Người dân vẫn hiểu rất mơ hồ về bệnh tâm thần và vì vậy mà xã hội vẫn rất kỳ thị với những người không may mắc bệnh này, đó là một trở ngại không nhỏ đối với công tác phát hiện và chữa trị bệnh. Cần phải thay đổi một cách đồng bộ trong việc tuyên truyền về bệnh tâm thần mới mong cải thiện tình hình.
Như chúng ta đã biết, các bệnh tâm thần rất phổ biến trong nhân dân. Bệnh trầm cảm chiếm tới 6% dân số, các rối loạn lo âu chiếm hơn 10%, tâm thần phân liệt 1%, rối loạn cảm xúc lưỡng cực chiếm 1%, nghiện rượu, ma túy, game online đang gia tăng mạnh mẽ về số lượng. Vì vậy các biện pháp tuyên truyền về bệnh tâm thần rất quan trọng trong công tác phối hợp giữa thầy thuốc, gia đình và cộng đồng đối với lĩnh vực tâm thần.
Nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân viên y tế
Các cán bộ y tế trong ngành tâm thần là những người đóng vai trò quan trọng nhất trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bệnh tâm thần. Cả bác sĩ, các điều dưỡng viên cần phải được đào tạo sâu về chuyên ngành tâm thần vì có chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân thì mới gây được lòng tin cho người bệnh và người nhà của họ. Nếu không chữa khỏi bệnh thì dù có nói hay đi mấy cũng chẳng tác dụng gì. Hiện nay, tuyệt đại đa số bệnh tâm thần là có thể chữa khỏi hoặc ổn định lâu dài, bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống đời thường, lao động, học tập, sinh hoạt như những người bình thường khác. Điều đáng buồn là nhiều bác sĩ, điều dưỡng viên không hề được đào tạo chuyên sâu về tâm thần. Có bác sĩ từ lúc tốt nghiệp bác sĩ (đa khoa) cho đến khi về hưu không hề được đào tạo chính qui về chuyên ngành mình đang làm. Hậu quả là chính họ cũng không hiểu nhiều về bệnh tâm thần, vậy thì làm sao có thể mong họ chữa khỏi và chống tái phát bệnh tâm thần? Nhiều bệnh viện tâm thần tuyến tỉnh vẫn sử dụng y sĩ để làm chức năng của bác sĩ, đó là khám và chữa bệnh, như vậy thì làm sao có hiệu quả! Các điều dưỡng viên cũng không được đào tạo gì về chuyên ngành của mình, có vẻ như người ta đã thừa nhận quan niệm “điều dưỡng viên ngành nào chẳng giống ngành nào”.
Phân biệt rõ ràng giữa tâm thần và thần kinh
Việc này không hề nhỏ như chúng ta tưởng vì khi nhầm lẫn, bệnh nhân sẽ tìm đến các bác sĩ thần kinh và kết quả là bệnh không được chữa khỏi. Từ nhiều lần không chữa khỏi, xã hội sẽ có định kiến về bệnh tâm thần là bệnh nan y mà người bệnh phải chấp nhận thiệt thòi. Sử dụng đúng thuật ngữ bệnh tâm thần, bệnh nhân và người nhà họ đỡ nhầm lẫn với khoa thần kinh (nội thần kinh, ngoại thần kinh, đột quỵ). Tiếng Việt vốn trong sáng, thế hệ đi trước chúng ta đã sử dụng thuật ngữ bệnh tâm thần, xin cứ để nguyên như thế. Tôi học 6 năm ở châu Âu, thấy họ cũng sử dụng thuật ngữ “metal disorder”, nghĩa là bệnh tâm thần.
Chấn thương tâm lý không phải là nguyên nhân gây bệnh
Đây là một ý kiến sẽ bị mọi người phản đối nhất, nhưng đây sẽ là bước quyết định, đảm bảo cho ngành tâm thần tiến kịp các chuyên khoa khác. Lý do như sau:
– Hầu hết các bệnh tâm thần đã được chứng minh là do rối loạn về gen di truyền, ví dụ như tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn lo âu lan tỏa, cơn hoảng sợ kịch phát, rối loạn ám ảnh – cưỡng bức, nghiện rượu, nghiện game online… Các rối loạn về gen di truyền này dẫn đến các hậu quả khác nhau ở các bệnh đã nêu trên. Ví dụ: thiếu serotonin ở não trong bệnh trầm cảm, bệnh lo âu lan tỏa, nghiện game online; Thừa dopamin ở não trong cơn hưng cảm, tâm thần phân liệt; Thiếu dopamin ở não trong rối loạn tăng động – giảm chú ý…Như vậy, xét về bản chất, bệnh tâm thần cũng giống với bệnh nội tiết. Ví dụ bệnh đái tháo đường là do thiếu hormon hạ đường huyết insulin, giống trầm cảm thiếu serotonin, bệnh basedow thừa T3, T4 giống bệnh tâm thần phân liệt thừa dopamin.
– Chấn thương tâm lý chỉ gây phản ứng stress cấp và rối loạn stress sau sang chấn. Tuy nhiên cả hai rối loạn này bệnh nhân đều ít vào viện. Trong các trường hợp khác các căng thẳng tâm lý không phải là nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần.
– Nếu không đề cao vai trò của các căng thẳng tâm lý trong bệnh tâm thần, chúng ta sẽ rất dễ hiểu, so sánh với các bệnh khác và dễ giải thích cho bệnh nhân.
Điều đáng ngạc nhiên là khi có các vấn đề về bệnh tâm thần, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng lại thường đi hỏi ý kiến của các nhà xã hội học, tâm lý học (không phải là tâm lý y học chuyên ngành tâm thần). Kết quả là công chúng nhận được những lời giải đáp sai (mà hầu hết mọi người không biết là sai), từ đó sinh ra các định kiến xấu về bệnh tâm thần.
Gạt bỏ vai trò “thống trị” của các thuốc cũ
Như thuốc an thần cũ (aminazin), thuốc chống trầm cảm cũ (amitriptylin) và các thuốc chống động kinh cũ (gardenal). Các thuốc này chỉ nên dùng trong một số trường hợp có chỉ định chặt chẽ do hiệu quả điều trị của chúng thấp, tác dụng phụ rất nhiều. Hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện các thuốc an thần mới (risperidone, olanzapine), chống trầm cảm mới (fluoxetine, sertraline), chống động kinh (valproat natri, oxcarbazepine) do Việt Nam hoặc Ấn Độ sản xuất (được nhập khẩu chính hãng). Các thuốc này có hiệu quả điều trị rất tốt, không kém gì các thuốc nhập khẩu từ Âu, Mỹ về, nhưng giá tiền rất thấp. Để điều trị bằng thuốc này, mỗi bệnh nhân chỉ cần từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng mỗi tháng là đủ làm cho bệnh ổn định hoàn toàn. Các thuốc này đều rất ít tác dụng phụ, bệnh nhân nhanh chóng dung nạp thuốc và tự giác uống thuốc lâu dài. Các tác dụng phụ của thuốc này đều có thể khắc phục dễ dàng.
Nguồn sưu tầm: Báo sức khỏe & Đời sống
Người sưu tầm: Vũ Hải Bình – Khoa Tâm thần