- Tìm hiểu chung về nhiễm khuẩn đường hô hấp
Nhiễm khuẩn đường hô hấp được chia thành 2 dạng là nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới. Đây thường là những bệnh lý cấp tính với các biểu hiện đột ngột nhưng hiếm khi kéo dài lâu.
Dưới đây là chi tiết 2 loại nhiễm khuẩn đường hô hấp chúng ta cần phải hết sức lưu ý và phòng ngừa:
1.1. Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên
Tác nhân chính dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên đó là virus. Chúng có khả năng lây từ người này sang người khác thông qua các giọt bắn chứa virus. Một số bệnh lý thuộc nhiễm khuẩn đường hô hấp trên bao gồm:
Viêm họng: dấu hiệu nhận biết là đau họng cùng các triệu chứng tổn thương đường hô hấp khác. Liên cầu khuẩn là tác nhân gây nên bệnh lý này;
Cảm lạnh: xảy ra rất phổ biến và mọi cơ quan thuộc đường hô hấp trên đều bị ảnh hưởng bởi tình trạng này. Virus sẽ thâm nhập và bám lại niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân, dần dần gây nên các biểu hiện tại chỗ và lan sang những khu vực khác với các biểu hiện như nghẹt mũi, đau họng, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, sốt,… Phần lớn người bị cảm lạnh thường sẽ chỉ kéo dài trong khoảng từ 7 – 10 ngày. Nhưng cũng có trường hợp bị cảm lâu với triệu chứng nghiêm trọng hơn thì cần can thiệp y tế;
Viêm xoang: khi vi sinh vật tấn công các hốc xoang sẽ gây viêm nhiễm niêm mạc tại đây. Điều này sẽ kích thích niêm mạc xoang tăng tiết dịch nhờn, lâu dần làm tắc nghẽn các lỗ xoang khiến người bệnh bị khó thở, sốt, đau và tăng áp lực trong xoang,…;
Viêm thanh quản: bệnh này có các triệu chứng tương tự như viêm họng nên dễ gây nhầm lẫn. Nguyên nhân dẫn đến viêm thanh quản thường là do thanh quản hoạt động quá mức (hò hét, ca hát,… quá nhiều), hoặc là do nhiễm virus. Viêm thanh quản gây nên các triệu chứng như tuyến nước bọt sưng nề, hắng giọng, họng đau,…
1.2. Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới
Mức độ nghiêm trọng của các bệnh lý ở đường hô hấp dưới có phần nghiêm trọng hơn và dễ phát triển thành biến chứng. Dưới đây là các bệnh lý điển hình thường gặp phải ở đường hô hấp dưới:
Viêm phế quản: phế quản là đường dẫn khí đến phổi. Bên trong phế quản là một lớp màng nhầy và khi bộ phận này bị viêm nhiễm do vi khuẩn sẽ có dấu hiệu dày lên, khiến cho đường dẫn khí bị thu hẹp lại và bệnh nhân sẽ gặp triệu chứng là khó thở, tiết nhiều dịch đờm, ho;
Viêm phổi: khi vi khuẩn tấn công các phế nang ở phổi có thể dẫn đến hiện tượng cơ thể sốt cao, lạnh run, đau ngực và ho khạc ra đờm xanh. Nếu bệnh nhân không được chẩn đoán cũng như điều trị tích cực, viêm phổi sẽ tiến triển thành dạng suy hô hấp cấp, nặng hơn là nhiễm trùng máu và thậm chí là đe dọa đến tính mạng;
Lao phổi: vi khuẩn lao chính là “thủ phạm” gây lao phổi, khiến cho cả phế quản lẫn phế nang ở phổi bị nhiễm trùng. Đây là bệnh lý có tính chất nguy hiểm cao, nếu chậm trễ trong thăm khám và chữa trị có thể gây tràn dịch/tràn khí màng phổi, rò thành ngực, ho ra máu, xơ phổi, nghiêm trọng nhất là tử vong nếu không được điều trị.
2. Các phương pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn đường hô hấp
2.1. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh
Nếu xung quanh bạn là những người đang mắc những bệnh về đường hô hấp thì bạn nên hạn chế tiếp xúc với họ.. Nhất là trẻ em, người già và người có hệ miễn dịch yếu không nên đến nơi đông người khi đang trong thời kỳ nhiều dịch bệnh chồng chéo nhau.
2.2. Thường xuyên rửa tay
Một trong những cách hiệu quả giúp phòng ngừa nhiễm khuẩn đường hô hấp đó là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn. Điều này có tác dụng tiêu diệt các loại virus, vi khuẩn trên da và hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
2.3. Uống đủ nước
Nước giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể, giảm nguy cơ mắc bệnh, tăng cường sức đề kháng và làm loãng dịch đờm. Đây là cách đơn giản nhưng lại hiệu quả trong việc phòng ngừa nhiễm khuẩn đường hô hấp.
2.3. Sử dụng dung dịch khử trùng để vệ sinh nhà cửa
Để phòng ngừa nhiễm khuẩn đường hô hấp, nếu trong gia đình bạn có người bị mắc bệnh thì cần phải dùng dung dịch khử khuẩn khi vệ sinh nhà cửa, dọn dẹp nơi ở thường xuyên, làm sạch các bề mặt khu sinh hoạt như nhà tắm, phòng ngủ, nhà bếp,… Không chỉ có vậy, bạn nên giặt giũ chăn ga, gối đệm, khăn tắm và rửa đồ chơi trẻ em định kỳ 2 – 3 lần/tuần để tiêu diệt các vi khuẩn, virus gây bệnh.
2.4. Ngủ đủ giấc
Mỗi ngày bạn nên duy trì giấc ngủ đầy đủ từ 7 – 9 tiếng giúp cơ thể được tái tạo năng lượng và luôn giữ được trạng thái tỉnh táo. Theo các chuyên gia y tế, giấc ngủ giữ vai trò quan trọng đối với sức đề kháng của cơ thể. Ngủ sớm vào buổi tối và ngủ đủ giấc sẽ giúp các tế bào trong cơ thể hoạt động tốt hơn.
2.5. Tuân thủ lịch tiêm phòng đầy đủ
Tiêm phòng chủng ngừa các bệnh lý về đường hô hấp đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế sẽ giúp bạn hạn chế được tối đa nguy cơ mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp. Ngay cả khi có bị mắc bệnh thì triệu chứng cũng sẽ nhẹ hơn rất nhiều và hạn chế được các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Vũ Thùy Linh – KSNK