Bệnh ung thư là căn bệnh khiến bệnh nhân phải trải qua những cơn đau đớn về thể chất. Vì vậy, bệnh nhân ung thư rất cần đến những loại thuốc giúp kiểm soát cơn đau lên cơ thể. Mặt khác, việc kiểm soát và điều trị đau do ung thư cũng là vấn đề được chú trọng trong y học.

1. Lợi ích của thuốc điều trị đau do ung thư

Bất cứ lúc nào người bệnh bị đau, dù là đau trực tiếp do bệnh ung thư hay do tác dụng phụ của việc điều trị, người bệnh cũng cần báo cáo ngay cho bác sĩ, đừng cố gắng chịu đựng cơn đau do ung thư gây ra. Việc kiểm soát cơn đau trong giai đoạn đầu của bệnh ung thư thường sẽ dễ dàng hơn. Càng về giai đoạn cuối, cơn đau sẽ dữ dội hơn, thường sẽ mất nhiều thời gian và thuốc hơn để kiểm soát.

Đối với hầu hết bệnh nhân, những loại thuốc điều trị đau do ung thư rất có ích, thuốc giúp người bệnh có thể ngủ và ăn tốt hơn, dễ dàng thực hiện các hoạt động hàng ngày, công việc và sở thích cá nhân.

2. Các loại thuốc giảm đau dùng để điều trị đau do ung thư

2.1. Các thuốc giảm đau thông dụng

Các thuốc giảm đau thông thường có thể đủ để kiểm soát cơn đau nhẹ đến trung bình, bao gồm:

  • Acetaminophen (hay còn gọi là paracetamol): với liều lượng bình thường, loại thuốc này thường an toàn cho mọi người. Tuy nhiên, khi sử dụng với liều lượng lớn để điều trị đau do ung thư, dùng trong thời gian dài có thể dẫn đến tổn thương gan hoặc thận. Uống acetaminophen cùng với rượu cũng có thể gây hại cho gan. Nếu bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh gan, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng acetaminophen để giảm đau.
  • NSAIDS (thuốc chống viêm không steroid) như aspirin, ibuprofen và naproxen…: những loại thuốc này có tác dụng kháng viêm và giảm đau, có thể sử dụng để điều trị đau do ung thư mức độ nhẹ đến vừa. Các tác dụng phụ có thể bao gồm các vấn đề về dạ dày và loét, đặc biệt nếu bệnh nhân uống rượu hoặc hút thuốc. Về lâu dài, NSAID có thể làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.

Kiểm tra cẩn thận tình trạng của bệnh nhân với bác sĩ trước khi dùng thuốc giảm đau. Thảo luận về các loại thuốc và phương pháp điều trị khác mà bệnh nhân đang sử dụng. Những điều này đặc biệt quan trọng nếu bệnh nhân mắc các bệnh lý khác (như các vấn đề về thận). Sử dụng NSAIDS có thể làm xấu đi mức độ hoạt động của thận nếu bệnh nhân đang bị bệnh thận tiến triển.

Description: NSAIDs
NSAIDS là một trong nhóm thuốc điều trị đau do ung thư

2.2. Thuốc giảm đau Opioid

Đối với những cơn đau vừa đến nặng, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc gây nghiện để giảm đau do ung thư. Bệnh nhân cũng có thể tự uống hoặc kết hợp với các loại thuốc giảm đau thông dụng khác. Các thuốc Opioid cũng có mức độ giảm đau khác nhau, có thể yếu hoặc mạnh, bao gồm:

  • Opioid yếu (như codeine).
  • Opioid mạnh (như fentanyl, hydromorphone, methadone, morphine, oxycodone, oxymorphone…)

Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc giảm đau opioid trong điều trị ung thư bao gồm:

  • Táo bón;
  • Buồn ngủ;
  • Bụng khó chịu, buồn nôn và nôn.

Nếu bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy nói với bác sĩ ngay vì có thể bệnh nhân cần được thay đổi loại thuốc khác hoặc thay đổi liều lượng. Bác sĩ cũng có thể kê một loại thuốc khác để giảm tác dụng phụ cho người bệnh, chẳng hạn như thuốc chống buồn nôn.

2.3. Các loại thuốc kê toa khác

Bên cạnh các loại thuốc điều trị đau do ung thư kể trên, các bác sĩ có thể kê một số loại thuốc khác nhau để giảm bớt cơn đau do ung thư, các loại thuốc này thường được kết hợp với một loại thuốc opioid, giúp những loại thuốc đó hoạt động tốt hơn hoặc giảm bớt tác dụng phụ, bao gồm:

  • Thuốc chống động kinh: những loại thuốc này có thể làm giảm cảm giác ngứa ran và bỏng rát do đau dây thần kinh.
  • Thuốc chống trầm cảm: những loại thuốc trầm cảm còn có tác dụng điều trị đau dây thần kinh.
  • Steroid: những loại thuốc này có tác dụng làm giảm viêm, thường được sử dụng cho tủy sống, khối u não và đau xương.
  • Cần sa dùng trong y tế: Ở một số bang ở Hoa Kỳ, việc kê đơn cần sa để giảm đau do ung thư là hợp pháp. Nghiên cứu cho thấy rằng cần sa có thể giúp giảm đau và đã được chứng minh là giúp giảm đau dây thần kinh hiệu quả. Các phiên bản nhân tạo của các hợp chất cần sa cũng được bào chế dạng sẵn dùng theo đơn của bác sĩ, như Dronabinol và Nabilone được dùng dưới dạng thuốc viên.
Description: Kê đơn thuốc 1
Người bệnh cần sử dụng thuốc điều trị đau do ung thư theo chỉ định

3. Các dạng bào chế của thuốc điều trị đau do ung thư

Những loại thuốc điều trị đau do ung thư có nhiều dạng bào chế khác nhau, bao gồm:

  • Thuốc viên, viên con nhộng hoặc ở dạng chất lỏng: bệnh nhân có thể dùng những loại thuốc này bằng đường uống hoặc có thể ở dạng viên ngậm hoặc thuốc xịt miệng.
  • Thuốc đạn: Thuốc dạng viên nén và viên nang được đặt trong trực tràng.
  • Thuốc tiêm dưới da: Thuốc được tiêm ngay dưới da hoặc tiêm xung quanh cột sống.
  • Miếng dán ngoài da: Những miếng dán này có tác dụng giải phóng thuốc từ từ qua da.
  • Thuốc tiêm tĩnh mạch: Thuốc được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch của người bệnh, thuốc có thể được kết hợp với một máy bơm thuốc tự động, hoặc thuốc giảm đau do bệnh nhân kiểm soát (PCA) – thiết bị mà bệnh nhân có thể nhấn nút để lấy một liều lượng theo quy định khi đau.

4. Nguy cơ gây nghiện của các thuốc điều trị đau do ung thư

Nhiều người lo lắng rằng họ có thể bị nghiện các loại thuốc giảm đau, đặc biệt là thuốc giảm đau opioid. Tuy nhiên, nguy cơ nghiện này cần được cân nhắc với mức độ nghiêm trọng của cơn đau do ung thư và ảnh hưởng của nó đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Một số loại thuốc có thể khiến bệnh nhân cảm thấy buồn ngủ lúc đầu, nhưng hiệu ứng này thường biến mất sau một vài ngày.

5. Sử dụng thuốc giảm đau do ung thư một cách an toàn

Hãy cho bác sĩ biết nếu bệnh nhân hoặc bất kỳ thân nhân nào trong gia đình bị nghiện khi sử dụng các thuốc điều trị đau do ung thư. Theo đó, cần dùng liều thuốc điều trị đau do ung thư thường xuyên theo đúng chỉ định. Đừng chờ đợi cho đến khi cơn đau trở nên nghiêm trọng mới sử dụng thuốc vì cách tốt nhất để kiểm soát cơn đau là điều trị sớm.

Nói chuyện với bác sĩ nếu thuốc điều trị đau do ung thư mà bệnh nhân đang sử dụng không hiệu quả. Theo thời gian, người bệnh có thể thấy liều thông thường của thuốc giảm đau đã không mang lại hiệu quả giảm đau như cũ. Khi đó bệnh nhân có thể cần liều cao hơn hoặc phải sử dụng các loại thuốc khác, đừng tự ý gia tăng số lượng thuốc mà người bệnh đang dùng.

Ds. Đỗ Mạnh Thắng – Khoa Dược

Nguồn tham khảo: webmd.com

Nguồn sưu tầm: Bệnh viện đa khoa Vinmec 

Chia sẻ ngay