Suckhoedoisong.vn – Cho đến nay, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu, phát triển vắc-xin phòng bệnh. Hiện Việt Nam đã sản xuất được 10 loại vắc-xin phòng bệnh lao, sởi, Rubella, rota, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi-Rubella…, và có 8 vắc-xin được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Nhiều đề án sản xuất vắc-xin được phê duyệt

Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu hình thành, phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh về tính mới, về chất lượng và giá thành dựa trên việc triển khai các lợi thế về nhân lực, tài nguyên, điều kiện tự nhiên của đất nước. Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đã phê duyệt 11 nhiệm vụ trong đó tập trung nghiên cứu, sản xuất phát triển vắc-xin. Theo đó, rất nhiều đề án về sản xuất vắc-xin phòng bệnh cho người đã được phê duyệt. Năm 2013, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Sản phẩm vắc-xin phòng bệnh cho người” gồm 12 dự án khoa học và công nghệ và 7 dự án đầu tư. Năm 2017 – 2018, Bộ tiếp tục phê duyệt bổ sung 3 dự án khoa học và công nghệ vào Đề án khung. Như vậy, đến nay có 22 dự án; trong đó có 15 dự án khoa học và công nghệ (đang triển khai 9 dự án) và 7 dự án đầu tư (chưa có kinh phí triển khai).

Trong số 9 dự án (với 11 nhiệm vụ) khoa học và công nghệ đang triển khai thực hiện có nhiều dự án đã đạt được kết quả bước đầu như: Dự án “Nghiên cứu phát triển sản phẩm vắc-xin viêm não Nhật Bản trên tế bào Vero”, “Nghiên cứu phát triển sản phẩm vắc-xin Hib cộng hợp”, “Nghiên cứu phát triển sản phẩm vắc-xin bại liệt bất hoạt”, “Nghiên cứu phát triển sản phẩm vắc-xin cúm mùa”…

Nhiều vắc-xin đã được đưa vào sử dụng

Cho đến nay, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu, phát triển vắc-xin phòng bệnh.  Nhiều loại vắc-xin của Việt Nam đã được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả làm thay đổi cơ bản cơ cấu bệnh tật; thanh toán được nhiều bệnh. Tại hội thảo “Triển vọng nghiên cứu phát triển vắc-xin phòng bệnh cho người tại Việt Nam” mới đây, theo Bộ Y tế cho biết, hiện Việt Nam đã sản xuất được 10 loại vắc-xin phòng bệnh lao, sởi, Rubella, rota, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi-Rubella…,  trong đó có 8 vắc-xin được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Thời gian vừa qua, Việt Nam cũng đã sản xuất thành công vắc-xin phức tạp Hib bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh về đường hô hấp, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Đây được coi là một loại vắc-xin phức tạp nhất, qua nhiều khâu tinh chế. Hiện vắc-xin này được chọn là một trong các sản phẩm nằm trong Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.

Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trong khu vực có khả năng sản xuất vắc-xin phòng bệnh cho người. Năm 2017, lần đầu tiên Việt Nam cũng đã sản xuất được vắc-xin 2 trong 1 trên dây chuyền công nghệ hiện đại, vắc-xin sởi – Rubella. Việt Nam trở thành một trong 25 quốc gia trên thế giới sản xuất được vaccin và là nước thứ tư tại châu Á sản xuất được vaccin phối hợp sởi – Rubella.

Năm 2018, loại vắc-xin MR kết hợp sởi – Rubella do Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc-xin và Sinh phẩm y tế (POLYVAC) Việt Nam sản xuất đã được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18-24 tháng tuổi trong tiêm chủng mở rộng, thay thế cho loại vaccin sởi – Rubella nhập khẩu.

Tiếp tục mở rộng nghiên cứu và sản xuất vắc-xin

Vắc-xin Quinvaxem 5 trong 1 trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở nước ta bị dừng đột ngột do Hàn Quốc ngừng sản xuất. Trước mắt, loại vắc-xin của Ấn Độ là ComBE Five được dùng thay thế Quinvaxem. Tuy nhiên, mới đây Bộ Y tế cho biết, 2 năm tới Việt Nam sẽ tự sản xuất được vắc-xin 5 trong 1 (vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan b và Hib) để dùng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Ngoài ra, trong năm 2018 và 2019, sẽ có thêm 3 loại là vắc-xin phòng cúm mùa, viêm não Nhật Bản tế bào và bại liệt bất hoạt “made in” Việt Nam được đưa vào sử dụng. Các loại vắc-xin này đang trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép lưu hành.

Thành công này sẽ góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu đề ra của Chính phủ là đến năm 2020, Việt Nam sẽ sản xuất được 12 loại vắc-xin và đến năm 2030 sẽ sản xuất được 14 loại để sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Ngày 25/10/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Trong đó nêu rõ: Nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất thuốc, vắc-xin. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất thuốc, vắc-xin, sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị dược phẩm trong khu vực và trên thế giới.

Theo Sức khỏe đời sống

Chia sẻ ngay