Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới 10/10/2023 với chủ đề “Sức khoẻ Tâm thần là quyền của mỗi người”

Sức khỏe tâm thần là một trạng thái cân bằng, cả bên trong cơ thể và với môi trường. Các yếu tố thể chất, tâm lý, xã hội, văn hóa, tinh thần và các yếu tố liên quan khác đều tham gia vào việc tạo ra sự cân bằng này. Có mối liên hệ không thể tách rời giữa sức khỏe tâm thần và thể chất.

Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới, viết tắt là WMHD (World Mental Health Day) được tổ chức vào ngày 10 tháng 10 hàng năm trên toàn thế giới, để giáo dục, nâng cao nhận thức và ủng hộ sự nghiệp sức khỏe tâm thần.

Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới được cử hành lần đầu vào năm 1992 do sáng kiến của Liên đoàn sức khỏe tâm thần thế giới, một tổ chức bảo vệ sức khỏe tâm thần toàn cầu có các thành viên ở hơn 150 quốc gia. Vào ngày này, hàng ngàn người hỗ trợ đã tổ chức chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức, đem lại sự chú ý tới bệnh tâm thần và hậu quả của nó trên cuộc sống của những bệnh nhân trên khắp thế giới.

Ngày Sức khoẻ Tâm thần Thế giới năm 2023 được Tổ chức Y tế thế giới đưa ra với chủ đề: “Sức khoẻ Tâm thần là quyền của mỗi người” nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức và thúc đẩy các hành động chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ tâm thần của mọi người.

Hiện nay, hàng ngàn người có vấn đề về sức khỏe tâm thần trên thế giới đang bị tước đoạt nhân quyền của họ. Họ không chỉ bị phân biệt đối xử, kỳ thị, thiệt thòi mà còn là đối tượng bị lạm dụng ở cả trong cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần và ngoài cộng đồng.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về những gì có thể thực hiện được để đảm bảo rằng những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể tiếp tục sống với phẩm giá của họ. Thông qua các chính sách và pháp luật, đào tạo đội ngũ cán bộ y tế phải nhắc đến quyền con người, tôn trọng sự chấp thuận điều trị, bao gồm cả các quy trình thực hiện và thông tin công khai.

Hưởng ứng ngày Sức khoẻ Tâm thần Thế giới 2023, cộng đồng xã hội và gia đình cần:

Một là: Nâng cao nhận thức về bệnh tâm thần và tích cực tham gia vào việc chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người bệnh.

Hai là: Phục hồi chức năng tâm lý xã hội thông qua giao tiếp tạo điều kiện cho người bệnh vui chơi giải trí với mọi người.

Ba là: Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người bệnh tâm thần, không nên tranh luận với họ.

Bốn là: Giúp đỡ người bệnh tâm thần khi họ gặp khó khăn và tạo cho người bệnh có việc làm phù hợp với khả năng của họ.

Năm là: Gia đình cần có thái độ xem người bệnh tâm thần như những thành viên khác trong gia đình, không phân biệt đối xử.

Sáu là: Cần chấp nhận những hành vi dị thường của người bệnh tâm thần, cần tỏ rõ tình thương đối với người bệnh.

Bảy là: Cần kiên trì giúp đỡ người bệnh tâm thần để họ không bi quan chán nản. Không nên cưỡng ép, giận dữ, nên dịu dàng hướng dẫn người bệnh tâm thần trong giao tiếp, ứng xử cũng như trong hướng dẫn thực hiện công việc hàng ngày.

Vì sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội hãy chủ động phòng, tránh bệnh tâm thần.

   Vũ Hải Bình (sưu tầm)

 

Chia sẻ ngay