Phục hồi chức năng nuốt (Phần 2)

Sau khi hoàn thành đánh giá lâm sàng và thăm khám  có dụng cụ cần thiết, bác sĩ sẽ xác định lựa chọn điều trị nào là có lợi nhất. Các lựa chọn cho can thiệp chứng khó nuốt bao gồm điều trị nội khoa, phục hồi chức năng, phẫu thuật và hành vi trị liệu.


1. Cách thức cho ăn và dự phòng ho sặc.
– Tư thế: ngồi ăn là tốt nhất, đầu hơi cúi.
– Môi trường yên tĩnh, có khăn lau, tốt nhất dùng ống hút.
– Ăn miếng bé, uống ngụm nhỏ, chia nhiều bữa.
– Làm sạch khoang miệng sau ăn.
2. Kích thích điện.
Kích thích điện để nuốt nhằm tăng cường sức mạnh của cơ làm di chuyển thanh quản lên và về phía trước trong chức năng nuốt.
3. Tập nuốt.
– Nỗ lực nuốt chửng mạnh mẽ: tăng cường di chuyển cơ nền lưỡi tạo điều kiện giải phóng viên nuốt. Người bệnh được hướng dẫn nuốt và đẩy mạnh lưỡi vào vòm miệng cứng.
– Vận động Mendelsohn: được thiết kế để nâng cao thanh quản và mở thực quản trong khi nuốt ngăn ngừa thức ăn rơi vào đường thở.
– Nuốt trên thanh môn ( Supraglottic swallow) hay còn gọi là “kỹ thuật nuốt ho” (swallowcough): Đây là một kỹ thuật nuốt mà ngay sau nuốt là người bệnh ho để đề phòng thức ăn đi vào đường thở; kỹ thuật nuốt này được thiết kế để đóng màng chùng của dây thanh âm bằng cách chủ động nín thở trước và trong khi nuốt để bảo vệ đường thở, kỹ thuật này rất hữu ích cho những người bệnh bị phẫu thuật ở vùng trên thanh quản và phần trên của thanh quản bị cắt bỏ( nắp thanh quản, dây chằng sụn phễu nắp thanh quản, màng trùng dây thanh âm…) không còn gì để che chắn đường vào thanh quản và chuyển hướng thức ăn. Mỗi lần nuốt, người bệnh phải làm theo hướng dẫn như sau: đầu tiên là nhai kỹ thức ăn, khi nhai thức ăn xong; sau đó giữ thức ăn trong khoang miệng và hít thở cho khí vào đầu trong phổi; sau đó, thức ăn vẫn ở trong khoang miệng, nín thở và nuốt thật nhanh và dứt khoát, ho ngay tức khắc sau khi nuốt.
– Nuốt thanh quản đóng ( kỹ thuật nuốt nín thở). Người bệnh được hướng dẫn “Hít vào và nín thở thật chặt, giữ hơi thở khi nuốt thức ăn xuống, ho khi kết thúc nuốt.
4. Bài tập miệng, đầu, cổ.
– Nâng cao thanh quản: Người bệnh được yêu cầu nói giọng có âm độ cao trong vài giây. Điều này giúp duy trì thanh quản ở vị trí cao.
– Tập động tác Masako hoặc “bất động lưỡi”, người bệnh đưa lưỡi tiến về phía trước giữa 2 hàm răng, giữ nguyên lưỡi ở vị trí đó và nuốt. Bài tập này giúp tăng sức mạnh của thành sau họng trong quá trình nuốt.
– Tập lắc đầu, tập nâng đầu: để người bệnh nằm thư giãn ở tư thế ngửa, yêu cầu người bệnh ngẩng đầu lên để nhìn vào các ngón chân tạo điều kiện mở cơ thắt thanh quản trên thông qua tăng cường đưa phần trên cùa thanh quản và xương móng ra trước.
– Bài tập co cơ lưỡi đẳng trường: Người bệnh co cơ lưỡi với sự kháng trở cơ lưỡi do kỹ thuật viên tạo ra với mục đích làm gia tăng sức mạnh của cơ lưỡi.
Tác giả: BSCKI Nguyễn Văn Thắng – Phụ trách Bộ phận Phục hồi chức năng.
Tài liệu tham khảo: Rối loạn nuốt ở người lớn – Chẩn đoán và phục hồi chức năng; TS, BS Cầm Bá Thước – ThS Nguyễn Thu Hà; Nhà xuất bản y học 2020. 

Chia sẻ ngay