Núm phụ trên răng là tình trạng bất thường về hình thái và có thể dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc cho răng nếu như không được điều trị đúng cách.
- Núm phụ trên răng là gì?
Núm phụ răng là thuật ngữ được dùng để chỉ những bất thường của răng có hình dạng giống như núm, múi dư trên bề mặt răng. Tình trạng này thường xuất hiện ở mặt trong của răng hàm trên hoặc mặt nhai của răng cối nhỏ hàm dưới.
Nguyên nhân của tình trạng răng có núm phụ này đến nay vẫn chưa được xác định. Một số giả thuyết đặt ra là do di truyền hoặc do chấn thương cục bộ tác động lên mầm răng.
Trong giai đoạn phôi thai, sự bất thường về tăng sinh và gấp lại 1 phần biểu mô men ở bên trong và các tế bào ngoại bào phía dưới của nhú răng và diễn ra trong suốt giai đoạn chuông của quá trình hình thành răng.
2. Đặc điểm núm phụ răng
Núm phụ trên răng này có cấu tạo tương tự như răng bình thường với men răng, ngà răng và tủy răng. Nhưng núm phụ này nhô lên dẫn đến mô tủy ở đó cũng nhô lên theo tạo thành những sừng tủy mảnh. Mô tủy này có nguy cơ bị bộc lộ trong quá trình ăn nhai do mài mòn hoặc do lực nhai dồn xuống vị trí này quá mạnh dẫn đến các biến chứng như hoại tử tủy, áp xe quanh chóp và thường xuất hiện sớm khi chân răng chưa hình thành hoàn chỉnh.
Sự có mặt của tủy trong núm phụ này có ý nghĩa trên lâm sàng rất quan trọng và việc nhô lên của sừng tủy là cách phân biệt với các núm bổ sung (Núm Carabelli).
Việc phát hiện những bất thường này khá đơn giản bằng mắt thường, cha mẹ chỉ cần quan sát răng của con là có thể phát hiện ra kịp thời và đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa hoặc nha khoa để có biện pháp can thiệp kịp thời.
3. Điều trị núm phụ răng như thế nào?
Núm phụ răng có thể được điều trị bằng cách mài chỉnh để loại bỏ đi hoàn toàn. Tuy nhiên việc mài chỉnh này cần được thực hiện đúng cách và còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như múi phụ có gây cản trở khớp cắn hay không, độ dày lớp men ngà trên sừng tủy và sự nhạy cảm của bệnh nhân. Do đó cần cho bệnh nhân chụp phim X-quang răng để đánh giá độ dày của lớp men ngà bên trên sừng tủy như thế nào để đưa ra kế hoạch điều trị.
Trong trường hợp núm phụ răng không ảnh hưởng đến khớp cắn thì không cần can thiệp. Tuy nhiên cần dự phòng trường hợp sâu răng do núm cản trở vệ sinh răng miệng xung quanh.
Nếu núm phụ gây cản trở khớp cắn thì sẽ có hướng điều trị nhằm giảm đi chiều cao múi răng một cách từ từ để cho phép tạo lại ngà phản ứng trên bề mặt tủy và sử dụng fluor tại chỗ để tái khoáng lại bề mặt men răng. Quy trình điều trị được thực hiện như sau:
- Sử dụng mũi khoan kim cương hạt mịn với tốc độ cao có phun nước.
- Mài với nhiều lần hẹn khác nhau. Mỗi lần mài đi bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào độ dày của lớp men ngà phía trên.
- Khoảng cách giữa hai lần mài chỉnh là 3 tháng, theo dõi ít nhất trong 12 tháng.
- Mài cho đến khi nào thử bằng giấy cắn thấy không còn cản trở khớp cắn.
- Trong trường hợp mài gây hở tủy thì thực hiên che tủy trực tiếp bằng MTA hoặc Biodentin rồi tiếp tục theo dõi.
Nguồn: Bài giảng Răng trẻ em- Viện Răng hàm măt Trung Ương
Bế Thị Thanh Hiền