Rau an toàn

An toàn thực phẩm luôn là mối lo của mọi người, trong đó có rau chúng ta ăn hàng ngày. Nếu rau không an toàn như còn dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, rau nhiễm vi sinh vật, nhiễm kim loại nặng … thì có thể gây ngộ độc thực phẩm cấp hoặc với lượng kim loại nặng, hóa chất độc hại nhỏ có thể tích tụ dần trong cơ thể và gây các bệnh mãn
tính hoặc ác tính như ung thư …

Do đó lựa chọn và tiêu thụ rau an toàn luôn luôn là mối quan tâm của các bà nội trợ. Vậy thế nào là rau an toàn, Rau an toàn hay còn gọi là rau sạch là chỉ những sản phẩm rau tươi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (bao gồm tất cả các loại rau ăn củ, thân, lá, hoa quả) có hàm lượng các hoá chất độc và mức độ nhiễm các sinh vật gây hại ở
dưới mức tiêu chuẩn cho phép, bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

Thông thường khi nói đến rau sạch, người ta chỉ nghĩ đến tồn dư hóa chất trừ sâu quá mức cho phép hay không thôi. Điều đó là đúng nhưng chưa đủ, bởi vì ngoài yếu tố dư lượng hóa chất chúng ta còn phải quan tâm đến những yếu tố sau:
– Đất trồng: Đất phải cách ly với khu vực có chất thải công nghiệp và bệnh viện ít nhất 2km, với chất thải sinh hoạt thành phố ít nhất 200 m. Đất cũng không được có tồn dư hóa chất độc hại.
– Nguồn nước tưới: Nước tưới cho rau không sử dụng loại nước từ sông bị ô nhiễm hoặc phải qua xử lý. Đối với những loại rau nhanh thu hoạch như xà lách, rau gia vị… phải dùng nước giếng khoan.
– Giống: Giống rau an toàn phải có lai lịch rõ ràng, nếu là giống nhập nội phải qua kiểm dịch. Hạt giống trước khi gieo cần được xử lý để diệt nguồn sâu bệnh.
– Phân bón: Rau an toàn cần được bón bằng phân hữu cơ hoai mục, tuyệt đối không bón các loại phân chuồng chưa ủ hoai, không dùng phân tươi pha loãng nước để tưới.


Vậy thì làm thế nào để xác định được đâu là rau sạch đâu là rau không sạch/rau không an toàn để chúng ta lựa chọn. Bằng mắt thường thì chúng ta rất khó để phân biệt. Ví dụ các bà nội trợ bảo nhau chọn những mớ rau có sâu, hoặc rau đừng xanh tốt quá để tránh mua phải rau phun thuốc trừ sâu hoặc phun chất kích thích. Đó cũng là một kinh
nghiệm tốt, nhưng vẫn chưa đủ, bởi không biết rau có trồng ở vùng đất ô nhiễm hoặc dùng nước ô nhiễm để tưới hay không. Trong các thông điệp truyền thông về An toàn thực phẩm có câu “Hãy là người tiêu dùng thông thái” đó là:
– Chỉ mua rau ở những cửa hàng/siêu thị có chứng nhận bảo đảm an toàn thực phầm, thực phẩm có nguồn gốc suất xứ rõ ràng

– Nếu mua ở chợ, rau không rõ nguồn gốc xuất xứ thì chỉ nên mua của người quen và thật sự tin tưởng. Ăn các loại củ, quả để có thể gọt vỏ loại trừ các hóa chất bên ngoài, với rau ăn lá thì chỉ nên ăn các loại rau chính vụ, ví dụ rau muống vào mùa hè, su su vào mùa đông-xuân …

– Nếu điều kiện cho phép, hãy tận dụng sân thượng hoặc ban công để tự trồng rau cho bữa ăn hàng ngày.
Trường hợp chúng ta không thể biết được rau chúng ta mua về có phải rau an toàn hay không thì có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách:
– Ngâm nước muối hoặc rửa qua thật nhiều lần nước có thể làm giảm nồng độ hóa chất tồn dư
– Hoặc có thể giảm thiểu rủi ro bằng chốt chặn cuối cùng là luộc rau rối bỏ nước luộc đi chỉ ăn rau thôi.

Lê Huy Lực – Khoa Dinh dưỡng

Chia sẻ ngay