Suckhoedoisong.vn – Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm phổ biến, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tử vong do các biến chứng của bệnh.

Vậy khi nào cần phải dùng thuốc điều trị? Có những thuốc nào đang được dùng hiện nay?

Mục tiêu của điều trị là phải ức chế được sự phát triển của virut, làm giảm nồng độ virut trong máu, giảm các triệu chứng của bệnh, hạ men gan và điều quan trọng là phải ngăn chặn nguy cơ dẫn đến biến chứng xơ gan, ung thư gan


Viêm gan B là bệnh khá phổ biến trong cộng đồng.

Các thuốc điều trị

Hiện nay, thuốc điều trị bệnh gồm 2 nhóm chính là thuốc kháng virut viêm gan b và thuốc ức chế miễn dịch.

Thuốc kháng virut viêm gan B

Có tác dụng tiêu diệt virut đang sinh trưởng và phát triển trong cơ thể, gồm:

– Lamivudin: Thời gian đạt được mục tiêu điều trị khá dài và lệ thuộc vào từng người, ít nhất là 1 năm, trung bình 2 năm, có khi kéo dài tới 3 năm. Trước năm 2000, lamivudin được xem là thuốc đầu tay do giá thành rẻ và tính tiện dụng khi được sử dụng bằng đường uống. Nhưng hiện nay, lamivudin không được ưa dùng nhiều như trước do tỷ lệ đề kháng lên tới 70%.

– Adefovir, entecavir: Thời gian đạt được mục tiêu điều trị ngắn hơn lamivudin. Tỷ lệ kháng thuốc thấp hơn lamivudin và có hiệu quả với những người bệnh đã kháng với lamivudin.

– Tenofovir: Là thuốc được sử dụng phổ biến hiện nay, được phê duyệt để sử dụng tại Hoa Kỳ vào năm 2001. Qua các nghiên cứu cho thấy tenofovir tốt hơn các thuốc trước đó cả về mức đạt được hiệu quả và chưa bị kháng thuốc. Tuy nhiên, tenofovir có thể đề kháng chéo với những người đã đề kháng với lamivudin.

Các thuốc kháng virut viêm gan B thường được chỉ định uống 1 lần/ngày và đạt hiệu quả cao nhất khi nồng độ thuốc trong cơ thể được giữ ở mức ổn định. Vì vậy, cần uống các thuốc này vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Sự hấp thu của thuốc không bị ảnh hưởng bởi thức ăn nên có thể uống thuốc trước hoặc sau ăn.

Thuốc ức chế miễn dịch

Thuốc có tác dụng ức chế khả năng đề kháng của virut, bổ trợ cho quá trình tiêu diệt và loại bỏ virut viêm gan B, thường dùng interferon (INF). Thuốc có hiệu năng tăng cường khả năng miễn dịch, ngoài ra còn kháng virut. Tuy nhiên, thuốc bị thủy phân ở đường tiêu hóa nên chỉ dùng đường tiêm.  Khi dùng, một số người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ như sốt, rụng tóc, mệt mỏi, tiêu chảy… Thêm vào đó, giá thành của thuốc khá cao, lại phải dùng lâu dài nên nhiều trường hợp bệnh nhân không có điều kiện để sử dụng. Vì thế, thuốc tuy rất tốt nhưng ít người bệnh lựa chọn. Thuốc được sử dụng tốt nhất vào buổi tối trước khi đi ngủ để giảm tác dụng phụ.

Các điều trị hỗ trợ

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, bệnh nhân nên có chế độ ăn uống luyện tập hợp lý như kiêng rượu bia, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh lao động nặng; hạn chế các loại thức ăn khó tiêu hóa, nhiều dầu mỡ, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả có nhiều vitamin C, vitamin E. Đồng thời cần hạn chế tối đa sử dụng thuốc chuyển hóa tại gan và có thể sử dụng các thuốc bổ trợ gan nếu cần.

Một số lưu ý

Đối với phụ nữ mang thai phát hiện mắc viêm gan virut B mạn:

Nếu có thể trì hoãn điều trị thì trì hoãn và theo dõi sát triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm.

Nếu phải điều trị, ưu tiên dùng tenofovir, trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể dùng thuốc tenofovir hoặc lamivudin.

Đối với phụ nữ đang điều trị viêm gan virut B mạn tính muốn có thai: Nếu đang dùng entefovir thì ngừng entefovir trước khi có thai 2 tháng và chuyển sang dùng tenofovir.

Viêm gan B là bệnh khá phổ biến trong cộng đồng hiện nay với sự lây nhiễm qua đường máu, cũng như qua đường tình dục. Vì vậy cần tiêm vắc-xin viêm gan virut B cho tất cả trẻ em trong vòng 24h sau sinh và các mũi tiếp theo như khuyến cáo của chương trình tiêm chủng mở rộng; tiêm vắc-xin viêm gan virut B cho các đối tượng chưa bị nhiễm HBV. Mặt khác, khi có các biểu hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, cần đi khám để chẩn đoán xác định bệnh sớm nhằm định hướng điều trị thích hợp, có hay không có dùng thuốc nhằm chủ động ngăn ngừa nguy cơ biến chứng dẫn đến tình trạng xơ gan và ung thư gan.

Khi nào cần dùng thuốc?

Viêm gan B có thể diễn biến cấp tính, trong đó hơn 90% số trường hợp khỏi hoàn toàn, gần 10% chuyển sang viêm gan mạn tính và hậu quả cuối cùng là xơ gan hoặc ung thư gan. Viêm gan B gồm 2 thể là thể cấp tính và thể mạn tính:

Đối với người bệnh viêm gan B cấp tính, bệnh sẽ tự khỏi và việc điều trị bằng thuốc là không cần thiết.

Đối với người bệnh viêm gan B mạn tính, việc chỉ định điều trị được thực hiện khi có đầy đủ các yếu tố tùy theo từng trường hợp.

Trường hợp 1, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm:

– HBeAg dương tính, định lượng HBV-DNA trên 105 copies/ml hoặc HBeAg âm tính, định lượng HBV-DNA trên 104 copies/ml.

– Men gan (chỉ số ALT) cao gấp 2 lần bình thường kèm theo các triệu chứng lâm sàng như chán ăn, mệt mỏi, vàng da, rối loạn tiêu hóa, đau tức vùng gan…

Trường hợp 2, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm:

– HBeAg dương tính, định lượng HBV-DNA trên 105 copies/ml hoặc HBeAg âm tính, định lượng HBV-DNA trên 104 copies/ml.

– Có các bằng chứng xác nhận có xơ hóa gan tiến triển hoặc xơ gan.

DS. Nguyễn Thị Thanh Hòa

Chia sẻ ngay