Mộng thịt là gì

Mộng thịt là gì, mộng thịt ảnh hưởng gì tới mắt, điều trị như thế nào? Đây là mối quan tâm của tất cả người bệnh. Mộng thịt dân gian gọi là mảng máu hay rẽ quạt, là khối tổ chức liên kết thường xuất hiện ở góc trong, góc ngoài, hoặc cả góc trong và góc ngoài của mắt.

Thân mộng hình nón quạt di động trên củng mạc (lòng trắng), đầu mộng dính và phủ lên giác mạc (lòng đen). Mộng thịt phát triển nhanh hay chậm tùy thuộc vào cơ địa và môi trường tiếp xúc.

Mộng thịt thường không ảnh hưởng gì, đó là tổn thương lành tính phát triển chậm theo thời gian. Tuy nhiên, một số trường hợp mộng thịt xâm lấn sâu vào giác mạc có thể che kín đồng tử (con ngươi) làm ảnh hưởng đến thị lực.

Người mắc bệnh mộng thịt thường có triệu chứng cộm xốn và đỏ mắt (khi tiếp xúc với gió, khói bụi, uống bia rượu) làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của mắt và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Những dấu hiệu và triệu chứng của mộng thịt là gì?

Triệu chứng của mộng thịt thường không rõ ràng. Người bị mộng thịt thường thấy khó chịu trong mắt, những triệu chứng thường gặp của mộng thịt:

  • Đỏ mắt
  • Mờ mắt
  • Ngứa mắt
  • Kích ứng mắt
  • Khô mắt
  • Cảm giác có vật lạ ở trong mắt.

Nếu khối thịt lớn hay chạm vào giác mạc có thể gây suy giảm thị lực.

Description: mộng thịt

Nguyên nhân nào gây mộng thịt?

Nguyên nhân của mộng thịt là không rõ. Một số nghiên cứu cho rằng nguyên nhân mộng thịt là do tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, gây khô mắt. Mộng thịt thường gặp ở những người phải làm những công việc thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc những ai sống trong khí hậu nóng khô.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc mộng thịt?

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ mắc mộng thịt như:

  • Sống khu vực khí hậu nóng, khô
  • Làm công việc ngoài trời nhiều
  • Thường xuyên tiếp xúc với gió, bụi, phấn hoa hay các chất gây kích ứng, khô mắt

Chẩn đoán mộng thịt

Mộng thịt được chẩn đoán bằng cách khám mắt thông thường, không cần thiết phải tiến hành xét nghiệm. Tuy nhiên bệnh nhân có thể phải làm xét nghiệm bổ sung để chẩn đoán tình trạng thị lực bị ảnh hưởng bởi mộng thịt.

  • Kiểm tra thị lực mắt bằng cách đo thị lực
  • Đo đánh giá sự thay đổi độ cong của giác mạc
  • Ảnh tư liệu để theo dõi tốc độ phát triển của mộng thịt.

Cách điều trị mộng thịt

Trước đây, thường phẫu thuật cắt bỏ mộng thịt đơn thuần, tỷ lệ tái phát cao 30% – 80% nên vấn đề chỉ định phẫu thuật có phần hạn chế, phẫu thuật thường có nguy cơ ảnh hưởng đến thị lực.

Ngày nay có nhiều phương pháp phẫu thuật như: Ghép kết mạc tự thân, Ghép màng ối, Ghép tế bào mầm, Áp thuốc chống phân bào… Tỷ lệ tái phát thấp khoảng 3% – 5%.

Hiện nay, tại khoa Mắt Bệnh viện Đa Khoa Tỉnh Lào cai áp dụng phương pháp phẫu thuật Ghép kết mạc tự thân. Hầu như không tái phát hoặc tái phát rất thấp khoảng 2% – 3%. Sau đó, người bệnh tái khám sau 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 1 năm.

Sau 1 năm, mắt ổn định hầu như không tái phát nên tại khoa mắt BVĐK Tỉnh Lào Cai có thể tiến hành phẫu thuật mộng thịt ở giai đoạn đầu tùy theo hình thái mộng và nhu cầu của người bệnh, giúp cho cuộc sống người bệnh tốt hơn.

* MỘNG THỊT KHÔNG ĐIỀU TRỊ KHỎI BẰNG NỘI KHOA (DÙNG THUỐC)

Những thói quen sinh hoạt nào giúp hạn chế mộng thịt?

Mộng thịt không thể phòng tránh, tuy nhiên thói quen sinh hoạt tốt sẽ giúp hạn chế nguy cơ bị mộng thịt.

  • Thường xuyên đeo kính râm khi ra ngoài trời
  • Nếu làm những công việc phải ở ngoài trời nhiều hãy cho mắt nghỉ ngơi trong bóng râm sau một thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Nếu mắt khô, hãy dùng nước mắt nhân tạo để cấp thêm ẩm cho mắt
  • Tránh bụi, gió, khói và phấn hoa.

Thạc sỹ. Nông Thành Công – Phó Trưởng khoa Mắt

Chia sẻ ngay