UNG THƯ TUYẾN GIÁP: NGUYÊN NHÂN, CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ

Ung thư tuyến giáp, bướu cổ nhiều khả năng gặp ở người có tiền sử gia đình bị bệnh hoặc tiếp xúc bức xạ,… dễ mắc bệnh này, có thể cần phẫu thuật cắt tuyến giáp để điều trị.

Ung thư tuyến giáp có thể chữa khỏi nếu phát hiện và có phương pháp điều trị hiệu quả ở giai đoạn sớm. Do vậy việc hiểu rõ về ung thư tuyến giáp, biết cách phòng ngừa, nhận biết sớm sẽ giúp ích rất nhiều cho chúng ta trong việc thoát khỏi loại ung thư này.

  1. Ung thư tuyến giáp là gì?

Ung thư tuyến giáp (thyroid cancer) là một căn bệnh trong đó các tế bào ác tính (ung thư) hình thành từ các tế bào của tuyến giáp. Đây là một loại ung thư phổ biến, có xu hướng phát triển khi độ tuổi càng cao, nguy cơ ở nữ giới cao hơn nam giới.

Nếu tuyến giáp sản xuất quá nhiều hoặc sản xuất quá ít hormone đều có thể dẫn đến các vấn đề bệnh lý. Những trạng thái này được gọi là cường giáp và suy giáp tương ứng.

  1. Phân loại ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp được chia thành hai nhóm: Ung thư tuyến giáp thể biệt hoá và ung thư tuyến giáp thể không biệt hoá.

Nhóm ung thư tuyến giáp thể biệt hoá chiếm khoảng 90%, nhóm này tiến triển chậm, tiên lượng tốt, bao gồm:

  • Ung thư biểu mô tuyến giáp nhú.
  • Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang.
  • Ung thư biểu mô tuyến giáp loại kết hợp thể nhú và nang.

Nhóm ung thư tuyến giáp thể không biệt hoá chiếm khoảng 10%, nhóm này tiến triển nhanh, nhanh di căn, bao gồm:

  • Ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy.
  • Ung thư biểu mô tuyến giáp thể không biệt hoá.
  1. Triệu chứng ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu có thể không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào, thường người bệnh tình cờ phát hiện ra khi siêu âm khám sức khỏe kiểm tra hoặc khám bệnh khác vô tình thấy. Chỉ khi khối u to lên, có thể nhìn hoặc sờ thấy, thì người bệnh đi khám. Ngoài ra khi khối u to, xâm lấn, có thể bộc lộ các triệu chứng như:

  • Khó thở;
  • Khó hoặc đau khi nuốt;
  • Khàn giọng hoặc thay đổi giọng nói;
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân;
  • Mệt mỏi;
  • Sưng không đau ở phía trước cổ.
  1. Nguyên nhân ung thư tuyến giáp

Nguyên nhân của ung thư tuyến giáp thường không rõ. Tuy nhiên, sự kết hợp của các điều kiện di truyền và các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng phát triển tình trạng này. Một số yếu tố nguy cơ ở một số vùng nhất định khiến số trường hợp ung thư tuyến giáp ở một số quốc gia nhiều hơn những quốc gia khác.

Các nguyên nhân khách quan có thể gồm:

  • Lượng iốt quá cao hoặc quá thấp.
  • Tiếp xúc với bức xạ ion hóa.
  • Các nguyên nhân khác có thể bao gồm
  • Tuổi tác: Tuổi càng cao thì thì nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp càng cao hơn.
  • Thừa cân, béo phì: Người thừa cân có nhiều khả năng phát triển ung thư tuyến giáp cao hơn người bình thường.

Ngoài ra, những yếu tố nguy cơ sau cũng góp phần gây ung thư tuyến giáp bao gồm:

  • Nữ giới: Ung thư tuyến giáp xảy ra ở phụ nữ thường xuyên hơn ở nam giới, với tỷ lệ xấp xỉ 3:1.
  • Người châu Á.
  • Người thường xuyên tiếp xúc với tia bức xạ.
  • Tiền sử gia đình bị ung thư tuyến giáp, bướu cổ hoặc bệnh tuyến giáp khác.
  • Một số điều kiện di truyền, chẳng hạn như ung thư tuyến giáp thể tủy.
  1. Những đối tượng nguy cơ
  • Nữ giới (dễ mắc ung thư tuyến giáp hơn nam giới)
  • Độ tuổi hay mắc từ 25-65 tuổi. Các yếu tố tuổi tác, giới tính cũng quy định rất nhiều việc người mắc ung thư tuyến giáp hay không. Nguy cơ mắc ung thư người trẻ ngày càng cao.
  • Người châu Á
  • Người thường xuyên tiếp xúc với bất kỳ loại bức xạ
  • Tiền sử gia đình bị ung thư tuyến giáp, bướu cổ hoặc bệnh tuyến giáp khác
  • Một số điều kiện di truyền, chẳng hạn như ung thư tuyến giáp thể tủy.
  1. Chẩn đoán ung thư tuyến giáp

Các phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến giáp thường bao gồm:

6.1. Chẩn đoán lâm sàng

Bác sĩ có thể kiểm tra thăm khám vùng cổ: Tuyến giáp, hạch cổ, hỏi tiền sử bệnh tật của người bệnh và gia đình.

6.2. Các xét nghiệm chẩn đoán

Siêu âm tuyến giáp và hạch vùng cổ: Phát hiện, đánh giá vị trí, kích thước, tính chất, số lượng khối u tuyến giáp, hạch vùng cổ

  • Xét nghiệm tế bào học u tuyến giáp, hạch cổ dưới hướng dẫn của siêu âm (chọc hút kim nhỏ – FNA)
  • Chụp CT và MRI vùng cổ: Đánh giá kỹ hơn mức độ xâm lấn của u tuyến giáp và hạch với các cơ quan xung quanh như phần mềm vùng cổ, khí quản, thực quản.
  • Sinh thiết tức thì trong mổ: Bác sĩ sẽ cắt bỏ nhân giáp hoặc một thùy của tuyến giáp trong quá trình phẫu thuật, làm xét nghiệm mô bệnh học ngay trong mổ để có hướng xử trí kịp thời và phù hợp.
  • Chỉ điểm sinh học: chỉ số Tg, AntiTg, CEA và Calcitonin sẽ dùng để đánh giá điều trị và theo dõi tái phát.

“Tại bệnh viện Đa Khoa Tỉnh Lào Cai, khi người bệnh đến khám, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, hỏi các yếu tố nguy cơ và tiền sử gia đình. Sau đó, bác sĩ sẽ cho kiểm tra bằng siêu âm tuyến giáp, đánh giá vị trí, kích thước khối u, khả năng xâm lấn của khối u tuyến giáp, có hạch cổ di căn hay không. Người bệnh sẽ được chọc hút tế bào u tuyến giáp dưới hướng dẫn của siêu âm và xét nghiệm tế bào học để xác định có phải là bệnh ung thư tuyến giáp không”.

  1. Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp

Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp bao gồm phẫu thuật, liệu pháp iốt phóng xạ (I-131), thuốc nhắm trúng đích (ức chế tyrosine kinase – TKI), và liệu pháp hormone. Các phương pháp điều trị sẽ tuỳ vào giai đoạn bệnh và thể mô bệnh học….

Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp thường bao gồm:

7.1. Phẫu thuật cắt một thuỳ tuyến giáp hoặc cắt tuyến giáp hoàn toàn

Lựa chọn phẫu thuật chỉ cắt một thuỳ tuyến giáp hoặc cắt tuyến giáp hoàn toàn, nạo vét hạch cổ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh được đánh giá trước khi quyết định điều trị.

7.2. Liệu pháp iốt phóng xạ (131I)

Liệu pháp iốt phóng xạ (131I) đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị và kiểm soát ung thư tuyến giáp. Phương pháp này được phối hợp với phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp để loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật.

Iốt phóng xạ sẽ được các tế bào ung thư tuyến giáp hấp thu và phát ra tia bức xạ beta tiêu diệt chúng.

7.3. Thuốc ức chế Tyrosine Kinase

Thuốc ức chế Tyrosine Kinase nhắm vào những con đường tín hiệu tyrosine kinase, bao gồm các gen RET, RAF hoặc RAS protein kinase để giúp kiểm soát sự tiến triển của bệnh. Các thuốc được sử dụng điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hoá di căn và tiến triển là: Sorafenib, Lenvatinib,…

7.4. Liệu pháp hormone tuyến giáp

Người bệnh sau khi cắt bỏ tuyến giáp hoàn toàn sẽ được bác sỹ kê thuốc hormone tuyến giáp uống bù suốt đời. Ngoài việc bổ sung hormon tuyến giáp cho cơ thể, thuốc hormon tuyến giáp còn có tác dụng ức chế tế bào ung thư tuyến giáp tái phát.

  1. Cách phòng ngừa nguy cơ ung thư tuyến giáp

Để giảm nguy cơ ung thư tuyến giáp, mọi người nên hạn chế tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như tia bức xạ, chế độ ăn thiếu hoặc thừa iod; nên ăn uống và sinh hoạt lành mạnh và thực hành thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng một lần hoặc ít nhất mỗi năm một lần để phát hiện sớm các tình trạng bất thường.

Tốt nhất, những người từ độ tuổi 40 và những người có các yếu tố nguy cơ nên làm tầm soát ung thư tuyến giáp.

Bên cạnh đó nên ăn uống lạnh mạnh, thường xuyên tầm soát ung thư khi để biết được tình trạng của bản thân. Ung thư tuyến giáp có thể chữa trị được tùy thuốc và loại ung thư, độ tuổi khi phát hiện ung thư và giai đoạn bệnh nhân bắt đầu điều trị. Vì vậy, điều quan trọng nhất là tầm soát phát hiện sớm, điều trị đúng cách và kịp thời.

BS. Nguyễn Thế Cường – Trung Tâm Ung Bướu & Y Học Hạt Nhân, Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Lào Cai

 

 

Chia sẻ ngay