Cải cách tiền lương đồng thời tăng lương hưu từ 01/7/2024

Ngày 23/10/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Thủ tướng báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.

Theo đó, với dự kiến thu – chi ngân sách năm 2024, cùng với việc sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy của NSTW và các nguồn của ngân sách địa phương, dự kiến đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 01/7/2024.

Ngoài ra, Chính phủ cũng bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo kết luận của Trung ương; dành nguồn thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng được ngân sách đảm bảo; tăng chế độ ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội đảm bảo bù đắp một phần trượt giá và có tăng thêm…

Như vậy, theo thông tin trên thì cải cách tiền lương sẽ đồng thời với việc tăng lương hưu từ 01/7/2024.

Dự kiến thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024

Dự kiến từ ngày 01/7/2024, sẽ thực hiện cải cách tiền lương với cán bộ công chức viên chức.

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW, chính sách cải cách tiền lương sẽ điều chỉnh, thay đổi cơ cấu tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; người lao động trong doanh nghiệp.

Trong đó, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được thiết kế theo cơ cấu mới: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Đồng thời, hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo sẽ được xây dựng để thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới nhưng bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Tại Nghị quyết 27-NQ/TW cũng đặt mục tiêu của chính sách cải cách tiền lương đến năm 2025 là đảm bảo lương công chức thấp nhất phải cao hơn lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp và đến năm 2030 bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất trong khu vực doanh nghiệp.

Cải cách tiền lương có giúp lương hưu tăng lên không?

Theo mục tiêu cải cách tiền lương tại Nghị quyết 27-NQ/TW, khi thực hiện chính cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024 thì tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước sẽ tăng.

Điều này giúp mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của nhóm này cũng tăng theo.

Hiện nay, lương hưu được tính dựa trên số năm đóng BHXH và mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Do đó, nếu tăng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (đầu vào) thì lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước thuộc diện được tăng tiền lương (đầu ra) cũng sẽ tăng theo.

Còn với những người lao động làm việc tại doanh nghiệp ngoài khối nhà nước do không thuộc đối tượng được cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024, nên dự kiến chính sách tiền lương mới này sẽ không tác động đến lương hưu của nhóm đối tượng này.

Tuy nhiên, dự kiến lương tối thiểu vùng 2024 cũng sẽ được điều chỉnh nhưng hiện tại chưa xác định được thời điểm chính xác.

Theo những thông tin trên, xét trong trường hợp cải cách tiền lương 2024 làm tăng lương, đối tượng được tăng lương hưu gồm những người tham gia BHXH đáp ứng các điều kiện sau:

– Đủ điều kiện hưởng lương hưu;

– Người tham gia BHXH phải nghỉ hưu sau thời điểm cải cách tiền lương và đã có khoảng thời gian hưởng mức lương tăng trước đó.

Tỷ lệ hưởng lương hưu hiện nay

– Đối với trường hợp nghỉ hưu trước ngày 01/01/2018:

Nam: Tỉ lệ hưởng lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH – 15 năm) x 2%

Nữ: Tỉ lệ hưởng lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH – 15 năm) x 3%

– Đối với trường hợp nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018:

Nữ: Tỉ lệ hưởng lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH – 15 năm) x 2%

Nam:

+ Nghỉ hưu từ 01/01/2018: tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH – 16 năm) x 2%.

+ Nghỉ hưu từ 01/01/2019: tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH – 17 năm) x 2%.

+ Nghỉ hưu từ 01/01/2020: tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH – 18 năm) x 2%.

+ Nghỉ hưu từ 01/01/2021: tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH – 19 năm) x 2%.

+ Nghỉ hưu từ 01/01/2022: tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH – 20 năm) x 2%.

Tuy nhiên, tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ không vượt quá 75%.

Theo: Thuvienphapluat

Chia sẻ ngay