Sỏi tiết niệu là những khối rắn xuất hiện trong đường tiết niệu, vì vậy bệnh còn được gọi là sỏi đường tiết niệu. Đa phần những viên sỏi này được hình thành tại thận, sau đó di chuyển theo dòng chảy nước tiểu đến các vị trí khác trên đường niệu như: Niệu quản , bàng quang , niệu đạo , Trong các bệnh lý sỏi tiết niệu thì chiếm phần lớn là sỏi thận với tỷ lệ mắc cao nhất là 40%.

Các loại sỏi tiết niệu được nhận biết theo cấu trúc hình thành

Sỏi tiết niệu được cấu thành từ những khoáng chất khó tan trong nước tiểu và được chia thành 4 dạng khác nhau bao gồm:

Sỏi canxi: Là loại sỏi phổ biến nhất, bao gồm sỏi canxi oxalat màu đen, canxi photphat màu vàng nhạt và canxi cacbonat có màu trắng…

Sỏi urat: Thường có màu gạch cua, tỉ lệ gặp ở nam giới cao hơn nữ giới, đặc biệt là những người bệnh gout hoặc đang hóa trị.

Sỏi struvite (sỏi san hô, sỏi nhiễm trùng): Có màu vàng trắng, thường gặp ở nữ giới mắc bệnh viêm tiết niệu.

Sỏi cystine: Loại sỏi này thường liên quan đến yếu tố di truyền, có màu vàng nhạt và xuất hiện ở cả nam giới và nữ giới. Đây là loại sỏi rất hiếm gặp nhưng hay tái phát.

Triệu chứng sỏi đường tiết niệu

Thường khi kích thước sỏi còn nhỏ, người bệnh sẽ chưa có bất cứ triệu chứng gì cho đến khi sỏi bắt đầu di chuyển theo dòng chảy nước tiểu, cọ xát vào niêm mạc đường tiết niệu và gây ra nhiều biểu hiện khó chịu gồm:

Đau thắt lưng: Là triệu chứng điển hình nhất ở người bệnh sỏi tiết niệu. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột sau vận động, đau dữ dội từ thắt lưng lan xuống vùng bẹn. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp người bệnh gặp cơn đau mạn tính do sỏi gây tắc nghẽn không hoàn toàn, với cảm giác đau tức, khó chịu vùng thắt lưng và mức độ đau tăng lên khi vận động. Triệu chứng này rất dễ nhầm với viêm đại tràng, trên thực tế nhiều bệnh nhân không đi khám mà ở nhà tự điều trị viêm đại tràng, dẫn dến việc không khỏi bệnh mà còn tăng mức độ nặng của bệnh thận.

Bất thường khi đi tiểu: Tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu són, đi tiểu nhiều lần, mót tiểu khẩn cấp. Thậm chí, người bệnh có thể đái ra máu, đái ra sỏi, đái ra mủ, nước tiểu đục, có váng, mùi hôi.

Một số biểu hiện khác: Sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi, đau đầu, buồn nôn, nôn…

Nguyên nhân gây sỏi tiết niệu

Mặc dù chưa có nghiên cứu rõ ràng chứng mình nguyên nhân hình thành sỏi tiết niệu. Nhưng nhiều nhà khoa học tin rằng, nồng độ các chất keo như acid nucleic, mucin, mucoprotein… trong nước tiểu giảm sẽ khiến cho các tinh thể canxi, oxalat, urat… có xu hướng kết tụ lại với nhau hình thành nên sỏi. Ngoài ra, còn một số yếu tố nguy cơ có thể thúc đẩy sỏi kết tinh gồm:

Uống quá ít nước hoặc mất nước thường xuyên do đổ mồ hôi nhiều, nhất là trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, nóng bức. Mồ hôi ra nhiều làm cho nước tiểu bị cô đặc dễ hình thành sỏi.

Độ tuổi: tỉ lệ mắc bệnh sỏi tiết niệu thường từ 20 – 50 tuổi. Tại bệnh viện tỉnh Lào Cai chúng tôi gặp những bệnh nhân bị mắc sỏi thận, sỏi Bàng Quang còn rất trẻ 4-10 tuổi.

Chủng tộc: người da trắng có nguy cơ cao hơn người châu phi.

Giới tính: nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới.

Tiền sử gia đình có người bị sỏi đường tiết niệu.

Chế độ ăn uống mất cân bằng: Ăn quá nhiều muối, đường, đạm và các thực phẩm giàu canxi…

Nghề nghiệp: người làm trong môi trường nắng nóng, công việc căng thẳng trí óc, ít vận động.

Tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu, chống co giật, kháng acid…

Các bệnh lý khác như dạ dày, viêm ruột, cận giáp, nhiễm khuẩn tiết niệu…

Cách chẩn đoán chính xác sỏi tiết niệu

Để chẩn đoán chính xác bạn có mắc sỏi đường tiết niệu, ngoài việc dựa trên triệu chứng người bệnh gặp phải, bác sỹ có thể thực hiện một số xét nghiệm sau:

Xét nghiệm máu: Định lượng nồng độ canxi, phốt pho, acid uric và các chất điện giải…

Xét nghiệm urê máu và creatinin: Đánh giá chức năng thận.

Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra các tinh thể, tế bào máu, vi khuẩn.

Siêu âm ổ bụng, chụp X quang, chụp CTscanner vùng thận và bụng.

Sỏi tiết niệu có nguy hiểm không?

Mặc dù có thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nếu không sớm được phát hiện, điều trị đúng cách, sỏi tiết niệu có thể tăng lên về kích thước, số lượng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Ứ nước tại thận và giãn đài bể thận: Sỏi gây tắc nghẽn đường tiết niệu khiến nước tiểu ứ đọng tại thận gây giãn đài bể thận, nếu không xử trí sớm sẽ dẫn tới suy giảm chức năng của thận.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Sỏi di chuyển gây rách, xước niêm mạc đường tiết niệu và tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây viêm. Nếu kết hợp cùng ứ niệu có thể gây hoại tử thận, ứ mủ tại thận, nặng hơn là nhiễm khuẩn huyết và có thể tử vong

Viêm khe thận mạn tính: Sỏi tiết niệu mắc vào các khe thận, tại đây chúng có thể gây viêm và kéo theo hệ quả là gây xơ hóa thận, tăng huyết áp.

Suy thận: Đây là biến chứng nặng nề nhất, có thể là suy thận cấp tính hoặc mạn tính.

Vỡ thận: vách thận rất mỏng nên nếu bị ứ nước quá lâu, nhiễm trùng nghiêm trọng  khiến thận bị sưng viêm có thể gây vỡ thận đột ngột và có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Các phương pháp điều trị sỏi tiết niệu phổ biến hiện nay

Điều trị nội khoa: điều trị sỏi tiết niệu bằng thuốc

Thuốc tây:  là lựa chọn ưu tiên khi sỏi tiết niệu kích thước nhỏ, chức năng thận tốt hoặc người bệnh không thể thực hiện phẫu thuật. Các nhóm thuốc thường được sử dụng bao gồm:thuốc giãn cơ trơn, kháng sinh, giảm đau, thuốc làm tan sỏi tiết niệu,… giúp người bệnh cải thiện triệu chứng, giảm co thắt đường niệu và đào thải sỏi ra ngoài.

Thuốc nam: chỉ nên điều trị với sỏi có kích thước nhỏ, chưa có biến chứng, điều trị thuốc sỏi đường niệu bằng thuốc nam nên đến cơ sở y tế có uy tín và được cấp giấy phép ( Bệnh viện Y học Cổ Truyền, khoa Y học cổ truyền…)

Nguyên tắc chung của điều trị nội khoa:

Lợi tiểu, tăng lượng nước tiểu giúp bào mòn sỏi nhanh chóng.

Giảm đau, giãn cơ trơn giúp viên sỏi dễ dàng được đào thải ra ngoài theo đường nước tiểu.

Chống viêm tốt, kháng khuẩn mạnh, nhờ đó ngăn chặn biến chứng viêm, nhiễm khuẩn có thể xảy ra.

Điều chỉnh nồng độ pH nước tiểu, giúp kiểm soát nồng độ chất khoáng như canxi, oxalat, urat, natri… ngăn ngừa hình thành sỏi mới, hạn chế tái phát sỏi.

Điều trị sỏi tiết niệu bằng phẫu thuật

Hầu hết mọi người khi mới phát hiện sỏi đều mong muốn tìm ra một phương pháp điều trị đơn giản, giúp bài trừ sỏi an toàn mà không gây đau đớn, thực tế đã có nhiều bệnh nhân bị sỏi đường niệu với kích thước lớn nhưng vẫn kiên trì điều trị thuốc Nam của những cơ sở y tế không được cấp phép hoặc điều trị bằng thuốc nam mà mọi người truyền miệng, dẫn đến hậu quả đáng tiếc là suy chức năng thận thậm trí phải phẫu thuật cắt bỏ quả thận có sỏi

Trong trường hợp sỏi kích thước lớn chỉ có phương pháp điều trị can thiệp là giải pháp cần thiết để loại bỏ sỏi.  

 Tán sỏi ngoài cơ thể – ESWL: là phương pháp sử dụng năng lượng thủy lực điện trường phá vỡ viên sỏi giúp chúng dễ dàng đước tống ra ngoài.

– Tán sỏi nội soi ngược dòng – URS: Sử dụng một ống thông từ niệu đạo đến vị trí của viên sỏi, sau đó dùng năng lượng từ laser để tán nhỏ sỏi rồi hút ra ngoài.

– Tán sỏi qua da: Một máy nội soi được đưa qua đường hầm nhỏ từ da vào trong thận và thực hiện tán sỏi, sau đó hút sỏi ra ngoài . Đây là phương pháp có hiệu quả sạch sỏi cao, an toàn, không đau đớn, thời gian nằm viện ngắn. Đây là phương pháp điều trị sỏi thận có chỉ định ca thiệp phổ biến nhất được áp dụng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai.

– Mổ nội soi sau phúc mạc: Được áp dụng khi người bệnh không đáp ứng các phương pháp trên hoặc không đủ điều kiện để thực hiện những biện pháp ít xâm lấn khác.

– Mổ mở lấy sỏi: Là giải pháp khi sỏi kích thước lớn ( phương pháp này ít áp dụng hiện nay)

Phòng chống sỏi tiết niệu bằng cách nào?

Uống nhiều nước: Ít nhất 1.5 – 2 lít nước/ngày, có thể thay thế bằng nước ép hoa quả (cam, chanh, bưởi, việt quất,…), nước canh,…Ăn nhạt hơn: Lượng muối không quá 2.3g/ngày. Bởi lẽ, natri trong muối ăn có thể làm tăng nồng độ canxi trong nước tiểu, từ đó làm tăng nguy cơ hình thành sỏi. Cân bằng thực phẩm chứa canxi và oxalate: Bổ sung khoảng từ 800 – 1300mg mỗi ngày, kết hợp cùng thực phẩm giàu oxalte như khoai tây chiên, lạc, sô cô la, củ cải, rau chân vịt…Tăng cường rau xanh: Giúp bổ sung chất xơ tăng cường chức năng hệ tiêu hóa nhờ đó giảm nguy cơ hấp thu các chất gây sỏi tiết niệu. Cắt giảm các loại thịt hoặc thực phẩm chứa nhiều đạm động vật để giảm lượng purin gây ra sỏi. Tăng cường vận động, tránh ngồi lâu 1 chỗ, không nên nhịn tiểu và hạn chế làm việc trong môi trường nóng bức.

Qua bài viết trên, chắc hẳn các bạn có thể hiểu rõ sỏi tiết niệu là gì?  cách phòng tránh bệnh hiệu quả , cách điều trị sỏi đường tiết niệu hiện nay.

Khi bạn hoặc người thân bị sỏi Tiết Niệu hãy khám và tư vấn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai. Hãy liên hệ cho chúng tôi để được tư vấn miễn phí: 

Nguyễn Văn Hải – SĐT: 0912.441.139 

ThS. Tô Minh Hùng – SĐT: 0964.840.888  facebook: Tominhhung;  Zalo:0964.840.888

Gmail: hungchngoai17@gmail.com

Khám tại phòng khám 103 Khoa Khám bệnh bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai hoặc Khoa Ngoại Tiết Niệu: tầng 5 nhà B1 Bệnh Viện Đa Khoa tỉnh Lào Cai.

Chia sẻ ngay