Những ngày Tết, sinh hoạt thất thường cùng chế độ ăn uống có thể khiến bạn và gia đình sẽ gặp một số vấn đề sức khỏe không mong muốn.
Việc chuẩn bị “tủ thuốc ngày Tết” vô cùng quan trọng vì những ngày này thường có sự thay đổi về chế độ dinh dưỡng, nhịp sống, thậm chí cả về khí hậu… làm cơ thể chúng ta dễ mắc những bệnh cấp tính (cảm sốt, nhức đầu, ho, rối loạn tiêu hóa, dị ứng) và những bệnh mãn tính (đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp…).
- Thuốc tiêu hóa:
Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy hay táo bón đều là tình trạng dễ gặp phải trong dịp Tết vì thói quen ăn uống bị thay đổi, ăn không đúng giờ hoặc ăn quá nhiều… cũng có thể khiến bạn gặp rắc rối. Do vậy, bạn cần “thủ” sẵn một số thuốc thông dụng như:
Các thuốc chống co thắt cơ trơn như alverin citrate, drotaverine hay mebeverine có thể giúp giảm các triệu chứng đau bụng, trào ngược.
Domperidone có thể sử dụng để giảm các triệu chứng của nôn và buồn nôn.
Than hoạt tính có thể hữu dụng để hấp thu độc tố trong một số trường hợp ngộ độc cấp thực phẩm, hóa chất.
Loperamid, smecta giúp cầm tiêu chảy nhanh do nhiều nguyên nhân. Cũng cần lưu ý thêm, tiêu chảy là cơ chế phòng vệ của cơ thể giúp đào thải độc tố ra khỏi đường ruột, vì vậy việc sử dụng ngay các thuốc cầm tiêu chảy do nguyên nhân ngộ độc là không khuyến cáo. Beberin có tác dụng điều trị tiêu chảy do kiết lỵ.
Song song đó, oresol cũng cần thiết để bù nước và điện giải mất đi do tình trạng tiêu chảy kéo dài.
Các thuốc antacid như nhôm hydroxit, magie hydroxit có thể giúp trung hòa acid dạ dày, giảm nhanh các triệu chứng ợ nóng, rát, đầy hơi.
Ngoài ra, simethicone, papain có thể hỗ trợ dạ dày tiêu hóa những bữa ăn giàu chất béo.
(Tủ thuốc cần chuẩn bị cho ngày Tết là rất cần thiết)
- Thuốc chuyên khoa các bệnh mãn tính:
Tăng huyết áp, hen, suyễn, bệnh đái tháo đường, bệnh xương khớp, bệnh gút thường có liên quan đến chế độ ăn uống, đặc biệt trong những ngày Tết. Do vậy, cần bổ sung số lượng thuốc cho đầy đủ với bệnh tật của mình. Những thuốc này không thể mua nếu thiếu toa của bác sĩ, do đó các bạn cần chuẩn bị đầy đủ, đặc biệt trong những chuyến đi chơi xa.
- Thuốc dị ứng:
Có thể trong những ngày Tết, bạn sẽ vô tình bị dị ứng thức ăn, thời tiết hoặc các yếu tố gây bệnh khác. Vì vậy, bạn có thể chuẩn bị trước thuốc kháng histamin. Nhóm thuốc này có tác dụng ngừa và điều trị các triệu chứng dị ứng như ngứa, mày đay, viêm mũi theo mùa. Các thuốc thế hệ mới như fexofenadine, loratadin hay cetririzin sẽ cho tác dụng kéo dài và ít gây buồn ngủ hơn các thuốc thế hệ 1 như clopheniramine, alimemazine.
- Thuốc ho:
Một số thuốc ho không cần kê toa thông dụng thể kể đến đó là: mật ong, tinh dầu bạc hà, eucalyptol. Những thuốc này vừa có tác dụng trị ho, vừa sát khuẩn đường hô hấp và có thể sử dụng cho trẻ em từ 30 tháng trở lên. Dextromethrophan có hiệu quả tốt trong điều trị ho khan, tuy nhiên chỉ nên dùng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên (đối với dạng viên) và 2 tuổi trở lên (đối với siro).
- Thuốc hạ sốt, giảm đau:
Paracetamol là một thuốc thông dụng cần có, dùng để hạ sốt và giảm đau nhẹ. Bên cạnh đó, các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, acid mefenamic… có tác dụng kháng viêm, giảm đau do nhiều nguyên nhân như đau lưng, đau răng…. Tuy nhiên, cần thẩn trọng khi sử dụng ở những đối tượng có cơ địa dị ứng thuốc, các bệnh tim mạch và tiền sử viêm loét dạ dày-tá tràng. Trong trường hợp bị kích ứng dạ dày do thuốc, các NSAID bôi hay dán sẽ phù hợp hơn.
Ths.Ds. Nguyễn Thị Thúy An