Bệnh tiểu đường là một trong những bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trên toàn cơ thể, trong đó các bệnh nhân tiểu đường type 1 và type 2 có nguy cơ gặp các biến chứng ở mắt như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và bệnh lý võng mạc gây suy giảm thị lực nhanh chóng, nếu không sớm phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể mất thị lực hoàn toàn.

Ngoài việc thăm khám định kỳ để kiểm soát bệnh lý tiểu đường, bệnh nhân cũng cần lưu ý những thay đổi bất thường tại mắt để thăm khám và điều trị sớm. Các biểu hiện dưới đây là một số triệu chứng về biến chứng tiểu đường tại mắt mà bệnh nhân không thể bỏ qua:

Tăng nhãn áp là sự gia tăng áp lực trong nhãn cầu làm chèn ép mạch máu và thần kinh thị giác. Bệnh diễn tiến âm thầm không triệu chứng rõ ràng. Biểu hiện thường gặp có thể là giảm thị lực, nhìn mờ, mắt đau nhức và đau đầu.

Đục thủy tinh thể hình thành đi kèm bệnh tiểu đường thường xảy ra vì hàm lượng sorbitol dư thừa (một loại đường hình thành từ glucose), tạo thành cặn trong thủy tinh thể. Biểu hiện của bệnh lý đục thủy tinh thể là sự suy giảm thị lực, bệnh nhân nhìn hình ảnh mờ nhòe, chói sáng, phần lòng đen mất đi độ trong suốt.

Bệnh võng mạc tiểu đường xảy ra do tình trạng tổn thương mạch máu ở võng mạc mắt. Biến chứng này nguy hiểm và tiến triển phức tạp gây nên các bệnh lý như phù hoàng điểm, xuất huyết dịch kính, bong võng mạc.

Giai đoạn mạch máu chưa tăng sinh: Mắt chưa có triệu chứng rõ rệt, bác sĩ phải chụp đáy mắt để phát hiện bệnh. Tuy nhiên, giai đoạn này có thể xuất hiện chứng phù hoàng điểm với các triệu chứng là mờ mắt, tầm nhìn bị thu hẹp hay hình ảnh nhìn thấy biến đổi khác nhau với hai mắt.

Giai đoạn mạch máu tăng sinh: Giai đoạn này tầm nhìn của người bệnh sẽ bị hạn chế đáng kể, mắt có thể bị đau, đỏ, nhức hốc mắt. Nếu nặng hơn sẽ xuất hiện những vệt máu và đốm đỏ trôi nổi trong tầm nhìn thậm chí có thể bị xuất huyết.

Cách tốt nhất để phòng, chống các biến chứng về mắt, đặc biệt là bệnh lý võng mạc là người bệnh cần kiểm soát tốt và tích cực chỉ số đường huyết ngay từ khi mới phát hiện bệnh tiểu đường. Khi chưa có biến chứng mắt, người bệnh tiểu đường cần được khám chuyên khoa mắt định kỳ 6 tháng/lần nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời các biến chứng mắt. Nếu phát hiện biến chứng tại mắt, người bệnh cần kiên trì, tuân thủ theo lời khuyên, phác đồ điều trị và lịch tái khám của bác sĩ.


Để được kiểm tra, tầm soát các biến chứng tại mắt do đái tháo đường, vui lòng liên hệ: Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai

Nguyễn Văn Hoạt – Khoa Mắt

Chia sẻ ngay