Siêu âm màng phổi là một trong các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh truyền thống đã được ứng dụng từ rất lâu cùng với X quang ngực, chụp CT, MRI,… Phương pháp này giúp chẩn đoán các bệnh đường hô hấp và/hoặc tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

I/ Chỉ định:

Trong các trường hợp bệnh  nhân có các bệnh lý về hô hấp có thể gây nên những triệu chứng không đặc hiệu, như ho, khó thở và đau ngực. Nếu chỉ căn cứ vào biểu hiện mà bệnh nhân gặp phải thì hầu như không thể nào biết được vấn đề chính xác.

Cần thiết phải căn cứ thêm các phương pháp cận lâm sàng khác như kết quả xét nghiệm huyết học, sinh hóa máu, Xquang , siêu âm phổi – màng phổi, CT – scanner lồng ngực, MRI ngực, … và các phương pháp khác

Thông thường Xquang ngực được chỉ định để xác định các bệnh lý ở phổi và hô hấp nhưng siêu âm thể hiện ưu thế hơn trong trường hợp phân biệt các tình trạng đều chỉ biểu hiện tổn thương khối mờ trên hình ảnh X quang.

Cụ thể, siêu âm màng phổi thường được chỉ định để:

  • Phát hiện và đánh giá tình trạng tràn dịch màng phổi
  • Xác định dịch hay khối u là nguyên nhân làm mờ thành ngực.
  • Phân biệt tràn dịch màng phổi hay dịch khu trú dưới cơ hoành.
  • Phát hiện và đánh giá tràn khí màng phổi, dày màng phổi.
  • Phát hiện và đánh giá khối u màng phổi, khối u phổi xâm lấn vào thành ngực.
  • Đóng vai trò hướng dẫn bác sĩ để chọc dò, dẫn lưu hay sinh thiết dịch màng phổi. Từ đó tăng tỷ lệ thành công của thủ thuật, giảm biến chứng, đảm bảo độ an toàn cho bệnh nhân.

II/ Những ưu, nhược điểm của siêu âm màng phổi

2.1: Ưu điểm

  • An toàn cho bệnh nhân bởi vì siêu âm màng phổi không cần sử dụng bức xạ. Đó cũng là nguyên nhân mà phương pháp này có thể lặp lại nhiều lần
  • Chi phí thực hiện không quá tốn kém
  • Thời gian làm thủ thuật diễn ra nhanh chóng
  • Không xâm lấn và không gây đau. Không cần chuẩn bị quá nhiều trước khi thực hiện siêu âm màng phổi.
  • Có thể sử dụng ngay trên giường bệnh, cho kết quả nhanh chóng, thuận lợi ngay cả khi bệnh nhân đang cấp cứu hay khám định kỳ.

2.2 Nhược điểm

  • Độ phân giải (độ sắc nét) của hình ảnh siêu âm màng phổi còn phụ thuộc vào chất lượng thiết bị.
  • Do phổi chủ yếu chứa khí, nên việc sử dụng siêu âm màng phổi trong chẩn đoán còn gặp nhiều khó khăn.
  • Kết quả không được khách quan vì sẽ phụ thuộc vào người thực hiện.
  • Một số hình ảnh khó để phân tích, chẳng hạn bị che lấp bởi xương sườn.

III/ Một số hình ảnh tổn thương trên siêu âm. 

          Hội chứng đông đặc phổi: Dấu nát vụn (a), dấu dạng mô (b)

 Siêu âm khảo sát phổi – màng phổi giúp xác định nguyên  nhân tình trạng suy hô hấp của bệnh nhân do phù phổi, tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi hay do tim.

Hiện nay, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai đã và đang sử dụng các thế hệ máy siêu âm hiện đại, cho hình ảnh rõ nét, đánh giá chính xác tổn thương phổi cũng như nhiều các cơ quan khác.

Bên cạnh đó, đội ngũ các y, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có kinh nghiệm, được đào tạo về siêu âm màng phổi, ngoài việc đánh giá lượng dịch, tính chất của dịch còn có thể phát hiện được những trường hợp dịch ít và làm các thủ thuật chọc dò màng phổi để chọc hút dịch điều trị, sinh thiết các khối u màng phổi, u phổi, phát hiện tràn khí màng phổi, … các tổn thương khác liên quan.

Như vậy, có thể khẳng định lại về tính ưu việt của siêu âm trên lâm sàng. Siêu âm không hề gây đau, cũng ít ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân, thực hiện nhanh chóng. Đặc biệt là giá trị trong chẩn đoán khó thở ban đầu. So với các phương pháp cận lâm sàng khác, siêu âm hỗ trợ các bác sĩ tại khoa, phòng cấp cứu nhanh chóng phát hiện nguyên nhân khó thở. Từ đó đưa ra quyết định xử trí chính xác, mang đến giá trị cao, hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị. 

Bs. Giàng Thu Hà – Khoa Chẩn đoán hình ảnh

Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai.

Chia sẻ ngay