Buồng tiêm dưới da là một hệ thống bao gồm ống thông và buồng tiêm trong đó ống thông được đặt vào tĩnh mạch lớn trung tâm và buồng tiêm được cấy hoàn toàn vào mô dưới da, nơi dễ sờ thấy nhằm mục đích tạo điều kiện có thể tiếp cận với vòng tuần hoàn chung một cách thuận lợi, dễ dàng và lặp đi lặp lại nhiều lần.
Điều trị bệnh ung thư là sự kết hợp đa mô thức, gồm có các phương pháp điều trị cơ bản như: phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, thuốc đích, nội tiết, miễn dịch… Trong đó điều trị hóa chất là một trong những phương pháp đóng vai trò hết sức quan trọng. Hầu hết các thuốc hóa chất điều trị bệnh ung thư đều được sử dụng qua đường truyền tĩnh mạch. Với cách truyền hóa chất qua ven ngoại vi thông thường có nhiều nhược điểm như: gây tổn thương ven ngoại vi, nguy cơ rò rỉ hóa chất do chệch ven, bị hạn chế vận động vùng chi nơi đặt ven truyền hóa chất… làm giảm chất lượng cuộc sống bệnh nhân trong những ngày truyền hóa chất.
Buồng tiêm truyền đã được sử dụng từ những năm 1981, đặt buồng tiêm truyền dưới da là nhằm đưa 1 catheter vào tĩnh mạch trung ương với mục đích tiêm truyền vào tĩnh mạch trung ương lâu dài. Việc sử dụng buồng tiêm truyền sẽ làm hạn chế các biến chứng của truyền ven ngoại thông thường.
Bệnh nhân (BN) nào nên đặt buồng tiêm truyền ?
– Bệnh nhân cần tiêm truyền vào tĩnh mạch trung ương lâu dài.
– Bệnh nhân ung thư có điều trị hóa chất.
– Bệnh nhân nuôi dưỡng tĩnh mạch kéo dài.
– Bệnh nhân sử dụng các thuốc gây tổn thương ven ngoại vi khi sử dụng nhiều lần.
– Theo nhu cầu của việc điều bệnh và nguyện vọng của BN.
Ưu điểm của sử dụng buồng tiêm truyền:
– Hạn chế cho bệnh nhân cảm giác đau đớn, sợ hãi mỗi khi lấy ven truyền hoặc tiêm.
– Hạn chế tổn thương thành tĩnh mạch ngoại vi ( thuốc theo tĩnh mạch trung ương vào vòng tuần hoàn lớn, tránh được các tổn thương sau nhiều lần chọc lấy ven).
– Giảm nguy cơ khi rò rỉ thuốc ra khỏi tĩnh mạch gây tổn thương các mô và cơ, xảy ra.
– Không còn gây khó khăn cho điều dưỡng trong quá trình lấy ven truyền hoặc tiêm thuốc tĩnh mạch (trên các bệnh nhân khó lấy ven ngoại vi).
– Đặc biệt hữa ích trong cấp cứu khi cần phải thiết lập ngay đường truyền tĩnh mạch trung ương.
– Bệnh nhân không bị hạn chế vận động vùng chi, tránh tê bì, không bị bất tiện sinh hoạt trong những ngày truyền.
BSCK I. Nguyễn Thúy Nương – Trung tâm Ung bướu và YHHN, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai