Tổn thương khớp gối thương thường gặp sau chấn thương, nếu không được chẩn đoán đúng và phục hồi kịp thời sẽ dẫn đến mất vận động, thoái hóa khớp gối sớm. Việc chẩn đoán có thể dựa vào các nghiệm pháp lâm sàng, tuy nhiên trong giai đoạn cấp hoặc khi bệnh nhân đau nhiều vùng gối, thăm khám lâm sàng sẽ kém chính xác, dẫn đến bệnh nhân không được tư vấn điều trị phù hợp. Cộng hưởng từ là phương tiện hình ảnh học an toàn và có giá trị cao trong chẩn đoán tổn thương khớp gối. 

 Một số hình ảnh tổn thương khớp gối trên cộng hưởng từ thường gặp sau chấn thương:

1.1 Đứt dây chằng chéo trước:

Là tổn thương hay gặp và để lại di chứng nặng nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm. Dây chằng chéo trước (ACL) bám từ lồi cầu xương đùi tới diện trước mâm chày, giữ cho mâm chày không bị trượt ra trước và xoay trong. Tổn thương dây chằng chéo trước thường gặp khi nhảy cao chân tiếp đất trong tư thế không thuận, hoặc xoay người chuyển hướng đột ngột trong khi bàn chân giữ nguyên.

Tổn thương dây chằng chéo trước với nhiều hình thái: tổn thương không hoàn toàn, tổn thương hoàn toàn hoặc bong chỗ bám, dựa theo mức độ tổn thương của dây chằng và mức độ lỏng gối, người ta chia thành các mức độ nhau sau:

  • Độ 1: dây chằng bị giãn, gối còn vững.
  • Độ 2: dây chằng đứt một phần, gối bắt đầu mất vững (lỏng gối vừa).
  • Độ 3: dây chằng đứt hoàn toàn, gối lỏng lẻo.

Trên thực tế, tổn thương độ 1 thường ít gặp, chủ yếu là tổn thương độ 2 và độ 3.

Hậu quả của tổn thương dây chằng chéo trước: Khi dây chằng chéo trước bị đứt, quan hệ động học giữa xương đùi và xương chày thay đổi, sự phân phối và truyền lực từ đùi xuống cẳng chân không bình thường, từ đó dẫn đến hai tổn thương thứ phát là rách sụn chêm thứ phát và thoái hóa khớp gối.

Đứt dây chằng chéo trước

1.2 Đứt dây chằng chéo sau:

Nếu như dây chằng chéo trước giữ cho mâm chày không bị trượt ra trước và xoay trong thì dây chằng chéo sau (PCL) lại giữ cho mâm chày không bị trượt ra sau và xoay ngoài. Tổn thương dây chằng chéo sau có thể gặp đơn thuần (38%), nhưng thường phối hợp với các tổn thương khác (56%).

Hậu quả của tổn thương dây chằng chéo sau: nếu không được phục hồi dễ gây tổn thương sụn chêm thứ phát và thoái hóa khớp gối về sau. Tuy nhiên, sự phiền toái trên lâm sàng không lớn như tổn thương dây chằng chéo trước.

Đứt dây chằng chéo sau

1.3. Tổn thương chằng bên trong-bên ngoài:

Thường liên quan đến cơ chế vặn xoắn, gây nên tổn thương của một phần hoặc hoàn toàn dây chằng bên trong hoặc bên ngoài. Có thể bong điểm bám dây chằng. Sau chấn thương thường đau xuất hiện ở mặt trong hoặc mặt ngooài khớp gối. Trường hợp tổn thương nặng, có thể có tràn dịch khớp gối, khớp gối có thể bị yếu ở vị trí tổn thương dây chằng.

1.4. Tổn thương sụn chêm:

Là tổn thương hay gặp nhất ở khớp gối trong chấn thương thể thao (cầu thủ bong đá), ngoài ra khá thường gặp do tai nạn giao thông. Sụn chêm là một tấm sụn rất chắc chắn có hình chữ ‘C ‘ (sụn chêm trong) và hình chữ “O” (sụn chêm ngoài), nằm lót giữa hai mặt khớp xương đùi và xương chày. Sụn chêm có tác dụng làm hấp thụ và phân phối lực tác động lên gối và góp phần giữ vững gối. Ngoài ra sụn chêm lấp đầy khe khớp, ngăn không cho màng hoạt dịch và bao khớp tràn vào khe khớp.

Ránh sụn chêm

1.5. Tổn thương sụn khớp:

Sụn khớp là phần sụn bao phủ đầu xương đùi và xương chày ở trong khớp. Sụn khớp có tính chất trơn, nhẵn, cho phép gối cử động nhẹ nhàng, đồng thời chịu được sức nặng, giảm chấn động và phân bố lại lực đè ép lên mặt khớp. Sụn khớp không có mạch nuôi, không có đầu mút thần kinh, nên khi sụn khớp bị tổn thương không có khả năng tự liền.

Tổn thương sụn khớp thường kết hợp với tổn thương dây chằng chéo trước, chiếm 20% – 70% các trường hợp lỏng gối mãn tính. Nguyên nhân là do lực tác động từ bên ngoài lên mặt khớp quá nhanh làm bong, vỡ sụn, hoặc do gối xoay và chịu sức nặng lớn, đột ngột. Tổn thương sụn khớp lớn, mảnh sụn có thể tạo thành dị vật khớp, gây kẹt khớp.

1.6. Tổn thương xương:

Sau chấn thường thường có đụng dập tủy xương hoặc vỡ xương đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày, xương mác, xương bánh chè.

Đụng dập tủy xương-vỡ xương

Khoa chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai được trang bị máy chụp cộng hưởng từ (MRI) 1.5 Tesla của hãng GE. máy áp dụng công nghệ chụp cộng hưởng từ an toàn, không dùng tia X, không xâm lấn với khả năng thực hiện không giới hạn các kỹ thuật của công nghệ tiên tiến, hiện đại trong chẩn đoán, đem lại kết quả thăm khám một cách toàn diện.

BSCKI. Trịnh Xuân Tình – Khoa CĐHA

Chia sẻ ngay