UNG THƯ BIỂU MÔ TẾ BÀO ĐÁY (BCC)

Ung thư biểu mô tế bào đáy – BCC (Basal cell carcinoma) là loại ung thư khởi phát từ tế bào đáy – loại tế bào trong da có chức năng tạo ra tế bào mới thay thế cho tế bào cũ. Đây là một loại ung thư da phổ biến nhất. Nó thường xuất hiện trên các vùng da tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, như khuôn mặt, cổ, tay và chân.

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị ung thư biểu mô tế bào đáy khác nhau, tùy thuộc vào kích thước, vị trí và các thể mô bệnh học của khối u. Các phương pháp điều trị thông thường bao gồm:

  • Phẫu thuật: Loại bỏ toàn bộ khối u bằng phẫu thuật. Đây thường là phương pháp điều trị được ưu tiên với các khối u lớn, ở vị trí nhạy cảm hoặc khi lan rộng sâu vào da. Với diện cắt cách mép trên 4mm tỷ lệ thành công trên 90%. Tỷ lệ phát sau 5 năm từ 8-12%.
  • Đốt điện (electrocautery) hoặc nạo và đốt điện (curettage and electrodesiccation): Loại bỏ khối u bằng cách đốt cháy tế bào ung thư bằng điện hoặc loại bỏ bằng cách nạo và đốt khối u sau đó. Đây là một phương pháp phổ biến cho các khối u nhỏ hoặc không ở vị trí nhạy cảm. Tỷ lệ tái phát sau 5 năm là 5-26%.
  • Phẫu thuật lạnh (cryotherapy): Sử dụng Nito ở -196 độ C hoặc tuyết cacbon để đông lạnh và phá huỷ tế bào ung thư. Phương pháp này thường được sử dụng cho các khối u nhỏ và không ở vị trí quan trọng. Tỷ lệ tái phát sau 5 năm từ 5-13%.
  • Hóa trị liệu (chemotherapy): Dù hóa trị liệu chủ yếu được sử dụng cho các loại ung thư khác, nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, nó có thể được sử dụng để điều trị BCC giai đoạn tiến triển hoặc nếu có sự lan rộng. Hóa trị liệu ung thư da có thể được tiêm trực tiếp vào khối u hoặc sử dụng dưới dạng thuốc uống hoặc thuốc bôi.
  • Liệu pháp ánh sáng (photodynamic therapy): Đây là một phương pháp không xâm lấn sử dụng ánh sáng để phá hủy tế bào ung thư. Một chất thuốc ánh sáng nhạy được áp dụng lên da và sau đó ánh sáng có bước sóng đặc biệt được áp dụng lên vùng điều trị

Dự phòng và phát hiện sớm là rất quan trọng. Dùng kem chống nắng thường xuyên, nâng cao hệ thống miễn dịch, tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ làm giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư da. Các tổn thương nguy cơ cao: ranh giới không rõ, màu sắc bất thường, hình dáng bất đối xứng, tăng kích thước nhanh, dễ loét, dễ chảy máu, tái phát …cần được khám, chẩn đoán và can thiệp thích hợp.

BS.Phạm Việt Dũng

Đơn vị PTTHTM- TT Ung bướu BVĐK tỉnh Lào Cai

Chia sẻ ngay