SƠ LƯỢC Ý NGHĨA VÀ ỨNG DỤNG XÉT NGHIỆM ĐỊNH LƯỢNG Pro-GRP

  1. Khái quát về xét nghiệm định lượng Pro-GRP (Pro- Gastrin-Releasing Peptide):

GRP có mặt trong các sợi thần kinh, não, các tế bào thần kinh nội tiết trong biểu mô cuống phổi của bào thai, phổi trẻ sơ sinh và được sản xuất bởi các tế bào ung thư phổi tế bào nhỏ (small cell lung cancer: SCLC). Chức năng của GRP là kích thích sản xuất gastrin ở cơ quan tiêu hóa người và kích thích phát triển cơ quan hô hấp. Do bán hủy ngắn thời gian là 2 phút, không thể đo GRP trong máu nên Pro – GRP đã được phát triển và chứng minh là một dấu ấn sinh học đáng tin cậy trong ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC), là một dấu ấn nhạy nhất để chẩn đoán phân biệt với các loại ung thư phổi khác và các bệnh lành tính của phổi khi mức độ ProGRP tăng lên trong máu tuần hoàn.

Xét nghiệm Pro- GRP là một dấu ấn ung thư hữu ích trong các trường hợp sau:

+ Kết hợp cùng với các phương pháp khác chẩn đoán ung thư phổi tế bào nhỏ ở những bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh.

+ Chẩn đoán phân biệt ung thư phổi tế bào nhỏ với các dạng ung thư phổi và bệnh phổi lành tính khác.

  1. ứng dụng chỉ định xét nghiệm định lượng ProGRP:

Chỉ định: xét nghiệm ProGRP được chỉ định để:

– Chẩn đoán ung thư phổi tế bào nhỏ nếu có nghi ngờ;

– Chẩn đoán phân biệt ung thư phổi tế bào nhỏ với các ung thư phổi khác;

– Đánh giá hiệu quả điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ;

– Phát hiện tái phát sau điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ.

– ProGRP là một dấu ấn ung thư tốt nhất cho chẩn đoán ung thư phổi tế bào nhỏ, có độ nhạy cao hơn NSE và các dấu ấn ung thư phổi khác, giúp chẩn đoán phân biệt với các khối u khác của phổi, đặc biệt hữu ích khi sinh thiết (biopsy) khối u phổi không thể thực hiện được.
3. Ý nghĩa kết quả xét nghiệm định lượng ProGRP:

3.1. Giá trị trung bình:

Bình thường nồng độ ProGRP huyết tương người khỏe mạnh bình thường là ≤ 50 ng/L, chỉ có dưới 5% người khỏe mạnh có nồng độ ProGRP cao hơn bình thường nhưng vẫn < 75 ng/L.

3.2. Về chẩn đoán: ProGRP là một dấu ấn ung thư có giá trị trong chẩn đoán ung thư phổi tế bào nhỏ. Ở độ đặc hiệu 95%, độ nhạy của ProGRP là khoảng 85% trong chẩn đoán phân biệt ung thư phổi tế bào nhỏ với các ung thư phổi khác và là 86,5% trong chẩn đoán phân biệt với các bệnh phổi lành tính khác.

– Giá trị cắt (cut-off) của ProGRP đối với chẩn đoán ung thư phổi tế bào nhỏ là 65,89 ng/L.

– Nếu nồng độ ProGRP tăng > 200 ng/L: nguy cơ ung thư phổi tế bào nhỏ tăng.

– Nếu nồng độ ProGRP tăng > 300 ng/L: có thể nghĩ đến ung thư phổi tế bào nhỏ nếu chức năng thận là bình thường, bởi vì suy thận có thể làm ProGRP tăng lên đến 300 ng/L.

– Trong chẩn đoán phân biệt, ProGRP là một dấu ấn ung thư hữu ích trong chẩn đoán phân biệt ung thư phổi tế bào nhỏ với các loại ung thư phổi khác. ProGRP là một dấu ấn ung thư nhạy nhất cho ung thư phổi tế bào nhỏ. Ở cả hai giai đoạn chưa di căn (Mo) và di căn (M1) của ung thư phổi tế bào nhỏ, độ nhạy chẩn đoán của ProGRP đều cao hơn rõ rệt so với các dấu ấn ung thư phổi khác như NSE, CEA, CA125, CYFRA 21-1 và SCC.

3.3. Về phát hiện tái phát:

ProGRP (tốt hơn nếu định lượng thêm NSE) có thể được sử dụng để phát hiện sự tái phát sau điều trị của ung thư phổi tế bào nhỏ bằng cách theo dõi động học tăng lên của mức độ ProGRP huyết tương theo thời gian.

3.4. Về tiên lượng:

Cũng có thể sử dụng mức độ tăng của ProGRP để tiên lượng ung thư phổi tế bào nhỏ.

3.5. Về sàng lọc:

Hiện chưa có báo cáo nào chứng minh về lợi ích của ProGRP hoặc sự kết hợp của các dấu ấn ung thư sử dụng để chẩn đoán sớm ung thư phổi tế bào nhỏ ở những nhóm người không có triệu chứng, kể cả ở những nhóm người có nguy cơ cao như những người hút thuốc lá.

Đối với các ung thư khác, ProGRP hiếm khi tăng trong các ung thư ngoài phổi khác và nếu có tăng, cũng chỉ tăng ở mức độ vừa phải.

Trong các bệnh lành tính, ProGRP không tăng, trừ trường hợp suy thận do viêm cầu thận mạn hoặc bệnh thận do đái tháo đường (mức độ creatinine trên 120 µmol/L).

  1. Lưu ý:

Những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm khi:

+ Albumin ≤ 200 g/L.

+ Huyết thanh vàng: Bilirubin < 66 mg/dL hay 1130 µmol/L.

+ Tán huyết: Hemoglobin < 1000 mg/dL.

+ Intralipid ≤ 2000 mg/dL.

+ Biotin ≤ 35 ng/mL.

+ Ở bệnh nhân dùng Biotin liều cao (> 5 mg/ngày) cần lấy máu xét nghiệm ít nhất 8h sau khi sử dụng Biotin lần cuối.

+ RF < 540 IU/mL.

– Với mẫu huyết thanh, nồng độ ProGRP có thể bị biến chất do enzym phân giải protein nội sinh (endogenous proteases) được tạo ra trong quá trình đông máu. ProGRP bền vững trong mẫu huyết tương hơn là huyết thanh, do đó không sử dụng mẫu huyết thanh để đo ProGRP.

Mẫu có fibrin, hồng cầu hay các vật thể lạ khác hay mẫu đã được bảo quản đông lạnh và rã đông cần phải chuyển qua ống ly tâm và ly tâm ít nhất ở ≥ 10000 RCF (Relative Centrifugal Force) trong 10 phút trước khi xét nghiệm. Sau đó hút phần dịch  trong sang cóng đựng mẫu để chạy xét nghiệm.

– Các mẫu xét nghiệm đã ly tâm có màng lipid ở trên cùng phải được hút vào cóng chứa mẫu. Cần phải cẩn thận chỉ chuyển phần dịch trong không được lẫn lipid.

 BSCKI Hồ Thị Phi Nga

 

Chia sẻ ngay