Mỗi năm, cứ vào dịp mùa nắng nóng, khoa HSTC, chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai thường xuyên tiếp nhận, cấp cứu và điều trị những bệnh nhân bị Ong đốt. Mặc dù các bệnh nhân đều được điều trị thành công nhưng có những bệnh nhân nặng nề, quá trình điều trị kéo dài, phải lọc máu nhiều ngày tốn kém kinh phí điều trị cho gia đình và xã hội
- Bị ong đốt nguy hiểm như thế nào?
Đây là một loại tai nạn cần được cấp cứu càng nhanh càng tốt. Rất nhiều trường hợp không được xử trí đúng cách dẫn tới tình trạng nhiễm độc nặng và mất rất nhiều thời gian điều trị. Nọc độc của loài ong khi được tích tụ quá nhiều trong cơ thể sẽ dẫn tới nguy cơ suy đa tạng và gây nguy hiểm đến tính mạng nạn nhân.
Theo các bác sỹ khoa HSTC- Chống độc, khi không may bị ong đốt, người bị nan dễ nhiễm độc, sốt,… Tuy nhiên, mức độ sốt phụ thuộc vào các yếu tố như đó là loại ong nào, số lượng nốt đốt ra sao, bị đốt ở vị trí nào? Số lượng nốt đốt càng nhiều và ở càng gần các bộ phận quan trọng như đầu, cổ,… thì mức độ nguy hiểm càng tăng.
Những trường hợp bị đốt nhiều, khoảng 5 đến 10 nốt trở lên, cơ thể sẽ bị mệt mỏi, rất khó chịu và bị sưng đau. Các nạn nhân bị đốt ở đầu, cổ, vai, mặt thì nên đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, những trường hợp bị đốt 1, 2 nốt cũng không nên chủ quan vì nếu đó là loại ong độc thì tình trạng sức khỏe của người bệnh cũng rất đáng lo ngại. Nọc độc của một số loài ong có thể gây ra tình trạng tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tổn thương cơ,… Một số trường hợp nặng sẽ bị suy tim hay suy thận.
Theo thống kê, một số loài ong châu Phi rất nguy hiểm, đã từng tấn công tập thể và khiến nhiều người tử vong. Ở nước ta, một số loài ong có khả năng đốt người cao là ong vò vẽ, ong bắp cày, ong vàng, ong mật,… Nếu xác định được chính xác tên loài ong và sơ cứu đúng cách, điều trị kịp thời khi bị đốt thì nạn nhân sẽ tránh được nguy hiểm.
- Khi bị ong đốt, cần xử trí ra sao?
Mỗi chúng ta cần phải có một cách nhìn nhận đúng về tai nạn bị các loài ong đốt. Khi gặp nạn, không nên chỉ nghĩ cách làm cho đỡ đau, đỡ sưng, bôi gì,… mà cần phải theo dõi sát sao để hạn chế nguy cơ nhiễm độc cho nạn nhân.
Dưới đây là cách xử trí khi bị ong đốt:
– Đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có ong một cách nhanh nhất có thể.
– Nhanh chóng lấy vòi chích của ong ra khỏi cơ thể người bị nạn. Bạn có thể khều nhẹ hoặc dùng nhíp kẹp. Tuy nhiên, cần tránh việc nặn ép bằng tay vì hành động này có thể khiến nọc độc ngày càng lan rộng.
– Tiếp đó, bạn nên giúp người bệnh rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng, nước ấm. Sau đó, bôi dung dịch sát trùng cồn 70 độ lên vết đốt.
– Có thể chườm lạnh lên vết đốt. Đây là cách giúp bệnh nhân giảm đau và giảm sưng hiệu quả.
– Bên cạnh đó, người bệnh phải uống thật nhiều nước. Khi uống nhiều nước, nọc độc của ong sẽ được bài tiết qua nước tiểu, từ đó, giúp nạn nhân giảm nguy cơ suy đa tạng.
– Sau khi tiến hành những bước sơ cứu trên, nạn nhân cần được chăm sóc và theo dõi sát sao.
Lưu ý: Nếu có những biểu hiện dưới đây, cần phải đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt:
Bị ong đốt nhiều nốt và ở nhiều vị trí, đặc biệt là ở các vùng quan trọng như mặt, đầu, cổ,…
Xác định loài ong đã đốt nạn nhân để ước tính khả năng gây độc. Một số loài ong như ong rừng, ong vò vẽ hay ong bắp cày,… thường có nọc độc mạnh, rất nguy hiểm.
Trường hợp người bị đốt có các triệu chứng đau nhiều, mệt mỏi, thậm chỉ khó thở, phù mặt, đi tiểu có máu,… cần nhanh chóng đưa nạn nhân đi khám.
3. Phòng tránh bị ong đốt bằng cách nào?
Để hạn chế những rủi ro do bị các loài ong đốt, chúng ta nên có những biện pháp phòng tránh như sau:
– Tránh xa những khu vực có nhiều ong để hạn chế tối đa khả năng tiếp xúc với ong, đặc biệt cha mẹ nên căn dặn con em mình không được chọc phá tổ ong.
– Trong trường hợp, ong bay đến gần thì không nên chạy mà hãy đứng hoặc ngồi im, tuyệt đối không cử động.
– Nếu bạn muốn xua đàn ong, thì không nên dùng gậy hay que chọc vào tổ ong. Tốt nhất nên dùng khói hoặc lửa.
– Lưu ý không để cây cối mọc um tùm hay để hoang nhà cửa. Đây là những môi trường thuận lợi để ong đến làm tổ. Nên thường xuyên vệ sinh nhà cửa và phát quang bụi rậm quanh nhà.
– Đối với những trường hợp, nuôi ong lấy mật, thường xuyên phải tiếp xúc với ong cần mặc áo quần phòng hộ, không để lộ da để hạn chế tối đa nguy cơ bị ong đốt.
– Nếu có những chuyến dã ngoại vào rừng, bạn không nên mặc quần áo nhiều màu sắc, quá nổi bật, không dùng nước hoa, mỹ phẩm, không nên đi chân đất, không mặc những bộ đồ quá rộng. Nên đi găng tay, đội mũ và mặc những trang phục kín, dày dặn.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai với trang thiết bị hiện đại, các y bác sỹ đã có kinh nghiệm điều trị cho nhiều nạn nhân bị tai nạn ong đốt và nhiều loại bệnh lý khác. Vì thế khi đưa người gặp nạn đến đây, bạn có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng dịch vụ của chúng tôi.
Đội ngũ bác sĩ bệnh viện không những có chuyên môn cao mà còn luôn tận tâm với người bệnh. Phương châm của chúng tôi là coi người bệnh như người thân và hết lòng chăm sóc. Tất cả vì lợi ích, sức khỏe người bệnh.
Ths.Bs. Nguyễn Việt Hải – Trưởng khoa HSTC