Bắt đầu từ năm 2019, người nhiễm HIV điều trị bằng thuốc ARV sẽ được Quỹ BHYT thanh toán. Để thực hiện điều này, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong việc đảm bảo quyền lợi cho người có “H” tham gia BHYT.
Tại buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm cộng đồng trong hỗ trợ tuân thủ điều trị HIV (do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng tổ chức ngày 1.12 tại Hà Nội), TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, việc tuân thủ điều trị là một yếu tố quan trọng giúp giảm lây nhiễm HIV, giảm tình trạng kháng thuốc.
Lo lắng khi chuyển sang hệ thống BHYT
Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm, một số bệnh nhân có “H” bày tỏ lo lắng việc điều trị HIV chuyển sang hệ thống BHYT chi trả sẽ là một thách thức cho việc tuân thủ điều trị, bởi những quy định ràng buộc đối với việc sử dụng thẻ BHYT, việc lộ danh tính, sự kỳ thị của cán bộ y tế và cộng đồng… Đến từ Bắc Ninh, chị Nguyễn Thị T. chia sẻ, từ trước đến nay, người có “H” được điều trị tại phòng khám chuyên biệt thuộc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, đã quen với nhân viên y tế ở đó. Giờ chuyển sang môi trường bệnh viện, nhân viên y tế mới, quy trình thủ tục khám chữa bệnh mới cũng sẽ khiến người có “H” e dè, ngại ngùng, là nguyên nhân của việc người bệnh không đến lấy thuốc ARV.
Về những thủ tục hành chính khi sử dụng thẻ BHYT, chị Lê Thị H. (Hải Phòng) cho biết, nhiều năm qua, chị và các đồng đẳng viên đi vận động người nhiễm HIV đi lấy thuốc ARV và tuân thủ điều trị. Tuy nhiên, việc sử dụng thẻ BHYT yêu cầu phải có giấy tờ tuỳ thân, nhưng khá nhiều người nhiễm HIV không có cũng khiến bệnh nhân không tuân thủ điều trị HIV. Một trường hợp mà chị phải đi vận động nhiều lần là anh Đặng Văn N, khi nhiều lần nhân viên y tế hỏi anh về giấy tờ tuỳ thân, nhưng anh chưa làm được vì không có hộ khẩu, địa bàn cư trú không ổn định… Cuối cùng anh đã bỏ không đến lấy thuốc ARV.
Tại tọa đàm, một số ý kiến cũng cho rằng, việc đồng chi trả cũng là một thách thức cho việc tuân thủ sử dụng thuốc ARV, bởi một số người có “H” vẫn đang sử dụng ma tuý, do đó họ không sẵn sàng cho khoản chi này. Chị Đoàn Thị Khuyên, Trưởng ban điều hành Liên minh hỗ trợ tuân thủ điều trị cho người có “H” cho rằng, điều trị HIV nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ đầy đủ từ gia đình, nhân viên y tế và xã hội sẽ dễ dẫn đến việc bệnh nhân không tuân tủ điều trị hay bỏ trị, gây nguy hại đến không chỉ bản thân người bệnh và mà tác động tiêu cực tới cộng đồng.
Tháo gỡ khó khăn cho người bệnh
Lường trước thực tế này, ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã có ba văn bản hướng dẫn chuyên môn, tổ chức rất nhiều đoàn hỗ trợ kỹ thuật; đôn đốc, theo dõi, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện việc triển khai thanh toán thuốc ARV qua Quỹ BHYT tại các tỉnh, thành phố. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT tăng lên nhanh chóng từ 30% (2015) lên 89% hiện nay. Nhiều tỉnh, thành phố đạt 100% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT.
Bên cạnh đó, ông Long cũng thừa nhận, việc cùng chi trả là rất khó khăn cho người nhiễm HIV vì hầu hết bệnh nhân HIV/AIDS đều ở mức thu nhập thấp, trong khi điều trị ARV là liên tục và suốt đời. Do đó, từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định quy định các địa phương đảm bảo các nguồn ngân sách cho hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV. Tiếp đó, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có công văn hướng dẫn các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch đảm bảo kinh phí mua thẻ BHYT và hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV giai đoạn 2018-2020.
Hiện nay đã có 35/63 tỉnh thành phố được cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hỗ trợ mua thẻ (gần 30.000 thẻ đã được mua và cấp cho người nhiễm HIV); 18/63 tỉnh thành phố phê duyệt ngân sách cho hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV. Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đề xuất và được Quỹ toàn cầu phê duyệt hỗ trợ mua thẻ BHYT và đồng chi trả thuốc ARV cho 32 tỉnh dự án và 16 tỉnh ngoài dự án trong giai đoạn 2019-2020.
“Bộ Y tế đang phối hợp với BHXH Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV. Các nhân viên y tế đã được cung cấp đầy đủ thông tin về BHYT và điều trị ARV và được tập huấn nhằm tăng cường kỹ năng tư vấn, truyền thông, giáo dục cho người nhiễm HIV tầm quan trọng tham gia BHYT và tự nguyện tham gia BHYT”, ông Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.
Theo ông Long, trường hợp người bệnh không có giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận nhân thân thì Thông tư 27/2018/TT-BYT quy định cơ sở điều trị HIV/AIDS (nhận ảnh do người bệnh tự cung cấp) để chuyển cho Cơ quan BHXH để cấp thẻ BHYT có ảnh. Khi đó, người bệnh không cần giấy tờ tuỳ thân khi đi lấy thuốc ARV hoặc khám chữa bệnh.
Nguồn:http://baovanhoa.vn