Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm cướp đi sinh mạng 850 000 người mỗi năm. Trầm cảm là nguyên nhân gây ra 2/3 các trường hợp tự sát. Trầm cảm là bệnh lý tâm thần ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại. Trầm cảm gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình. Hiểu được trầm cảm triệu chứng thế nào, trầm cảm biểu hiện ra sao sẽ giúp bản thân bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có hướng xử lý kịp thời.

Trầm cảm là gì?

Trầm cảm là chứng rối loạn tâm lý, khiến người bệnh luôn có cảm giác buồn bã, mệt mỏi, không có hứng thú. Cảm giác này kéo dài trong thời gian dài, ảnh hưởng đến sức khỏe, suy nghĩ và hành động của người bệnh.

Người bị trầm cảm khó có thể làm việc hoặc sinh hoạt bình thường với gia đình và bạn bè xung quanh, nghiêm trọng hơn là có các hành động làm tổn thương chính bản thân mình, thậm chí là tự tử.

Có nhiều dạng trầm cảm khác nhau như: trầm cảm sau khi chia tay, trầm cảm theo mùa, trầm cảm do stress, trầm cảm khi mang thai, trầm cảm sau sinh…

Nguyên nhân và dấu hiệu của trầm cảm - 3

Dấu hiệu của bệnh trầm cảm

Luôn buồn bã, chán nản: Đây là dấu hiệu đặc trưng của những người mắc bệnh trầm cảm. Họ thường xuyên tỏ ra mệt mỏi, buồn bã, than phiền về cuộc sống và có cảm giác trống rỗng, vô vọng, không thiết tha điều gì.

Tự cô lập bản thân: Người mắc bệnh trầm cảm thường có xu hướng thích ở một mình, không muốn tham gia vào các hoạt động xã hội hay các mối quan hệ, các hoạt động giao tiếp.

Mất năng lượng: Bệnh nhân thường cảm thấy không có sức lực để làm việc hay tham gia các hoạt động. Nhiều bệnh nhân nói rằng mình cảm thấy cạn kiệt sức lực, không muốn làm bất cứ điều gì.

Mất hứng thú: Bệnh nhân không còn cảm hứng với những hoạt động mình từng yêu thích.

Rối loạn giấc ngủ: Người mắc bệnh trầm cảm có thể ngủ nhiều hơn bình thường, luôn lờ đờ, mơ màng hoặc mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ, tỉnh giấc nhiều lần giữa đêm, kèm theo triệu chứng lo âu, bồn chồn.

Rối loạn ăn uống: Người bệnh có thể ăn rất nhiều, ăn không thấy no hoặc ăn không ngon miệng, chán ăn, bỏ ăn.

Rối loạn vận động: Cơ thể trở nên chậm chạp, mệt mỏi, trì trệ trong cả hoạt động, cử chỉ, lời nói và suy nghĩ. Người bệnh giao tiếp bằng giọng nói đều đều, mắt lơ đãng nhìn xa xăm. Nhiều người bệnh luôn lo âu, đi tới đi lui, không thể ngồi yên một chỗ.

Giảm tập trung: Người bị trầm cảm suy nghĩ chậm chạp hơn, có thể trở nên đãng trí, không thể tập trung làm bất cứ điều gì, kể cả việc đơn giản như xem tivi, đọc báo, đọc sách…

Mặc cảm: Người bệnh có xu hướng đánh giá thấp bản thân mình, mất tự tin, thường tự trách mình ngay cả khi chỉ mắc những lỗi nhỏ. Thậm chí người bệnh có thể hoang tưởng, tự nghĩ ra lỗi, tự buộc tội chính bản thân mình.

Có những suy nghĩ tiêu cực: Người bị bệnh trầm cảm thường xuyên có những suy nghĩ tiêu cực. Luôn cảm thấy chán nản, mệt mỏi, không tha thiết cuộc sống khiến họ có những suy nghĩ, hành động làm tổn thương bản thân, có ý nghĩ muốn tự tử và thậm chí lên kế hoạch tự tử.

tram-cam-trieu-chung-2
Người bệnh trầm cảm có xu hương tự làm tổn thương chính mình

Điều trị trầm cảm ở đâu?

Trầm cảm là một bệnh lý liên quan đến tâm trí và cơ thể, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Vì thế khi thấy các triệu chứng trầm cảm của chính mình hoặc bạn bè, người thân xung quanh, cần đi khám chuyên khoa sớm nhất để được điều trị bằng thuốc và các liệu pháp tâm lý phù hợp.

Ở Lào Cai, bạn có thể đến phòng khám Tâm thần kinh hoặc khoa Tâm thần Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai để được tư vấn và điều trị.

                      BSCKI Nguyễn Giang Nam – khoa Tâm thần

Chia sẻ ngay