Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Lào Cai, ngay từ khi còn là học sinh cấp 2 chứng kiến cảnh người thân trong gia đình bị bệnh nặng phải chuyển tuyến về Trung ương. Lào Cai khi đó chưa có đường cao tốc, mất gần một ngày trời trên con đường quanh co gập ghềnh và bệnh nhân đã không có cơ hội để cứu chữa kịp thời, kỷ niệm buồn ấy thôi thúc anh Nguyễn Văn Quân có ý nghĩ nhất định sẽ trở thành một bác sĩ để cứu chữa cho bệnh nhân ngay tại mảnh đất quê hương mình.Và điều đó đã trở thành hiện thực với sự nỗ lực không ngừng của anh.
Năm 2010, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên, bác sĩ Nguyễn Văn Quân được phân công công tác tại khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai. Sau đó, anh được bệnh viện cử đi học bác sỹ chuyên khoa I chuyên ngành Ung bướu và nhận công tác tại khoa Ung bướu từ tháng 10 năm 2019.
Đặc thù của khoa là các bệnh nhân đa số thường trong tình trạng nặng sự sống vô cùng mong manh, chi phí chữa bệnh làm họ khánh kiệt, nhiều bệnh nhân có tư tưởng buông xuôi mặc cho số phận. Bên cạnh đó phần lớn bệnh nhân là dân tộc thiểu số, rất ít người biết tiếng phổ thông nên việc tư vấn để bệnh nhân hợp tác trong quá trình điều trị gặp không ít khó khăn. Thế nhưng bằng sự tận tâm thấu hiểu và đồng cảm, anh đã kiên trì động viên người bệnh, điều anh nhận ra đó là đối với bệnh nhân ung thư không phải là cố công chạy chữa bằng những liều thuốc đắt đỏ mà điều họ cần nhất là sự quan tâm động viên nâng đỡ về tinh thần, tiếp thêm nghị lực, niềm tin vào cuộc sống. Sau những giây phút căng thẳng tập trung với những ca mổ phức tạp, bất kể có chút thời gian nghỉ ngơi nào anh đều dành cho việc hỏi thăm người bệnh để kịp thời nắm bắt những diễn biến về tình trạng bệnh cũng như tâm lý bệnh nhân.
Bệnh nhân Vàng Phù Si (Tả Gia – Mường khương), ốm đã lâu nhưng khi bệnh trở nặng ông mới đến bệnh viện điều trị, phần vì đường xá xa xôi phần vì mặc cảm không nói được nhiều tiếng kinh làm ông lo lắng trong việc giao tiếp với bác sĩ. Qua thăm khám bác sĩ Quân đã giải thích, động viên kịp thời để ông yên tâm hợp tác điều trị. Một tuần sau phẫu thuật ung thư dạ dày ông đã hồng hào tươi tỉnh hơn, khi bác sĩ Quân tới hỏi thăm ông nắm chặt tay bác sỹ Quân với ánh mắt rưng rưng “Cảm ơn bác sĩ nhiều lắm!”
Cũng như bệnh nhân Si, bà Giàng Seo Pao một bệnh nhân người H’mông, ung thư vú mặc dù không nói được tiếng Kinh nhưng qua ánh mắt và cử chỉ tôi đọc được sự xúc động trước sự ân cần của bác sỹ Quân dành cho bà. Con trai bà nói: “mẹ em muốn nói cảm ơn bác sĩ đã giúp bà bớt đau. Em thấy bệnh viện đổi mới rất nhiều, nhất là phong cách phục vụ, các bác sỹ ở đây rất ân cần, gần gũi, giải thích tình trạng bệnh tật rõ ràng làm cho em và các bệnh nhân ở đây rất yên tâm và tin tưởng”
Bác sĩ Quân tâm sự rằng, là bác sĩ giỏi chuyên môn thôi chưa đủ mà cần lắn sự thấu hiểu đồng cảm, điều này quan trọng lắm nhất là với bệnh nhân ung thư, biết mình mắc bệnh trọng đa số bệnh nhân suy sụp rất nhanh, lúc này họ cần lắm sự động viên an ủi, người bệnh có niềm tin thì mới phối hợp tốt với thầy thuốc, việc điều trị mới có hiệu quả. Bệnh nhân ung thư đa số là bệnh nhân nghèo càng cần phải được quan tâm nhiều hơn bởi vì sự mặc cảm của họ là rất lớn, rất nhiều người rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Thấu hiểu người bệnh cũng là cách để bác sĩ Quân thấy yêu và trân trọng nghề của mình hơn, bệnh nhân của khoa Ung Bướu có rất nhiều người là đồng bào dân tộc thiểu số việc giao tiếp bằng ngôn ngữ đôi khi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng tôi nghĩ sẽ không còn là trở ngại khi mình thấu hiểu người khác bằng hành động từ trái tim người thầy thuốc.
Không chỉ tận tâm với người bệnh, bác sĩ Quân còn rất chan hòa với dồng nghiệp, nhắc đến bác sĩ Quân, điều dưỡng Bùi Ngọc Ánh tâm sự: “Bệnh nhân khoa Ung bướu hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều người không biết tiếng kinh do đó chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải thích tư vấn để bệnh nhân phối hợp điều trị. Làm việc cùng bác sĩ Quân chúng tôi học được từ anh rất nhiều kỹ năng nhất là trong giao tiếp, để tư vấn cho người bệnh anh luôn dùng những hình ảnh trực quan liên quan đến cuộc sống hàng ngày để minh họa nên bệnh nhân hiểu và rất yên tâm, bác sĩ Quân cũng rất quan tâm tới đồng nghiệp, có khó khăn gì anh đều cùng phối hợp để giải quyết rất kịp thời.”
Nói về bác sĩ Quân, ThS. Phạm Văn Thinh – Giám đốc bệnh viện nhận xét: “Nguyễn Văn Quân là một bác sĩ có tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ, nhưng đã khẳng định được mình là một người thầy thuốc có chuyên môn vững, chịu khó học hỏi để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, tận tụy với công việc và nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với người bệnh và được Ban lãnh đạo bệnh viện rất tin tưởng”.
Chia tay bác sĩ Quân, tôi nhớ mãi câu nói mộc mạc mà chân thành: “Là bác sĩ không chỉ giỏi chuyên môn mà cần thấu hiểu bệnh nhân bằng những hành động từ trái tim người thầy thuốc”. Chúc cho bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Quân và các đồng nghiệp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai luôn yêu ngành yêu nghề, xứng đáng với lời Bác Hồ đã dạy “Lương y như từ mẫu”.
ThS. Vũ Thị Kim Việt
Tổ trưởng Tổ QLCL