Rối loạn nuốt là phải cố gắng kéo dài thời gian để đưa thức ăn hoặc nước từ miệng xuống dạ dày. Rối loạn nuốt có thể kèm theo đau, một số trường hợp người bệnh không thể nuốt được gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh như suy dinh dưỡng và mất nước, viêm phổi do hít sặc, nếu có thêm bệnh phổi mạn tính thì làm cho bệnh càng trầm trọng hơn, có thể dấn đến nghẹt thở và thậm chí tử vong. Rối loạn nuốt có thể làm tăng gánh nặng cho người chăm sóc và làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của người bệnh và gia đình.
Nuốt là một hoạt động nửa tự động có cơ chế rất phức tạp gồm có giai đoạn miệng (nhai,tạo viên,đưa thức ăn về phía gốc lưỡi); giai đoạn hầu (đẩy thức ăn qua ngã tư hầu họng,đây là giai đoạn hoàn toàn tự động, rối loạn nuốt chủ yếu là ở giai đoạn này, khoang miệng đóng kín, lỗ mũi sau đóng kín, thanh quản bị kéo lên trên và ra trước bởi cơ cổ, nắp thanh môn đóng ngăn thức ăn đi vào thanh quản, ngưng thở,thức ăn đi qua hầu); giai đoạn thực quản ( thức ăn xuống thực quản và dạ dày). Việc thăm khám lâm sàng rối loạn nuốt bao gồm: đánh giá tổn thương thần kinh sọ, cấu trúc khuôn mặt, chức năng các cơ, kiểm soát đầu cổ, nhận thức và giao tiếp,các chỉ số sinh tồn bao gồm nhịp tim, nhịp thở, độ bão hòa oxy, hiệu quả mỗi lần nuốt thức ăn hay nước uống, tần suất nuốt nước bọt, có chảy dãi hay không, khả năng ho.
Mục tiêu phục hồi chức năng nuốt là đảm bảo dinh dưỡng và nước cho người bệnh, xác định phương pháp cho ăn, giảm thiêu nguy cơ biến chứng phổi, giảm gánh nặng chăm sóc, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình. Nguyên tắc phục hồi chức năng nuốt là phục hồi lại chức năng nuốt bình thường (tạo ra sự thay đổi lâu dài bằng các bài tập), điều chỉnh độ đặc lỏng của thức ăn và điều chỉnh hành vi ăn uống của người bệnh ( bù trừ đề đạt mục tiêu trước mắt là đảm bảo an toàn trong quá trình cho ăn).
BSCKI. Nguyễn Văn Thắng – Phụ trách Bộ phận Phục hồi chức năng.
(Tài liệu tham khảo: Rối loạn nuốt ở người lớn, chẩn đoán và phục hồi chức năng – TS.BS Cầm Bá Thước – TS. Nguyễn Thu Hà)