Bệnh Tâm thần phân liệt (TTPL) là một rối loạn tâm thần nặng mạn tính và để lại nhiều khuyết tật cho bệnh nhân. Ba nhóm triệu chứng cơ bản của tâm thần phân liệt là các triệu chứng dương tính (hoang tưởng, ảo giác và mất tổ chức), các triệu chứng âm tính (cùn mòn cảm xúc, mất động cơ, mất ngôn ngữ, mất hứng thú và thu mình) và các triệu chứng suy giảm nhận thức (giảm khả năng tập trung, giảm trí nhớ, giảm việc đưa ra quyết định..). Cả thế giới đang cố gắng tìm ra nguyên nhân và các phương pháp điều trị để hạn chế các di chứng và phục hồi cho bệnh nhân.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu các thuốc hướng thần mới để có thể điều trị được các triệu chứng của bệnh và giúp bệnh nhân có chất lượng cuộc sống cao nhất có thể. Tuy nhiên, các thuốc an thần chủ yếu tác dụng trên triệu chứng dương tính (hoang tưởng, ảo giác, kích động..) và có tác dụng một phần trên các triệu chứng âm tính và suy giảm nhận thức. Mặc dù vậy nhưng vẫn có những báo cáo về tình trạng triệu chứng âm tính và suy giảm nhận thức thứ phát do các triệu chứng dương tính và tác dụng không mong muốn của thuốc gây ra.
Để hỗ trợ trong điều trị các triệu chứng dương tính, âm tính và suy giảm nhận thức, các nhà tâm lý học lâm sàng đã nghiên cứu và đưa vào áp dụng thực tế lâm sàng các liệu pháp tâm lý, hỗ trợ tâm lý xã hội để giúp bệnh nhân tâm thần phục hồi lại các chức năng sống. Có nhiều nghiên cứu đánh giá hiệu quả của liệu pháp hành vi nhận thức trong điều trị TTPL giai đoạn đầu, giải quyết hoang tưởng và ảo giác của bệnh nhân, hỗ trợ điều trị các triệu chứng âm tính và suy giảm nhận thức và điều trị các triệu chứng trầm cảm ở bệnh nhân TTPL. Giáo dục tâm lý cho bệnh nhân và gia đình giúp bệnh nhân và gia đình thay đổi các suy nghĩ không phù hợp về bệnh và cách chăm sóc, từ đó tránh được sự kỳ thị, tuân thủ điều trị tốt hơn và đặc biệt gia đình và bệnh nhân biết cách tự chăm sóc và tránh tái phát.
Do các triệu chứng của bệnh, các kỹ năng sống của bệnh nhân ngày càng suy giảm, nên việc dạy các kỹ năng sống là một thành phần không thể thiếu được khi muốn giúp đưa bệnh nhân trở về cuộc sống bình thường. Một trong các triệu chứng tương đối phổ biến và khó điều trị bằng thuốc ở bệnh nhân TTPL đó là triệu chứng suy giảm nhận thức. Chính sự suy giảm này làm bệnh nhân hạn chế các chức năng sống. Đó là lý do mà các nhà khoa học đang quan tâm đến các liệu pháp làm tăng nhận thức cho bệnh nhân.
Có nhiều chương trình làm tăng nhận thức đã được xây dựng trên cơ sở các phương pháp làm tăng nhận thức cho các bệnh nhân sau các tổn thương thực thể ở não. Khi trở về đời thường, bệnh nhân cần có các công việc để thấy được giá trị bản thân và hoà nhập với xã hội. Vì vậy các chương trình lao động hướng nghiệp cần được triển khai, không chỉ tại bệnh viện mà còn nên triển khai tại cộng đồng để giúp bệnh nhân có cuộc sống đầy ý nghĩa của nó.
Sưu tầm: Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng
Người sưu tầm: Vũ Hải Bình – BVĐK tỉnh Lào Cai