1. Phục hồi chức năng là gì?
– PHCN là tổng hợp các biện pháp y học, kinh tế xã hội, giáo dục hướng nghiệp và kỹ thuật phục hồi để làm giảm tác động của giảm khả năng và tàn tật, giúp người khuyết tật có cơ hội bình đẳng để hội nhập hoặc tái hội nhập xã hội.
– PHCN là huấn luyện người khuyết tật thích nghi với môi trường sống, tác động vào môi trường và xã hội. PHCN là để trả lại các chức năng đã bị giảm hoặc mất hoặc giúp họ xử trí tốt hơn với tình trạng khuyết tật của mình.
– Thuật ngữ “PHCN” chỉ một quá trình nhằm giúp cho người tàn tật đạt được và duy trì tối đa các cấp độ chức năng về thể chất, giác quan, trí tuệ, tâm thần và xã hội, qua đó cung cấp cho họ những công cụ để thay đổi cuộc sống, hướng tới sự độc lập ở mức cao hơn.
– PHCN có thể bao gồm các biện pháp cung ứng hay phục hồi các chức năng, bù đắp sự mất mát hay thiếu hụt một chức năng. Quá trình PHCN không chỉ bao gồm việc chăm sóc y tế ban đầu, nó gồm hàng loạt các biện pháp và hoạt động từ PHCN chung và căn bản tới những hoạt động có định hướng mục tiêu, ví dụ như PHCN nghề nghiệp ( Quy tắc tiêu chuẩn của Liên hiệp quốc về bình đẳng hóa các cơ hội cho người tàn tật của Đại hội đồng liên hiệp quốc năm 1993)
2. Nguyên lý và nguyên tắc PHCN bệnh nhân liệt nửa người?
– Mục đích của phương pháp PHCN này là huấn luyện lại các vận động bình thường mà trước khi bị liệt người bệnh đã thực hiện được. Cơ thể con người là một khối thống nhất, vì vậy trong quá trình tập luyện phục hồi, người bệnh và người tập không chỉ chú ý đến tay, chân bên bị liệt mà phải chú ý đến toàn bộ cơ thể. Các bài tập vận động cần thực hiện cân xứng cả hai bên, không sử dụng các vận động của bên lành để bù trừ hoặc thay thế cho bên bị liệt.
– PHCN phải được bắt đầu càng sớm càng tốt khi bệnh cảnh lâm sàng và tình trạng toàn thân bệnh nhân cho phép. Mỗi giai đoạn có các kỹ thuật phục hồi khác nhau phù hợp với tình trạng cụ thể của người bệnh trong giai đoạn đó. Trong quá trình tập luyện vận động phục hồi cần chú ý đến cả chất lượng và số lượng của vận động, hướng theo các mẫu vận động bình thường.
3. Các kỹ thuật Phục hồi chức năng vận động BN liệt nửa người?
3.1. Kỹ thuật vị thế:
– Bố trí giường nằm: nguyên tắc không để người bệnh nằm phía bên liệt sát tường
– Nằm nghiêng bên liệt, bên lành, nằm ngửa.
– Mục đích phòng ngừa thương tật thứ cấp co cứng, co rút.
– Lưu ý: cần thay đổi tư thế nằm thường xuyên từ 2- 4 giờ một lần.
– không để BN nửa nằm nửa ngồi vì nguy cơ loét cùng cụt bà tăng co cứng do phản xạ mê đạo trương lực.
3.2. Các bài tập vận động chung:
– Tập vận động thụ động nửa người liệt: mục đích duy trì tầm vận động các khớp, phòng thương tật thứ cấp như loét do đè ép, viêm phổi, cứng khớp, co rút, biến dạng, hạn chế hoặc mất vận động sau này. Người tập đứng về phía bên liệt của BN và thực hiện các bài tập theo tầm vận động cho tất cả các khớp của chi trên và chi dưới.
– Tập vận động trợ giúp
– Tập vận động tự do
3.3. Tập vận động ở tư thế nằm:
– nguyên tắc cần được thực hiện sớm nhất cùng với kỹ thuật vị thế.
– chỉ có vận động chủ động bệnh nhân mới có thể phục hồi, do đó khi BN có thể tự thực hiện được một phần vận động nào đó người tập cần lưu ý chuyển đổi ngay phương pháp tập cho phù hợp.
– Vị thế hai bàn tay và các ngón tay khi vận động: BN cài các ngón tay hai bên vào nhau hoặc bàn tay lành nắm cổ tay liệt.
– Kỹ thuật ức chế co cứng: BN nằm, ngồi ở các vị thế đúng theo mẫu phục hồi, vận động ngược lại với mẫu co cứng của BN và giữ trong 1 khoảng thời gian nhất định.
– Tập lăn trở
– Tập dồn trọng lượng lên chân liệt
– Tập làm cầu
– Tập vận động riêng từng khớp: BN thuòng có vận động khối trong phản ứng liên hợp nên việc thực hiện chức năng của BN sẽ khó khăn. Tập vận động riêng từng khớp là một trong những bài tập quan trọng giúp NB kiểm soát được vận động riêng của các khớp và phối hợp với nhau để thực hiện các chức năng cụ thể.
3.4. Tập vận động ở tư thế ngồi:
– Ngồi dậy từ tư thế nằm
– Tư thế ngồi đúng
– Tập ngồi thăng bằng
– Tập di chuyển ở tư thế ngồi
– Tập di chuyển từ giường sang ghế, xe lăn và ngược lại.
– Tập luyện phcn tay bên liệt: ức chế co cứng ở tay, kiểm soát vận động tay liệt, cổ tay ( gập, duỗi, nghiêng), bàn ngón tay ( gập duỗi), các ngón tay ( gập duỗi, dạng khép)
3.5. Tập vận động ở tư thế đứng
– Tập đứng dậy từ tư thế ngồi
– Tập đứng thăng bằng
– Tập dồn trọng lượng lần lượt lên 2 chân
3.6. Tập đi:
– Nhiều chuyên gia PHCN khuyến cáo không nên cho BN tập đi qua sớm khi mà những vận động cơ bản ở tư thế đứng chưa thực hiện được. Vì khi BN đã quen với các mẫu vận động bất thường, đặc biệt là dáng đi không bình thường ở giai đoạn di chứng thì việc tập luyện để phục hồi lại dáng đi bình thường là điều rất khó.
– Luyện dáng đi: BN pbair đạt được tầm vận động tối thiểu của các khớp ở chân khi đứng như khớp háng gấp 30° duỗi 10°, khớp gối gấp 60° duỗi 0°, khớp cổ chân gấp mặt mu 20°.
BSCKI. Nguyễn Văn Thắng – Trưởng bộ phận Phục hồi chức năng