 ca mắc mới và có 684.996 ca tử vong do ung thư vú. Đứng đầu về tỷ lệ mắc mới và đứng thứ 4 về tỷ lệ tử vong do ung thư ở cả hai giới. Tại Việt Nam, có 21.555 ca ung thư vú mới được ghi nhận, chiếm 11,8% tổng số ca ung thư mới mắc ở cả hai giới, đứng thứ ba sau ung thư gan, ung thư phổi. Và có 9.345 ca tử vong chiếm 7,6%, là nguyên nhân tử vong thứ 4 trong các bệnh ung thư cả 2 giới, sau ung thư gan, ung thư phổi và ung thư dạ dày. Riêng ở nữ giới, ung thư vú chiếm 25,8% các ca ung thư mới mắc, đứng đầu. Tỷ lệ mắc ung thư vú có xu hướng tăng trong những năm gần đây, tuy nhiên tỷ lệ tử vong do bệnh đang từng bước được cải thiện nhờ các thành tựu trong phòng bệnh, phát hiện bệnh sớm, chuẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.
Điều trị ung thư vú là điển hình của điều trị đa mô thức, phối hợp các phương pháp điều trị tại chỗ (phẫu thuật, xạ trị) và toàn thân (hóa chất, nội tiết, điều trị đích) nhưng cá thể hóa theo từng người bệnh. Tùy theo giai đoạn bệnh, thể mô bệnh học, thụ thể nội tiết, trể trạng và bệnh lý phối hợp… của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ có chỉ định áp dụng phương pháp phù hợp nhằm đem lại hiệu quả điều trị cao nhất và gặp ít tác dụng không mong muốn nhất. Trong đó phẫu thuật vẫn được coi là phương pháp điều trị chính đặc biệt khi người bệnh ung thư vú chưa có di căn xa. Tỷ lệ sống đến 5 năm của bệnh nhân ung thư vú ngày càng được cải thiện. Thống kê tại Mỹ năm 2002 so với năm 2012 là: giai đoạn 0: 100%/100%; giai đoạn I: 88%/100%; giai đoạn II: 74-81%/93%; giai đoạn III: 41-67%/72%; giai đoạn IV: 15%/22%.
Tại Trung tâm ung bướu và y học hạt nhân – Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai, tất cả các bệnh nhân ung thư vú được khám tại phòng khám ung bướu, được vào viện theo dõi, điều trị và phẫu thuật. Bệnh nhân ung thư vú khi vào Trung tâm Ung bướu được triển khai khám, áp các phương pháp chẩn đoán sớm, kỹ thuật cao, chính xác; siêu âm tuyến vú, chụp mammogrophy, chụp MRI, sinh thiết kim nhỏ FNA, sinh thiết kim lớn, sinh thiết tức thì…Và được tư vấn và áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp với từng giai đoạn bệnh; điều trị hóa chất tiền phẫu, phẫu thuật bảo tồn, phẫu thuật triệt căn, hóa chất bổ trợ, điều trị nội tiết duy trì. Các kỹ thuật được đồng bộ triển khai tại Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân đã nâng cao chất lượng điều trị, giúp cho các bệnh nhân trong tỉnh, đa số là những đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn được điều trị đúng, đủ, kịp thời, giúp giảm bớt gánh nặng về bệnh tật cũng như về kinh tế, xã hội.
Tuy vậy cũng còn nhiều bệnh nhân có nhận thức chưa đúng, nghĩ rằng ung thư là bệnh không chữa được, ung thư là không được động dao kéo (không được mổ), lên đã không đi khám bệnh dù đã biết có u từ lâu, để đến khi u vỡ loét, mới đến viện, để bệnh đến giai đoạn muộn hơn, khó khăn trong điều trị.
Đây là một trường hợp điển hình, bệnh nhân V.T.S, 39 tuổi, dân tộc H’mông, ở thôn Lán Mò, Nậm Chảy, huyện Văn Bàn, ung thư vú giai đoạn muộn. Bệnh nhân sờ thấy u vú nhiều năm nhưng không đi khám, đến khi vỡ loét mới đến viện, đã được phẫu thuật sạch sẽ tại Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân, BVĐK tỉnh Lào Cai.
Hình ảnh bệnh nhân trước và sau khi thực hiện phẫu thuật
Vậy nhưng ai có nguy cơ bị ung thư vú
– Tuổi: Nguy cơ mắc ung thư vú tăng lên theo tuổi. Hiếm gặp bệnh nhân ung thư vú tuổi dưới 20. Mặc dù nguy cơ mắc tăng theo tuổi nhưng các nghiên cứu lại chỉ ra tỉ lệ mắc ung thư vú dao động ở độ tuổi ngay trước và sau mãn kinh.
– Yếu tố nội tiết: Estrogen nội sinh cao sẽ gây có kinh sớm, mãn kinh muộn, hình thành những tế bào dễ mắc bệnh, dễ chuyển dạng ác tính làm tăng nguy cơ gây ung thư vú. Các yếu tố nội tiết ngoại lai như viên tráng thai, điều trị hormon thay thế sau mãn kinh cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của ung thư.
– Tiền sử kinh nguyệt và sinh sản: Tuổi có kinh, tuổi mãn kinh và tiền sử thai sản là yếu tố liên quan đến ung thư vú. Phụ nữ có kinh lần đầu trước tuổi 13, phụ nữ mãn kinh ở sau tuổi 55, phụ nữ chưa sinh đẻ lần nào, phụ nữ có thai lần đầu tiên sau tuổi 30 đều là những yếu tố nguy cơ của ung thư vú.
– Yếu tố gia đình: Phụ nữ có tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú đều tăng nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên sự tăng nguy cơ còn phụ thuộc vào người thân gần gũi ở mức độ nào và có bao nhiêu người thân bị mắc ung thư vú.
– Các yếu tố khác: Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác đã được nghiên cứu có nguy cơ liên quan đến ung thư vú như: các tổn thương quá sản nội ống, quá sản nội ống không điển hình, các bệnh lý lành tính khác của vú như: bệnh lý tuyến vú xơ cứng, biến đổi xơ nang…; chế độ dinh dưỡng: ăn nhiều mỡ động vật, rượu, thuốc lá, các yếu tố môi trường.
Triệu chứng của u vú và ung thư vú:
– Khối u: Hầu hết u sờ thấy có một khối, có đường kính >1 cm, vị trí thường gặp là 1/4 trên ngoài tuyến vú chiếm khoảng 44%, khối u có mật độ chắc hoặc cứng, bờ không đều, ít đau và ít di động so với mô vú xung quanh.
– Đau tuyến vú: Thường gặp ở giai đoạn muộn và không thường xuyên.
– Chảy dịch đầu vú: Là triệu chứng ít gặp, chiếm khoảng 3-5%. Ung thư vú chảy dịch có thể không màu, dịch nhầy nhưng thường là dịch màu hồng nhạt do có máu.
– Biến đổi da của tuyến vú: Da có thể bị co kéo, mảng da bị nhiễm cứng, sùi loét, dễ chảy máu, phù nề tổ chức lymphô của da với đặc trưng sẩn da cam.
– Biến đổi ở đầu vú: Lệch, tụt và loét đầu vú. Đầu vú có thể dày lên và mất các hạt đỏ bình thường.
– Di căn hạch vùng: Giai đoạn đầu, hạch nách thường nhỏ, mềm, khó phát hiện trên lâm sàng. Giai đoạn muộn, hạch mật độ chắc, cứng và thường ít hoặc không di động do các hạch vỡ vỏ dính với nhau và dính với mô xung quanh.
– Giai đoạn muộn: Thường xuất hiện các triệu chứng liên quan đến các cơ quan di căn như xương, gan, phổi và não gây đau xương, gãy xương bệnh lý, ho, khó thở, tràn dịch màng phổi, gan lớn, nhức đầu, yếu liệt khu trú và liệt tứ chi.
BSCK I. Nguyễn Văn Quân – Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân, BVĐK tỉnh Lào Cai