Ung thư bàng quang là loại ung thư xảy ra ở bàng quang- cơ quan rỗng nằm tại vùng bụng dưới có chức năng chứa nước tiểu do thận thải ra. Theo đó, bệnh ung thư bàng quang nếu được thăm khám và điều trị ở giai đoạn sớm sẽ đem lại tiên lượng sống cao cho người bệnh.

Cấu tạo bàng quang

Xét về mặt giải phẫu học, bàng quang là một cơ quan ngoài phúc mạc, lúc còn trẻ (< 6 tuổi) nằm ở vị trí trong bụng và trở nên khu trú tại vùng chậu sau khi khung chậu đã phát triển đầy đủ ở tuổi trưởng thành.

Vị trí của bàng quang là ở phía sau khớp mu và tùy vào thể tích cũng như mức độ căng chứa nước tiểu mà có thể sờ thấy ở vùng bụng dưới. Trong khi đáy bàng quang có thể thay đổi hình dạng dễ dàng, giãn ra trong thì chứa đựng và co lại trong thì tống xuất nước tiểu, thì cổ bàng quang lại được cố định chắc vào niệu đạo và những dây chằng ở sâu trong khung chậu.

Đây là cơ quan rỗng có một lớp niêm mạc tế bào chuyển tiếp lót ở mặt trong. Lớp cơ được cấu tạo bằng những bó dọc và bó vòng đan chéo lẫn nhau. Cấu tạo cơ vùng tam giác nằm phía trên lớp cơ bàng quang và là thành phần dày nhất và cố định nhất của bàng quang. Khoảng cách giữa các lỗ của vùng tam giác là 3-4 cm.

Chức năng của bàng quang 

Bàng quang tuy không phải là cơ quan sinh tồn, nhưng lại rất quan trọng ở một phương diện khác của con người. Đó là đảm bảo chất lượng sống, giúp con người có thể sinh hoạt, học tập, làm việc một cách thuận tiện.

Về mặt chức năng, bàng quang của loài người vượt trội hơn hẳn so với các loài vật. Chức năng của chúng ngày một thay đổi tốt dần hơn trong quá trình lớn lên và hội nhập vào xã hội, từ một đứa trẻ sơ sinh cho đến khi hoàn toàn trở thành một người trưởng thành. Hiện tượng này gọi là sự trưởng thành của bàng quang loài người.

Nói một cách đơn giản, chức năng của bàng quang là chứa đựng và tống xuất nước tiểu ra ngoài thông qua niệu đạo. Ngoài ra, bàng quang cũng góp phần bảo vệ thận qua vai trò của khúc nối niệu quản – bàng quang, giúp cho nước tiểu xuôi dòng xuống và không trào ngược trở lại thận.

Những nguyên nhân phổ biến gây ung thư bàng quang

Trên thực tế, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho nguyên nhân gây ung thư bàng quang. Tuy nhiên, các chuyên gia về niệu học cho rằng, các yếu tố sau đây có thể khiến cho ung thư bàng quang phát triển gồm:

Thuốc lá

Kết quả thống kê cho thấy, thuốc lá là nguyên nhân gây ra nhiều nguy cơ ung thư cho cơ thể, bao gồm cả ung thư bàng quang. Những người hút thuốc có nguy cơ bị ung thư bàng quang cao ít nhất là 3 lần so với người không hút thuốc. Bên cạnh đó, hút thuốc cũng gây ra khoảng một ½ ca ung thư bàng quang ở cả nam và nữ.

Tiếp xúc với hóa chất nơi làm việc

Một số hóa chất công nghiệp được dùng trong ngành dệt may, sơn, in ấn, cao su… như benzidine và beta-naphthylamine có liên quan đến ung thư bàng quang. Đặc biệt, người hút thuốc lá và tiếp xúc với môi trường làm việc nhiều hóa chất sẽ có nguy cơ ung thư bàng quang rất cao.

Hóa chất trong thuốc nhuộm là một trong những nguyên nhân gây ung thư bàng quang

Sử dụng thuốc điều trị liều cao

Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), việc sử dụng các thuốc tiểu đường như pioglitazone (Actos®), thuốc có chứa axit Aristolochic có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư biểu mô, bao gồm cả ung thư bàng quang.

Hóa chất trong nước uống

Chất Asen trong nước uống có liên quan đến nguy cơ ung thư bàng quang. Những người lấy nước từ giếng hay từ hệ thống nước công cộng chưa đáp ứng tiêu chuẩn về hàm lượng Asen sẽ rất dễ mắc bệnh.

Không uống đủ nước 

Nước có vai trò đào thải các chất độc hại trong cơ thể ra bên ngoài thông qua tiểu tiện. Vì thế, nếu không uống đủ nước, bạn sẽ có nguy cơ đối diện với ung thư bàng quang.

Bên cạnh các nguyên nhân có thể thay đổi ở trên, ung thư bàng quang còn đến từ những yếu tố không thể thay đổi như chủng tộc, khu vực sinh sống, tuổi tác, giới tính, dị tật bẩm sinh…

Biểu hiện của ung thư bàng quang

Người bị ung thư bàng quang thường có các triệu chứng như viêm đường tiết niệu, đau hông, đau xương mu.

Cũng như rất nhiều loại ung thư khác, ung thư bàng quang rất khó nhận biết vì những dấu hiệu đầu tiên thường dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường. Tuy nhiên, bạn cũng nên lắng nghe một số biểu hiện của cơ thể và thăm khám chuyên sâu khi có những dấu hiệu dưới đây:

  • Tiểu ra máu, có thể từng đợt hoặc đại thể suốt bãi
  • Tiểu đau, tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu khó, tiểu không tự chủ
  • Nước tiểu có màu lạ, đặc trưng là sẫm màu
  • Mệt mỏi, chán ăn, sụt cân

Ở giai đoạn muộn, khi ung thư di căn xâm lấn các vùng lân cận, bệnh nhân có thể:

  • Đau bên hông lưng
  • Đau vùng xương mu
  • Đau hạ vị
  • Đau xương
  • Đau đầu

Phân loại ung thư bàng quang

Hiện nay, ung thư bàng quang được phân thành 3 loại phổ biến như sau:

  • Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp: Đây là trường hợp phổ biến nhất và xảy ra ở các tế bào lót mặt trong bàng quang. Tế bào chuyển tiếp có vai trò giãn rộng khi bàng quang đầy và thu hẹp lại khi bàng quang đã tống đẩy hết nước ra ngoài.
  • Ung thư biểu mô tế bào vảy: Trường hợp này hiếm gặp hơn và thường xuất hiện có những người bị nhiễm ký sinh trùng và bị viêm bàng quang. Ung thư hình thành từ các tế bào vảy bị viêm nhiễm.
  • Ung thư biểu mô tuyến: Loại ung thư này khá hiếm gặp so với hai loại ở trên. Ung thư bắt đầu từ những tế bào tạo ra chất nhầy, chất tiết trong bàng quang.

Các giai đoạn của ung thư bàng quang

  • Giai đoạn I: Ung thư hình thành trong lớp nội mạc của bàng quang, chưa xâm chiếm lớp cơ của thành bàng quang.
  • Giai đoạn II:  Ung thư đã xâm nhập vào thành bàng quang, nhưng vẫn còn khu trú ở bàng quang.
  • Giai đoạn III: Ung thư lây lan xuyên qua thành bàng quang, xâm lấn mô xung quanh, cụ thể như tuyến tiền liệt ở nam hoặc tử cung hay âm đạo ở nữ.
  • Giai đoạn IV: Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết, di căn đến các cơ quan khác như phổi, xương, gan.

Cách biện pháp chẩn đoán

Khi nghi ngờ người bệnh có nguy cơ bị ung thư bàng quang, các bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện từng biện pháp hay phối hợp với nhau để có được chẩn đoán chính xác:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Việc phân tích nước tiểu dưới kính hiển vi sẽ giúp phát hiện tế bào ung thư có trong đó.
  • Soi bàng quang: Thông qua việc đưa ống nội soi vào niệu đạo, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra toàn bộ bàng quang để phát hiện bất thường.
  • Sinh thiết: Một mẩu mô nhỏ trong bàng quang sẽ được mang soi để phát hiện các tế bào ung thư.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp tĩnh mạch có thuốc cản quang để quan sát toàn bộ đường tiết niệu và các mô xung quanh tốt hơn.

Trong trường hợp đã xác định bệnh nhân có ung thư bàng quang, các loại xét nghiệm sau đây có thể được thực hiện để xác định mức độ, giai đoạn bệnh:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan)
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Xạ hình xương (bone scan)
  • X-quang ngực

Phương pháp điều trị

Theo một kết quả khảo sát được một số bệnh viện, tỷ lệ ung thư bàng quang thể nông chiếm 65% và ung thư bàng quang xâm lấn chiếm 35% trường hợp và “trong những năm gần đây, số trường hợp được chẩn đoán sớm tăng lên do điều kiện kinh tế của  Việt Nam được cải thiện, y tế phát triển. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng rộng rãi giúp bác sĩ đa khoa phát hiện bệnh nhanh hơn, ở giai đoạn sớm hơn và can thiệp tốt hơn”.

Tùy theo giai đoạn ung thư, thể trạng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ quyết định các biện pháp điều trị, bao gồm cả cắt bàng quang tận gốc

Phẫu thuật 

Tùy theo nguyên nhân và thể trạng bệnh nhân, các bác sĩ sẽ quyết định chọn lựa phương pháp thích hợp để điều trị ung thư bàng quang.

Có 2 phương pháp cắt bàng quang chính gồm cắt bàng quang đơn giản (hoặc đơn thuần) cho những bệnh lý lành tính và cắt bàng quang tận gốc cho ung thư bàng quang.

Về nguyên tắc chung, cắt bàng quang đơn giản có nghĩa là chỉ cắt bỏ bàng quang. Đối với phụ nữ là không đụng đến niệu đạo, tử cung và âm đạo. Đối với nam giới là không đụng đến niệu đạo, tiền liệt tuyến, túi tinh; không cần thiết phải nạo hạch chậu.

Trong khi đó, cắt bàng quang tận gốc được xem là tương đương đoạn chậu trước. Đối với phụ nữ có nghĩa là cắt bàng quang, phần lớn phúc mạc chậu, tử cung, dây chằng rộng, phần lớn niệu đạo và ⅓ trước trên âm đạo. Đối với nam giới có nghĩa là cắt bàng quang, phần lớn phúc mạc chậu, tiền liệt tuyến, túi tinh; nạo hạch chậu bắt buộc. Nếu thực hiện đúng mức sẽ giúp đánh giá giai đoạn, góp phần lựa chọn xạ và hóa trị bổ trợ, tăng thời gian sống còn của bệnh nhân.

Khi chỉ định cắt bàng quang được đưa ra thì vấn đề tạo hình bàng quang cũng đồng thời được đặt ra. Bàng quang thay thế được phân làm hai nhóm: chuyển lưu ra da có kiểm soát (gọi là túi) và nối với niệu đạo (gọi là bàng quang trực vị). Nhóm đầu thường là chọn lựa đối với trường hợp không sử dụng được niệu đạo hoặc cơ thắt vân niệu đạo sau mổ, và với đa số bệnh nhân nữ. Nhóm sau cho kết quả đi tiểu tự nhiên, hình ảnh toàn vẹn cơ thể và vì thế có chất lượng sống tốt hơn.

Do đó, trừ khi có chống chỉ định, cắt bàng quang toàn phần (đơn giản hay tận gốc) thường được tiếp nối trong một lần mổ bằng tạo hình thay thế bàng quang. Như vậy, cắt bàng quang và tạo hình bàng quang kết hợp trong một phẫu thuật thống nhất giúp bệnh nhân giảm bớt đau đớn và đạt nhiều mục đích chỉ qua một lần thực hiện.

Hóa trị

Hóa trị là đưa hóa chất vào cơ thể để chống lại tế bào ung thư. Có thể kết hợp các loại thuốc để điều trị cho bệnh nhân. Điều trị hóa chất có thể điều trị riêng lẻ hoặc kết hợp với cả phẫu thuật và xạ trị. Nếu ung thư bàng quang còn ở bề mặt, bệnh nhân sẽ được đưa hóa chất vào bàng quang sau khi đã phẫu thuật lấy u bàng quang qua đường niệu đạo.

Xạ trị

Xạ trị có thể được dùng trước và sau phẫu thuật để làm giảm kích thước khối u và tiêu diệt tận gốc các tế bào ung thư. Những bệnh nhân không phẫu thuật được thì tiến hành xạ trị bao gồm xạ trị trong và xạ trị ngoài.

Ngoài ra, ung thư bàng quang còn được điều trị bằng một số phương pháp khác như: điều trị sinh học (điều trị bằng miễn dịch). Phương pháp này áp dụng sau phẫu thuật lấy u qua đường niệu đạo với u ở bề mặt bàng quang, sử dụng hệ thống miễn dịch sẵn có để chống lại tế bào ung thư. Đây là biện pháp ngăn ngừa tình trạng tái phát ung thư bàng quang.

Đề phòng ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang là một trong những bệnh lý ác tính khá phổ biến, thường xuất hiện ở nam giới ở độ tuổi trung niên và gây nên nhiều bất tiện cho cuộc sống, thậm chí là những hệ lụy về sức khỏe cho người bệnh, nhất là nguy cơ tử vong.

Vì thế, ở vai trò là một trong những chuyên gia đầu ngành Ung thư chúng tôi có những lời khuyên để tránh ung thư bàng quang bao gồm:

  • Hạn chế và tốt nhất không hút thuốc lá, bao gồm chủ động lẫn thụ động;
  • Tránh tiếp xúc với hóa chất và sử dụng các biện pháp hỗ trợ chuyên dụng khi cần;
  • Tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng;
  • Uống nhiều nước lọc và đảm bảo chất lượng nguồn nước;
  • Tăng cường vận động, tập luyện thể thao để đào thải độc tố ;
  • Không tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa được bác sĩ chỉ định;
  • Tầm soát sức khỏe định kỳ, nhất là với độ tuổi từ 40-70 tuổi.

Để đặt lịch khám với các bác sỹ chuyên khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Lào Cai khách hàng liên hệ trực tiếp

Ths.BsCKII. Tô Minh Hùng. Giám đốc Trung Tâm Ung Bướu, Số điện thoại: 0964840888

Bs.CKI. Nguyễn Thị Quỳnh Trâm. Phó Giám đốc Trung Tâm Ung Bướu, Số điện thoại: 0982927285

BS.CKI. Nguyễn Thế Cường – TTUB&YHHN 

Chia sẻ ngay