Tiêu chảy được định nghĩa là tình trạng người bệnh đi phân lỏng hoặc phân nước từ 3 lần/ngày trở lên. Nguyên nhân của tiêu chảy cấp được chia thành 4 nguyên nhân do: vi khuân, virus, ký sinh trùng và nhóm nguyên nhân không do nhiễm khuẩn. Trong một số trường hợp, tiêu chảy là phản ứng bảo vệ cơ thể, giúp đào thải vi khuẩn và các chất độc gây tình trạng tiêu chảy. Nếu tiêu chảy có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như mất nước, rối loạn điện giải, suy dinh dưỡng thậm chí tử vong. Vì vây các thuốc cầm tiêu chảy là một giải pháp hữu hiệu, trong đó có Loperamid.

Loperamid hoạt động như thế nào?

Loperamid là một opiat tổng hợp, ở liều bình thường có rất ít tác dụng trên hệ thần kinh trung ương. Loperamid có tác dụng làm giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch ở đường tiêu hóa và tăng trương lực cơ co thắt ở hậu môn. Ngoài ra, Loperamid còn có tác dụng làm kéo dài thời gian vận chuyển thức ăn qua ruột, tăng vận chuyển dịch và chất điện giải qua niêm mạc ruột, do đó làm giảm hiện tượng mất nước và điện giải, tăng độ đặc và giảm khối lượng phân.

Dùng Loperamid khi nào ?

Loperamid được dùng để kiểm soát các triệu chứng trong các trường hợp tiêu chảy cấp và tiêu chảy mạn tính, đây là chỉ định chính của Loperamid. Đồng thời thuốc cũng làm giảm thể tích chất thải sau thủ thuật mở thông hồi tràng, đại tràng. Ngoài ra Loperamid còn dùng trong són phân ở người lớn.

Chú ý: Loperamid chỉ dùng để giảm các triệu chứng của tiêu chảy, không có tác dụng trong việc điều trị nguyên nhân gây ra tiêu chảy do nhiễm trùng và không thể thay thế các liệu pháp bù nước và điện giải.

Khi nào không được dùng Loperamid ?

Loperamid chống chỉ định trong các trường hợp như:

Mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc;

Táo bón;

Cần tránh việc ức chế nhu động ruột;

Tổn thương gan (nếu sử dụng sẽ dẫn đến quá liều do thuốc tích lũy);

Viêm đại tràng nặng, viêm đại tràng giả mạc;

Hội chứng lỵ, bụng chướng;

Đau bụng nhưng không tiêu chảy;

Trẻ em dưới 6 tuổi.

Liều dùng và cách dùng thuốc Loperamid:

Cách dùng: Thuốc Loperamid được uống sau mỗi lần bị tiêu chảy

Người lớn

Tiêu chảy cấp: Liều khởi đầu 4mg, sau đó mỗi lần đi lỏng tiếp tục uống 2 mg. Liều thông thường: 6-8 mg/ngày, tối đa: 16 mg/ngày. Nếu tự điều trị không được uống quá 8 mg/ngày. Ngừng thuốc nếu ỉa chảy cấp không đỡ sau 48 giờ điều trị.

Tiêu chảy mạn: liều khởi đầu 4mg, sau đó mỗi lần đi lỏng tiếp tục uống 2 mg cho tới khi cầm tiêu chảy. Liều duy trì 4 – 8 mg/ngày chia thành 2 lần uống, tối đa 16 mg/ngày. Nếu tình trạng không đỡ sau khi đã uống liều tối đa 16mg trong vòng 10 ngày, lúc này các triệu chứng sẽ không đảm bảo được kiểm soát nếu dùng thêm Loperamid.

Trẻ em

Không khuyến cáo dùng Loperamid quá thường xuyên cho trẻ em bị tiêu chảy cấp. Loperamid không được khuyến cáo dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Tiêu chảy cấp:

Trẻ từ 6 – 8 tuổi (20 – 30 kg): 2mg/lần, 2 lần/ngày.

Trẻ từ 8 – 12 tuổi (trên 30 kg): 2mg/lần, 3 lần/ngày.

Trên 12 tuổi: Liều như người lớn.

Ngừng thuốc nếu tiêu chảy cấp không đỡ sau 48 giờ điều trị.

Tiêu chảy mạn: Trẻ từ 6 – 12 tuổi dùng liều 0,08-0,24 mg/kg/ngày, chia 2 hoặc 3 liều.

Thận trong khi dùng thuốc Loperamid trong cầm tiêu chảy

Loperamid chỉ là thuốc điều trị triệu chứng của bệnh tiêu chảy, muốn điều trị triệt để phải điều trị được nguyên nhân. Loperamid được bác sĩ chỉ đinh cầm tiêu chảy sau khi biết rõ nguyên nhân và sử dụng các thuốc điều trị thích hợp. Đối với trường hợp tiêu chảy nhiễm trùng (thường kèm sốt), khi chưa xác định được vi khuẩn gây tiêu chảy hoặc chưa sử dụng kháng sinh để điều trị ổ nhiễm trùng, người bệnh không được tự ý sử dụng Loperamid. Tiêu chảy là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể, việc dùng thuốc cầm tiêu chảy khi chưa giải quyết ổ nhiễm trùng sẽ làm chất độc và vi khuẩn bị tích tụ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đồng thời làm gia tăng tình trạng trầm trọng của bệnh.

Ở nhiều bệnh nhân viêm đại tràng cấp tính, viêm đại tràng giả mạc, việc sử dụng thuốc ức chế nhu động ruột hay thuốc làm chậm thời gian lưu chuyển qua ruột gây chứng phình đại tràng nhiễm độc, vì vậy cần phải ngưng ngay thuốc Loperamid khi xảy ra hiện tượng trướng bụng, táo bón hoặc liêt ruột.

Khi có dấu hiệu mất nước do tiêu chảy, việc bù nước và chất điện giải là vô cùng quan trọng, nếu không cải thiện trong vòng 48 giờ, bệnh nhân không nên dùng tiếp Loperamid mà phải xem xét lại nguyên nhân nào gây ra tiêu chảy.

Loperamid cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.

Sử dụng quá liều Loperamid có thể dẫn đến liệt ruột ức chế hô hấp và hệ thần kinh trung ương, gây co cứng bụng, táo bón, kích thích đường tiêu hóa, buồn nôn và nôn. Tình trạng này thường xảy ra khi liều dùng Loperamid hàng ngày lên đến 60mg Loperamid. Theo dõi các dấu hiệu suy giảm thần kinh trung ương, tiêm tĩnh mạch 2 mg naloxone (0,01 mg/kg ở trẻ em), có thể dùng nhắc lại nếu cần, tổng liều có thể tới 10 mg.

Tài liệu tham khảo:

Dược thư Quốc gia Việt Nam năm 2015 (tái bản lần 2)

DS. Hoàng Anh Ninh – Khoa Dược BVĐK tỉnh

Chia sẻ ngay