Suckhoedoisong.vn – Thời gian qua, liên tiếp các đợt mưa dài ngày xảy ra tại khắp các tỉnh miền Bắc khiến nhiều nơi bị ngập lụt, môi trường bị ô nhiễm, nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong vùng mưa lũ là rất cao.
Bài viết này sẽ giúp bạn đọc biết cách ứng phó với ngộ độc thực phẩm.
Trong mùa mưa bão, lũ, người dân phải dối diện với rất nhiều bệnh tật do ảnh hưởng môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng. Tại vùng bão lụt, các công trình vệ sinh, cống rãnh bị ngập trong nước nên các chất thải của người và gia súc, xác động thực vật hòa vào nước gây ô nhiễm nặng cho môi trường nước, đất và đồ vật chìm trong nước khiến mầm bệnh rất dễ lan nhiễm vào thức ăn, nước uống gây bệnh cho người dân.
Mưa lũ lụt có ảnh hưởng xấu đến nguồn thực phẩm do: Nguồn cung cấp thực phẩm tươi, sạch, an toàn bị ách tắc do phương tiện vận chuyển bị hạn chế. Lương thực, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng, sinh độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm. Nguồn nước có thể bị ô nhiễm nặng dẫn đến ô nhiễm thực phẩm và nước uống dùng để chế biến thức ăn. Hơn nữa, sau bão lũ, nhiều địa phương còn bị cô lập bởi nước lụt, chưa có điều kiện thực hiện ăn chín, uống sôi. Vì vậy, ngộ độc thực phẩm thường rất hay xảy ra.
Dấu hiệu nhận biết ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm là hội chứng cấp tính xảy ra đột ngột do ăn phải thức ăn có chất độc. Trong phần lớn các trường hợp, ngộ độc là nhẹ nhưng cũng có những trường hợp cần nhập viện khi các triệu chứng trở nên trầm trọng. Dưới đây là những triệu chứng bị ngộ độc thực phẩm hoặc nguồn nước:
Sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc, người bệnh đột ngột thấy có những triệu chứng (sau vài phút, vài giờ, có thể sau 1 ngày): buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, tiêu chảy nhiều lần (phân, nước tiểu có thể có máu) có thể không sốt hay sốt cao trên 38oC. Một dấu hiệu đáng báo động sau khi ăn gì đó là đau bụng nghiêm trọng và thậm chí có những cơn co rút ở khu vực bụng. Ở người cao tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, các triệu chứng thường nặng.
Nếu nôn và đi ngoài nhiều lần sẽ bị mất nước, mất điện giải, trụy tim mạch rất dễ dẫn đến sốc nhiễm khuẩn nếu nguyên nhân do vi khuẩn gây nên. Vì thế phải rất lưu ý đến những dấu hiệu mất nước mà biểu hiện rõ nhất là nôn nhiều trên 5 lần, đi ngoài phân lỏng trên 5 lần, sốt cao, khô miệng, khô môi, mắt trũng, khát nước (cần lưu ý ở người già hay bị mất nước nặng lại không kêu khát nước do tuổi cao làm mất cảm giác khát); mạch nhanh, thở nhanh, mệt lả, có thể co giật, nước tiểu ít, sẫm màu. Một triệu chứng phổ biến khác của ngộ độc thực phẩm là chóng mặt hoặc đầu óc quay cuồng. Triệu chứng này cũng có thể kéo dài trong vài giờ.
Làm gì khi bị ngộ độc thực phẩm?
Trước một người bị ngộ độc hoặc nghi bị ngộ độc còn tỉnh táo, cần làm cho chất độc lẫn trong thức ăn bị đào thải ra ngoài càng nhanh càng tốt bằng cách dùng 2 ngón tay của chính bệnh nhân để ngoáy họng hay dùng một thìa nhỏ hoặc tăm bông đưa vào gốc lưỡi gây phản xạ nôn. Chú ý, khi bệnh nhân nôn để đầu cúi thấp hơn ngực, tránh bị sặc vào phổi. Trong trường hợp nếu biết chất độc là dầu hỏa, xăng, hóa chất, thuốc trừ sâu thì không gây nôn vì gây nôn có thể sẽ làm bệnh nhân hít chất độc vào phổi hoặc lên cơn co giật khi đang gây nôn. Sau đó theo dõi bệnh nhân. Nếu thấy các triệu chứng nặng hơn thì nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa bão lũ
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, góp phần bảo đảm sức khỏe cộng đồng trong mùa bão lũ, người dân cần lưu ý các vấn đề sau:
Tuyệt đối không chế biến thực phẩm từ các động vật chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân, chủ động dự trữ thực phẩm trong mùa bão lụt: Tuy không thể đáp ứng nhu cầu thực phẩm như ngày thường, nhưng người dân vẫn có thể sử dụng những thực phẩm thay thế đủ khả năng cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu, cần thiết cho cơ thể như: Nước tương, muối lạc, muối vừng, giá đỗ làm đậu… Không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng. Tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết do ngập nước, do ngộ độc hoặc chết không rõ nguyên nhân để chế biến làm thực phẩm. Không để lẫn thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm và hải sản tươi sống với các thực phẩm khác. Nên dự trữ mì tôm, muối ăn, nước chấm, rau củ, nước uống đóng chai.
Thực hiện triệt để việc ăn chín, uống sôi: Rửa tay bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa với nước sạch; Trước khi tiếp xúc với thực phẩm; Trước và trong quá trình chế biến thực phẩm; sau mỗi lần đi vệ sinh. Vệ sinh toàn bộ bề mặt và dụng cụ chế biến thực phẩm bằng nước sạch và chất tẩy rửa sau mỗi lần chế biến.
Phải sử dụng nước sạch để chế biến thực phẩm, nếu không có nước sạch thì phải khử trùng nguồn nước: Khi phải dùng nước sông, suối ao, hồ hoặc nước nước giếng bị nhiễm bẩn, phải làm trong nước bằng cách dùng phèn chua hòa vào nước (với tỷ lệ 1gam phèn chua/20 lít nước), chờ 30 phút cho cặn lắng xuống đáy rồi gạn lấy nước trong. Trong trường hợp không có phèn chua có thể dùng túi vải để lọc nước.
Sau đó, nước cần được khử trùng bằng hóa chất chloramine B hoặc clorua vôi. Sau khử trùng, nước phải có mùi clo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Nước sau khử trùng 30 phút là sử dụng được. Một điều cần lưu ý tuyệt đối không được khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn sẽ hấp thụ hết clo hoạt tính, làm mất tác dụng khử trùng của clo. Nước xử lý bằng clo vẫn phải đun sôi mới uống được.
Sau khi lũ rút, phải tổng vệ sinh các công trình nhà ở và công cộng (nhà bếp, giếng nước…) sạch sẽ.
BS. Hữu Hạnh