– Bệnh quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do một loại siêu vi thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Biểu hiện chủ yếu của bệnh là sốt và sưng, đau một hoặc nhiều tuyến nước bọt. Thường gặp ở tuyến nước bọt mang tai, đôi khi có thể viêm ở tuyến nước bọt dưới lưỡi hoặc tuyến dưới hàm.
– Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt, hoặc các giọt chất tiết mũi họng của người bệnh được văng ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.
– Người bị bệnh quai bị có thể lây lan cho người khác 1 tuần trước khi sưng tuyến mang tai và kéo dài 2 tuần sau khi sưng tuyến mang tai.
– Thời gian lây mạnh nhất vào khoảng 2 ngày trước khi viêm tuyến mang tai.
– Do bệnh có thể lây trong thời kỳ ủ bệnh nên dịch bệnh quai bị khó dập
– Bệnh thường xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi( 80%), thường gặp nhất là trẻ từ 6-10 tuổi. Người lớn cũng có thể bị mắc bệnh nếu không được tiêm phòng bệnh trước đó.
– Dịch bệnh thường xuất hiện ở những nơi tập trung đông người như trường học, ký túc xá v.v…
- Những biểu hiện chính của bệnh quai bị
– Sốt cao, có thể lên đến 40OC, khô miệng, nuốt đau, nhức đầu.
– Sưng to tuyến nước bọt vùng góc hàm ở 1 bên hoặc cả 2 bên, có thể sưng cả tuyến nước bọt dưới hàm và dưới lưỡi.
– Tuyến nước bọt sưng to, đau nhưng không nóng đỏ
– Có thể sưng đau hạch cổ và hạch góc hàm 2 bên.
– Ở các trẻ vị thành niên có thể có sưng và đau tinh hoàn 1 bên hoặc 2 bên, thường sảy ra từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 của bệnh.
– Bệnh tiến triển và tự khỏi trong vòng 10 ngày (nếu không có biến chứng).
– Đa số các trường hợp quai bị đều tự hồi phục không có biến chứng.
– Tuy nhiên, vẫn có một số ít trường hợp có những biến chứng như: sẩy thai tự nhiên( nhất là ở giai đoạn đầu của thai kỳ), điếc, viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng , viêm nãov.v…Các biến chứng này thường gặp ở người lớn trẻ tuổi.
– Hiện nay Bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên khi có các triệu chứng bệnh như trên Người bệnh nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị đúng cách.
– Người bệnh nên nằm nghỉ nhiều, trẻ còn đi học nên cho nghỉ học.
– Vệ sinh răng miệng: Xúc miệng họng bằng nước muối loãng .
– Chế độ dinh dưỡng: Ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu và nhiều chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể, bổ xung thêm vitamin C, Vitamin nhóm B
– Trong trường hợp có biến chứng viêm tinh hoàn thì nên mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau và giảm sưng nề.
– Uống thuốc giảm đau: Paracetamol theo chỉ định của Bác sĩ
- Cách phòng bệnh:
- Phòng bệnh không đặc hiệu
– Cách ly người bệnh trong khoảng10 ngày kể từ khi bắt đầu sưng tuyến mang tai.
– Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc phải mang khẩu trang.
– Vệ sinh cá nhân và nhà cửa:
+ Không sử dụng chung các dụng cụ ăn uống: cốc, thìa, đũa, bát…
+ Thường xuyên lau sạch sàn nhà, bàn ghế, rửa sạch các đồ chơi của trẻ.
+ Rửa tay nhiều lần bằng xà phòng trong ngày, nhất là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
+ Che miệng khi ho, khi hắt hơi, sau đó phải rửa tay ngay bằng xà phòng.
- Phòng bệnh đặc hiệu
Hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh quai bị kết hợp với phòng bệnh sởi và Rubella
BsCKI. Nguyễn Thị Hồng Thương – Khoa Truyền nhiễm